ClockThứ Tư, 04/11/2015 19:06

Ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên cần được thống nhất

TTH - Dị bản là hiện tượng thường gặp trong âm nhạc truyền thống. Tuy vậy, một số trường hợp trong ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên cần được thống nhất trong cách hiểu, cách viết và trao truyền.

Biểu diễn ca Huế tại lễ đón bằng công nhận ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Minh Hiền

 

Chúng tôi vẫn được nghe các nghệ nhân và diễn viên hát lý Giao duyên với lời cũ như sau:

Gặp nhau đây

Mới buổi đầu trăng gió

Xin hỏi cô một lời (2 lần)

Cô đã có chồng chưa?

Xin hỏi cô một lời

Cô đã có chồng chưa?

Một số sách cũng viết lời lý Giao Duyên Bình Trị Thiên như vậy. Quá trình tìm hiểu dân ca nhạc cổ quê hương, tôi cứ ngờ ngợ. Vẫn biết rằng câu lý này từ miền Bắc truyền vào. Người miền Bắc gọi các cô gái là “cô”. Cách tỏ tình mạnh bạo, “mới buổi đầu trăng gió” mà đã hỏi thẳng: “Cô đã có chồng chưa?”, là cách tỏ tình có phần khiếm nhã, thô mộc khi vào xứ Huế vẫn giữ nguyên như vậy sao? Cũng vùng đất Thuận Hóa, có câu tục ngữ rất hay: “Nhất chặt tre, nhì ve gái” kia mà! Và còn biết bao câu ca dao nói lên cách tỏ tình vừa tha thiết, vừa kín đáo đến nao lòng khi người con trai giáp mặt người yêu. Ví như:

Ngó em như ngó mặt trời

Chói chang khó ngó, trao lời khó trao!

Có lẽ nào câu hát Giao duyên từ miền Bắc du nhập, qua thời gian không có một lời khác hay hơn sao. Rồi, tôi lại được đọc một văn bản khác của lý Giao duyên Bình Trị Thiên, vẫn là cách xưng hô của miền Bắc (từ “cô”) nhưng câu hỏi đã khác:

Xin hỏi cô một lời

Nàng đã có nơi chưa?

Lại có bản ghi người con trai hỏi một cách trống không:

Gặp nhau đây

Mới buổi đầu trăng gió

Xin hỏi một lời

Đã có nơi chưa?

Thật nhẹ nhõm, “Xin hỏi một lời/ Đã có nơi chưa?”. Có thế chứ! Câu hỏi thật tế nhị, vừa đậm đà ý vị lời ăn tiếng nói của quê hương…

Một trường hợp khác, đó là tiếng đệm hò hụi của Bình Trị Thiên. Các diễn viên hiện nay vẫn thường hát tiếng đệm (lời xô) là:

Bơ hò bơ hụi

Hết hụi (ta) hò khoan

là hù là khoan!

Vì sao mới vào hò hụi mà lời xô lại “hết hụi”? Mặt khác, thông thường hò khoan xong, thì tác giả lời ca viết lời hò hụi để kết thúc tiết mục, vậy sao lại “hết hụi ta hò khoan”. Qua tìm hiểu, đối chiếu các văn bản, thì thắc mắc trên được giải đáp rõ ràng và đơn giản. Đó là không biết tự bao giờ từ “hát hụi” lại hát thành “hết hụi”! Hát đúng tiếng đệm phải là:

Bơ hò bơ hụi

Bơ hò hụi

Hát hụi (ta) hò khoan

là hù là khoan!

Vậy là “Hát hụi” chứ không thể “Hết hụi”. Do đó, xin đề nghị hát đúng lời “xô”, nếu không sẽ vô nghĩa, dù chỉ là tiếng đệm.

Một trường hợp nữa mà theo chúng tôi cũng cần được lưu ý, đó là lời ca Nam Bình “Tình phân ly” viết về cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân với vua Champa đầu thế kỷ XIV. Bài Nam Bình “Tình phân ly” của ông Võ Chuẩn. Ông quê ở Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, từng giữ chức Tổng đốc Nghệ An, sáng tác lời ca này vào khoảng những năm 1930 – 1940. Xin nói về ba từ trong văn bản bài Nam Bình nổi tiếng này. Có người hát:

Độ xuân thì

Số lao đao hay là duyên nợ gì.

một bản khác:

Độ xuân thì

Cái lương duyên hay là nợ duyên gì.

Rõ ràng, “Số lao đao” hạ thấp ý nghĩa lớn lao về sự kiện công chúa Huyền Trân kết duyên cùng vua Champa. Mong sao khi truyền dạy, biểu diễn, in ấn, ba từ “Số lao đao” thay bằng “Cái lương duyên”.

Báo Nhân Dân hàng tháng số 61 tháng 5/2002 trang 13 có: “Hò Huế, thú vui tao nhã”. Với đầu đề ấy, ta không thể đồng ý với tác giả, bởi tuyệt đại đa số các làn điệu hò Huế đều gắn với lao động sản xuất, không thể nói nó là một “thú vui tao nhã”. Bài báo cũng làm cho người đọc hiểu nhầm về ca Huế khi viết: “Hò Huế, hay còn gọi là Ca Huế là một bộ môn nghệ thuật (…)”. Sách Âm nhạc cung đình triều Nguyễn, Nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 1997 – trang 164, viết: “Ngoài các bài bản trên, ca Huế còn gồm cả những bài hò, bài lý trong dân ca miền Trung như lý Tình tang, hò mái nhì”. Như vậy, theo các tác giả thì ngoài các bài bản như vẫn hiểu lâu nay, ca Huế còn bao gồm các điệu của hò và các làn điệu lý của Bình Trị Thiên (còn gọi là lý Huế). Thật là một sự nhầm lẫn không đáng có khi cho rằng các làn điệu hò Huế, lý Huế cũng là ca Huế! Xét về nguồn gốc, thời gian ra đời, nội dung phản ánh, hình thức thơ – ca, khúc thức – âm nhạc, hình thức diễn xướng… chúng là ba loại hình riêng biệt.

Thuật ngữ ca Huế được hiểu là những bài hát xuất phát từ kinh đô Huế khoảng từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, (nhạc có trước, lời sáng tác sau) hình thành nên từ tinh hoa của các làn điệu dân ca và âm nhạc bác học (âm nhạc cung đình, cửa quyền…). Ca Huế là đỉnh cao của lối diễn xướng đơn lẻ trong kho tàng nhạc cổ dân tộc. Về lời, ca Huế nói chung chia thành nhiều đoạn (còn gọi là trổ, sáp); mỗi trổ, mỗi vần (khác với hò Huế và lý Huế làn điệu dựa trên ca dao với thể thơ dân tộc chủ yếu là lục bát, song thất lục bát). Lời của bài ca Huế như một bài thơ tự do, câu ngắn, câu dài tùy theo nhạc. Các bài bản ca Huế độc lập, hoàn chỉnh, nhưng có khi trở thành một tổ hợp (như 10 bản tấu, còn gọi là Thập thủ liên hoàn).

Nhân đây cũng đề nghị viết, gọi đúng điệu Phẩm Tuyết trong Thập thủ liên hoàn. Mười bản trong thập thủ liên hoàn xếp theo thứ tự như sau: Phẩm Tuyết, Nguyên Tiêu, Hồ Quảng, Liên Hoàn, Bình Bản, Tây Mai, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ, Tẩu Mã. Tuy nhiên nhiều người gọi, viết điệu Phẩm Tuyết thành Phẩm Tiết là không đúng. Nghĩa một số điệu trong Thập thủ liên hoàn như sau: Phẩm Tuyết là tả những bông tuyết (ca Huế ngày trước vẫn thường ngâm vịnh cảnh đẹp thiên nhiên “vân, hoa, tuyết, nguyệt”); Nguyên Tiêu - nói về Tết Nguyên Tiêu – rằm Tháng Giêng; Tây Mai nói hoa mơ ở phía Tây ngôi nhà… “Vân, hoa, tuyết, nguyệt” là cách nói tượng trưng về cảnh đẹp thiên nhiên mà thôi. Theo nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, vua Tự Đức yêu cầu các bài bản tên Nôm phải dịch ra chữ Hán, hoặc lấy tên chữ Hán và thực tế kẻ sỹ cũng đã làm như vậy. Các điệu lý Huế cũng có hiện tượng này. Những điệu lý Chuồn Chuồn, Con Sáo, Trăm Hoa… có thêm những “tên chữ”: Tiểu Khúc, Giang Nam, Tử Vi… Như vậy gọi đúng, viết đúng phải là điệu Phẩm Tuyết chứ không phải là Phẩm Tiết

Quả là qua thời gian tìm hiểu, chúng ta càng hiểu thêm, yêu thêm ca Huế và dân ca quê hương.

Minh Khiêm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top