Thế giới

Cả khu vực sẽ sát cánh nếu Trung Quốc áp đặt ADIZ trên Biển Đông

ClockThứ Bảy, 29/11/2014 16:26
TTH.VN - Nếu Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, chắc chắn cả khu vực sẽ buộc phải sát cánh, để xây dựng một mặt trận chung, chống lại sự bành trướng của nước này.


Các quốc gia trong khu vực có khả năng thiết lập một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc nếu nước này tuyên bố ADIZ trên Biển Đông. Ảnh: Alamy

Ankit Panda, chuyên gia phân tích từ Diplomat, ngày 27/11 bày tỏ quan điểm của ông quanh việc Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, đồng thời liệt kê những trở ngại mà Bắc Kinh sẽ gặp phải nếu ôm tham vọng làm điều tương tự với Biển Đông, trong bài phân tích với tiêu đề: "Một năm sau khi tuyên bố ADIZ, điều gì chờ đợi Trung Quốc".

Đã một năm kể từ khi Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên một khu vực rộng lớn thuộc biển Hoa Đông. Bắc Kinh đưa ra quyết định này tại thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng bởi những tranh chấp xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Hiện tại tranh cãi vẫn chưa dứt khiến đôi bên tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ xung đột. Những câu hỏi từng được đặt ra về việc tại sao Trung Quốc lựa chọn cách thiết lập ADIZ và điều này sẽ đưa an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như quan hệ Trung - Nhật tới đâu, đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Mặt khác, nhiều nghi vấn mới lại hình thành, trong đó, liệu Trung Quốc có tiếp tục áp đặt ADIZ trên Biển Đông hay không là câu hỏi khiến giới phân tích quan tâm hơn cả.

Bắc Kinh thời gian gần đây gửi đi nhiều tín hiệu gây nhiễu quanh khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Một tướng quân đội cấp cao Trung Quốc từng kêu gọi thực hiện nước đi này với lý do "điều đó cần thiết cho lợi ích lâu dài của quốc gia". Trái lại, các phát biểu từ Bộ Ngoại giao lại nhấn mạnh Bắc Kinh không hề có ý định thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Những tuyên bố chủ quyền phi lý hiện nay khắc họa khá rõ nét tham vọng về một mức độ kiểm soát tối đa của Bắc Kinh tại khu vực. Nếu áp đặt ADIZ, Trung Quốc sẽ phải lo lắng về vấn đề thi hành nó như thế nào dù hải quân và không quân nước này hiện được xem như lực lượng mạnh mẽ nhất trong vùng, cả về số lượng và chất lượng.

Khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông, các nước như Nhật Bản và Mỹ không những phớt lờ mà còn thể hiện sự thách thức. Nhiều chuyến bay dân sự của Tokyo và các chiến đấu cơ ném bom B-52 của Washington vẫn qua lại vùng trời này mà không cần khai báo hay xin phép Bắc Kinh.

Nếu lập ADIZ ở Biển Đông và gặp phải những phản ứng tương tự từ Việt Nam, Philippines hay các bên liên quan, Trung Quốc sẽ chỉ phơi bày một sự thật rằng Bắc Kinh không đủ khả năng để quản lý những khu vực mà nước này tuyên bố làm chủ một cách vô lý và phi pháp. Hơn nữa, những lợi thế về pháp lý mà Trung Quốc tìm kiếm ở ADIZ tại Hoa Đông sẽ khó đạt được hơn đối với Biển Đông.

Trong khi Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) chưa thể thống nhất một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC),  việc tuyên bố ADIZ trong khu vực là một hành động kém khôn ngoan về chiến lược của Bắc Kinh. Nó chỉ khiến các quốc gia có liên quan trong tranh chấp chủ quyền nỗ lực hơn nữa hoặc tiến tới xây dựng một mặt trận thống nhất để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Trong khi triển vọng về một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông vẫn còn rất xa vời, điều quan trọng hơn mà Bắc Kinh nên thực hiện là đưa ra lời giải thích rõ ràng về việc thiết lập ADIZ trên Hoa Đông. Hành động này vấp phải rất nhiều phản đối cũng như sự hoài nghi quanh tính đúng đắn về mặt pháp lý của nó. Ủy ban Đánh giá Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (USCC) từng nhấn mạnh yêu cầu này trong một bản báo cáo trình Quốc hội Mỹ. Bắc Kinh tương lai vẫn phải tiếp tục giải quyết vấn đề liên quan đến ADIZ ở Hoa Đông trong quan hệ ngoại giao song phương với những cường quốc cùng chia sẻ lợi ích tại khu vực, đặc biệt là Mỹ.

ADIZ-china-2143-1417171748.jpg

Vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc đưa ra trên biển Hoa Đông (màu đỏ). Ảnh: Japan Ministry of Defense.

Vũ Hoàng (Theo VnExpress)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các tổ chức nhân đạo cảnh báo về nắng nóng khi mùa hè đến gần

Theo Hãng Thông tấn The Straits Times ngày hôm nay (29/3), hai tổ chức nhân đạo hàng đầu thế giới vừa lên tiếng cảnh báo, nắng nóng khắc nghiệt là một trong những vấn đề gây nguy hiểm nhất do biến đổi khí hậu; mặc dù vậy, vấn đề này ít được quan tâm hơn so với các tác động dây chuyền khác, chẳng hạn như bão và lũ lụt.

Các tổ chức nhân đạo cảnh báo về nắng nóng khi mùa hè đến gần
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu để theo dõi các chủng virus corona

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra mắt một mạng lưới mới về các chủng virus corona, CoViNet, để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm và chính xác về SARS-CoV-2, MERS-CoV, cũng như các chủng virus corona mới, có tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu để theo dõi các chủng virus corona
1,05 tỷ tấn thực phẩm toàn cầu bị lãng phí trong khi hàng trăm triệu người bị đói

Theo một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố ngày 27/3, trong khi 2,4 tỷ người trên thế giới (tương đương 1/3 nhân loại) phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng hoặc vừa phải và 783 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói, thì hơn 1 tỷ bữa ăn đang bị lãng phí mỗi ngày.

1,05 tỷ tấn thực phẩm toàn cầu bị lãng phí trong khi hàng trăm triệu người bị đói
Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon

Hãng Thông tấn Reuters ngày 27/3 đưa tin, Brazil và Pháp vừa khởi động một chương trình đầu tư, nhằm mục tiêu bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil và Guyana, với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ euro (tương đương 1,1 tỷ USD) từ các nguồn quỹ công và tư nhân trong vòng 4 năm tới.

Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon
Return to top