ClockThứ Năm, 30/09/2010 18:07

Cà phê vỉa hè

TTH - Nhà soạn nhạc Walther Giger, người cùng nghệ sĩ Camille Huyen đã có một chương trình biểu diễn nghệ thuật rất đặc sắc tại Festival 2010 bảo rằng, đến Huế ông rất thích rong ruổi qua từng con đường nhỏ, chiều về ngồi đàn hát với nhóm trẻ gần khách sạn và đặc biệt rất thích uống cà phê vỉa hè. Giáo sư Walther Giger muốn ghi lại âm thanh của xứ Huế, giọng nói, tiếng cười, tiếng rao hàng, tiếng honda… Ở quán cà phê vỉa hè, ông có thể cảm nhận được một cách đầy đủ và chân xác những thanh âm kỳ lạ kia.

Huế không phải là xứ sở của cây cà phê. Vậy nhưng, dạo quanh một vòng mới thấy chẳng có nơi nào như Huế, một thành phố không lớn nhưng lại có mật độ quán cà phê dày đặc. Không quán nào giống quán nào. Sang trọng theo phong cách hiện đại có Queen Park, Newpace, Lotus… Cổ kính với kiểu kiến truc như rường với Nam Giao Hoài Cổ hay, Vỹ Dạ Xưa… mang đặc trưng cà phê vườn Huế ở Kim Long, đường Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tôn… Và rất đặc biệt, những quán cà phê “cóc”, cà phê “bụi” hay cà phê “vỉa hè” mà nhà soạn nhạc Walther Giger rất có ấn tượng.


 
Nhớ cách nay đã hơn 5 năm, có lần mời một người bạn thân từ Hà Nội, tôi dẫn đến một quán cà phê thuộc loại sang trọng ở Cố đô. Anh bạn tỏ vẻ ngạc nhiên và giận dỗi: “Ở Thủ đô lâu ngày gò bó, ông lại tra tấn mình nữa sao. Tìm một quán cóc nào đó đi”. Thì ra bạn tôi muốn tìm đến một không gian thoải mái, một chốn xưa ở quê gắn với thuở hàn vi và ắp đầy kỷ niệm. Và tôi đã lờ mờ nhận ra nó ở những quán cà phê vỉa hè. Thế rồi, cũng đã nhiều năm nay, tôi là khách hàng của những quán cà phê vỉa hè ở Huế. Tôi nghĩ, đó là những điểm hẹn của những người bạn mà tôi muốn gặp hay chợt nhớ đến bất ngờ trong buổi sáng trước giờ làm việc. Ở đường Trần Thúc Nhẫn hay đường Phan Đình Phùng và Nguyễn Trường Tộ; ở đường Bà Triệu, Nguyễn Đình Chiểu hay Phạm Văn Đồng… Mỗi nơi, tôi lại có những người bạn của riêng mình gắn liền với một không gian, một kỷ niệm.
 
Có người đã so sánh cà phê vỉa hè ở Huế với Paris của Pháp với những quán cà phê vỉa hè nổi tiếng, như Café de Flore (172 đại lộ Saint Germain), Au Petit Fer a Cheval (số 30 phố cổ Temple) hay Le Sancerre (35 đường nhà ga Abbesses)… Cũng như ở Huế, người Paris tìm đến những quán cà phê vỉa hè để thưởng thức hương vịmùi cà phê đặc biệt, cũng để “gần hơn” và có sự trải nghiệm đích thực với cuộc sống đời thường, ngắm nhìn phố xá trong một tầm nhìn thông thoáng và tất nhiên, để gặp gỡ bạn bè. Hẳn nhiên, nếu xét những tiêu chí đó, cà phê vỉa hè ở Huế còn có sự hấp dẫn hơn hẳn.
 
Tôi nhớ có nguời bạn đã có những lời bình luận rất hay về cà phê vỉa hè xứ Huế. Rằng, nó không từ chối bất kỳ ai, anh xe ôm, bác xích lô, câu sinh viên, một trí thức, một nghệ sĩ hay gã viên chức, nhà báo quèn như tôi. Rằng uống cà phê vỉa hè để tha hồ nhìn ngắm. Rằng, đi uống cà phê vỉa hè để mà tâm sự, mà nói chuyện thoải mái. Và nữa, rằng đi uống cà phê vỉa hè để được nghe, được im lặng, một sự im lặng có chủ đích, không cần ai san sẻ…
 
Tôi đã cảm nhận điều đó bằng chính những trải nghiệm của riêng mình, bằng những buổi sáng khi đi qua con đường Trương Định, nhìn vào những quán cà phê vỉa hè rất đúng nghĩa với tên gọi của nó. Không quán xá, không bàn ghế sang trọng, không có bảng hiệu. Người nối người, ghế nối ghế. Người ngồi uống cà phê ngồi thành hàng trên vỉa hè với những chiếc ghế nhỏ và một ly cà phê. Tôi nghĩ, nó là ma lực, là sức hút để những khách lạ từ phương xa đến như Walther Giger hay kẻ đi xa trong những lần hiếm hoi trở về Huế như anh bạn tôi tìm đến với những quán cà phê vỉa hè ở Huế.
 
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top