ClockThứ Tư, 27/01/2016 14:42

Các câu lạc bộ ca Huế chưa tìm được hướng đi

TTH.VN - Thở dài là câu trả lời tôi nhận được khi hỏi thăm về hoạt động của CLB Ca Huế thính phòng (Bảo tàng Văn hóa Huế) và CLB Ca Huế Nguyễn Thị Lợi (tư gia nhà nghiên cứu Bửu Ý).

Rời rạc

Nghe tôi hỏi thăm tình hình hoạt động của CLB Ca Huế thính phòng, nghệ sĩ đàn tranh Lệ Hoa thở dài: “Khó lắm em ơi, CLB chỉ vận hành bằng niềm đam mê mà không có kinh phí”.

Không gian Ca Huế thính phòng

Nhớ những ngày đầu, rất đông nghệ sĩ hào hứng đến với CLB để được biểu diễn trong một không gian Ca Huế đúng nghĩa. Thế nhưng, không gian này giờ không còn “xôm tụ” như xưa, khi nghệ sĩ còn vướng bận nỗi lo cơm áo. Có những đêm phải nghỉ vì không huy động được nghệ sĩ. Nhiều đêm, chương trình biểu diễn rời rạc khi nhạc công chỉ mỗi mình nghệ sĩ đàn tranh (trong khi dàn nhạc Ca Huế thường có 5 cây ngũ tuyệt). Người ca cũng chỉ vài nghệ sĩ tâm huyết còn trụ lại. Nghệ sĩ Lệ Hoa bộc bạch: “Có những đêm, nhạc công chỉ mình tôi đánh đàn vẫn phải chơi. Chỉ vài lần đóng cửa, khán giả sẽ không đến nữa. ”.

Gắn bó với CLB từ ngày đầu, những lúc nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB đi vắng, nghệ sĩ Lệ Hoa thay ông điều hành hoạt động. Chính chị cũng thừa nhận mình đã mệt mỏi, uể oải sau thời gian cố gắng duy trì CLB trong tâm thế bị động. Dù có lịch diễn cố định nhưng người tổ chức cứ luôn phải thấp thỏm. Trước mỗi đêm diễn, chờ đến 5-6 giờ chiều (thời gian có thể chắc chắn nghệ sĩ có sô diễn hay không), nghệ sĩ Lệ Hoa lại điện thoại cho từng người dò hỏi xem ai có thể tham gia: “Nghe giọng người ta alô có vẻ miễn cưỡng, tôi cảm tưởng như mình đang làm phiền họ. Người ta có thể vì nể mình mà đến nhưng chỉ được vài lần. Tôi cũng thấy ái ngại khi diễn xong không có gì bồi dưỡng để động viên. Không nhiều nhưng phải có ở mức tối thiểu nhất để nghệ sĩ còn trang trải đi lại, son phấn, phục trang”, nghệ sĩ Lệ Hoa bộc bạch.

CLB Ca Huế thính phòng và CLB Ca Huế Nguyễn Thị Lợi là nơi biểu diễn những tinh hoa của Ca Huế, nơi giữ ngọn lửa đam mê và tâm huyết của nhiều thế hệ. Tháng 8/2015, đoàn làm phim của Hollywood, Mỹ đã tìm đến Bảo tàng Văn hóa Huế để làm phim về không gian Ca Huế thính phòng. Điều đó cho thấy, giá trị của những không gian diễn xướng này phần nào được khẳng định. 

Trước đây, CLB Ca Huế Nguyễn Thị Lợi ở tư gia nhà nghiên cứu Bửu Ý được tổ chức VHI (Hoa Kỳ) tài trợ. Hàng tháng, tổ chức này hỗ trợ cho mỗi nghệ nhân, nghệ sĩ từ 330 đến 500 nghìn đồng. Dù sự hỗ trợ ấy chỉ mang tính tượng trưng nhưng khi không còn, CLB hoạt động cầm chừng, èo uột rồi giải tán. CLB Ca Huế là tâm huyết bao năm của nhà nghiên cứu Bửu Ý nên ông tiếc ngẩn ngơ: “CLB quy tụ 3-4 thế hệ nghệ sĩ, từ cao niên đến thiếu niên. Khách nghe cũng rất đặc biệt, là những người mộ điệu đến từ các tỉnh, thành và nhiều nhất là du khách nước ngoài. Trước đây, chúng tôi háo hức chờ đợi đến chiều thứ 7 gặp nhau để cất lên tiếng đàn, ca. Giờ không thể duy trì, tôi và tất cả các thành viên đều buồn”.

Hai thành viên trong CLB là nghệ nhân Minh Mẫn và nghệ nhân Thanh Hương đã lớn tuổi, mỗi lần đến nhà ông Bửu Ý, họ phải thuê xe thồ. Nhưng giờ họ cũng không có điều kiện để thuê xe đến đây đều đặn hàng tuần. Thi thoảng, nhớ không khí ngày xưa quá, họ hẹn nhau đến nhà ông Bửu Ý cùng đàn, ca. “Tôi bị ngã gãy xương chậu, không thể tự đi lại, mỗi lần đến đây khó lòng quá. Nhưng không đi thì nhớ nhung đến sầu muộn.…”, nghệ nhân Minh Mẫn trải lòng. 

Tìm nguồn thu từ du lịch

Theo ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động của các CLB Ca Huế như trên rất đáng khích lệ, bởi đây là nơi trau dồi chuyên môn, trao truyền, bảo tồn Ca Huế. Tuy nhiên, CLB là nơi sinh hoạt tự nguyện, Nhà nước không có nguồn để cấp kinh phí. Nếu chỉ hoạt động đơn phương như hiện tại, CLB cũng sẽ rất khó duy trì.

Để duy trì hoạt động, CLB phải tạo ra được nguồn kinh phí. Khả thi nhất là hoạt động gắn với du lịch. Ông Cao Chí Hải cho rằng, CLB Ca Huế thính phòng có thể nối kết với các tour tuyến để biểu diễn phục vụ du khách ở các nhà vườn, phủ đệ… Khi khách đến đây tham quan, thưởng ngoạn, họ còn được thưởng thức Ca Huế thính phòng, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn. Và như vậy, Ca Huế thính phòng sẽ sống được; không gian nhà vườn, phủ đệ cũng sẽ thi vị hơn.

Nhiều người cho rằng, Ca Huế trên sông Hương có thể bán vé được thì tại sao ở không gian Ca Huế thính phòng lại không thể, trong khi rất nhiều người mộ điệu từ phương xa thèm được nghe Ca Huế chính hiệu. Kết hợp với du lịch là điều mà nghệ sĩ Lệ Hoa đã từng nghĩ đến. Chị cho biết: “Tôi cũng đã suy nghĩ đến việc làm các tập gấp quảng cáo, marketing nhưng chưa có ai hợp tác. Chúng tôi chỉ rành về chuyên môn…”.

Để đưa Ca Huế thính phòng vào khai thác phục vụ du lịch, cần có “nhạc trưởng” làm cầu nối liên kết, phối hợp với các công ty lữ hành, đưa vào tour tuyến... Ngoài ra, Bảo tàng Văn hóa Huế có thể kết hợp giữa văn hóa vật thể là hiện vật trưng bày và văn hóa phi vật thể là Ca Huế để thu hút khách tham quan. Ngoài những hiện vật sẵn có, bảo tàng cần làm phong phú, sinh động thêm nội dung trưng bày để thu hút du khách.

Nhà nghiên cứu Bửu Ý cho rằng, với CLB Ca Huế Nguyễn Thị Lợi, trước mắt, ông đang tự xoay sở đi tìm mạnh thường quân mới may ra sống được. Và như vậy, để duy trì hoạt động của CLB bền vững, cần có cánh tay nối dài từ công chúng, nhất là những người đam mê Ca Huế.

Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghệ nhân ưu tú Kim Vàng, sáng đẹp mãi lời ca

Ở độ tuổi 75, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Kim Vàng, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế vẫn luôn tất bật với những công việc liên quan đến nghệ thuật Ca Huế, Ca kịch Huế.

Nghệ nhân ưu tú Kim Vàng, sáng đẹp mãi lời ca
Một “điệu buồn” của ca Huế

Nhiều chương trình ca Huế không đảm bảo thời lượng, việc xuất bến và cập bến không đúng thời gian quy định, đội ngũ biểu diễn “mạnh chi hát đó”, cạnh tranh không lành mạnh... là tình trạng tạo ra hình ảnh không đẹp trong lòng du khách khi nghe biểu diễn ca Huế trên sông Hương.

Một “điệu buồn” của ca Huế
7 đội thi tranh tài Liên hoan Ca Huế năm 2023

Liên hoan Ca Huế năm 2023 do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức vừa được khai mạc vào tối 14/7 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh (41A Hùng Vương, TP. Huế).

7 đội thi tranh tài Liên hoan Ca Huế năm 2023
Chàng trai trẻ “bện hơi” ca Huế

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo, Lê Minh Vũ, chàng trai sinh năm 2000, mê ca Huế từ rất sớm. Tình yêu ấy được gieo vào tiềm thức của em từ những ngày thơ ấu, khi nghe những câu hò, điệu ru của bà, các mẹ... trong xóm.

Chàng trai trẻ “bện hơi” ca Huế
Return to top