ClockThứ Ba, 29/03/2016 13:36

Các cơ sở khám-chữa bệnh sẵn sàng tiếp nhận và điều trị Zika

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục Quản lý Khám-chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết Cục đã yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ do virus Zika xâm nhập vào Việt Nam tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Vi rút Zika gây tật đầu nhỏ có thực sự đáng sợ?WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về virus Zika

Thiết bị chẩn đoán virus Zika trong vòng 6 đến 8 giờ tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Nhằm tăng cường công tác phòng chống bệnh do virus Zika có thể xâm nhập vào Việt Nam, các đơn vị cần chú ý những người bệnh đến, đi về từ các quốc gia có dịch bệnh có các triệu chứng sốt, ban dát sẩn trên da, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt, có thể có biến chứng về thần kinh Guillain Barre, viêm não màng não, hoặc hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai để khám, sàng lọc, lấy mẫu ngay tại khoa khám bệnh.

Sau đó, khoa khám bệnh phối hợp với hệ thống y tế dự phòng gửi mẫu đi xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pastuer khu vực, Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh để phát hiện ca bệnh và cách ly người bệnh.

Các đơn vị tiếp tục tổ chức phổ biến, tập huấn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do virus Zika” đối với bác sỹ và điều dưỡng tham gia công tác khám, điều trị sốt xuất huyết Dengue tại khoa khám bệnh, khoa hồi sức cấp cứu, khoa nhi, khoa truyền nhiễm, khoa thần kinh, khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa xét nghiệm của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do đơn vị quản lý (công lập và tư nhân).

Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng khu vực điều trị để tiếp nhận và điều trị người bệnh nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika; chuẩn bị các cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, để phục vụ tốt việc thu dung, điều trị các ca bệnh nghi ngờ do virus Zika.

Bên cạnh làm tốt công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan bệnh viện, phun diệt muỗi trong bệnh viện, các phòng bệnh, cung ứng đủ màn cho người bệnh điều trị nội trú, tuyên truyền để người bệnh, người chăm nuôi hiểu và phòng tránh muỗi đốt để phòng bệnh, cần phối hợp tốt giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan y tế dự phòng, nghiêm túc báo cáo các ca bệnh nghi ngờ với Trung tâm y tế dự phòng địa phương và báo cáo Bộ Y tế để thực hiện xử lý kịp thời dịch bệnh.

Hiện nay, bệnh dịch do virus Zika đang lan rộng trên thế giới, tính đến ngày 23/3 đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền virus Zika.

Đặc biệt, các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc là những quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh do virus Zika.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo giảng viên truyền thông phục vụ phát triển vùng trồng dược liệu

Từ ngày 28 - 30/11, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe - Bộ Y tế phối hợp với Cục Quản lý Y - Dược Cổ truyền - Bộ Y tế tổ chức khóa tập huấn “Đào tạo giảng viên truyền thông vận động và huy động xã hội về xây dựng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Đào tạo giảng viên truyền thông phục vụ phát triển vùng trồng dược liệu

TIN MỚI

Return to top