ClockThứ Ba, 15/01/2019 08:59

Các địa phương kêu thiếu phòng học khi áp dụng chương trình GDPT mới

Nhiều địa phương cho biết rất khó khăn để giải quyết vấn đề thiếu phòng học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo lộ trình Bộ GD-ĐT đã công bố, năm học 2020- 2021 sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đại trà ở khối lớp 1, các khối lớp còn lại sẽ triển khai trong các năm tiếp theo.

Tuy vậy, với chương trình hiện hành, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tối thiểu ở nhiều nơi đã không đáp ứng được yêu cầu. Khi thực hiện chương trình mới, các cấp học cần có thêm phòng học bộ môn, phòng học chức năng và thiết bị dạy học phù hợp, chưa kể số học sinh trong một lớp phải hạn chế. Nhiều địa phương cho biết rất khó khăn để giải quyết vấn đề thiếu phòng học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các địa phương trong cả nước đã tổ chức rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Giường ngủ là góc học tập của các học sinh trường Tiểu học và THCS Ch’Ơm, huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam ngoài giờ lên lớp (ảnh: Đình Thiệu/VOV -Miền Trung)

Tính đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 567 nghìn phòng học, trong đó số phòng học kiên cố mới đạt gần 75%. Bậc học mầm non có tỷ lệ phòng học kiên cố thấp nhất, gần 65%, vùng Tây Nguyên có số phòng học mầm non kiên cố thấp nhất là 44%. Theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp tiểu học phải đảm bảo mỗi lớp có một phòng học để học hai buổi một ngày.

Tuy nhiên, số phòng học cần có ở bậc tiểu học của các địa phương mới đạt 90%. Phòng học bộ môn ở cấp THCS và THPT đều đang thiếu so với quy định. Trang thiết bị dạy học tối thiểu của các cấp học mới đạt từ 48% đến 59% nhu cầu. Như vậy, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các địa phương sẽ cần nguồn vốn khá lớn để đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo yêu cầu.

Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tỉnh Phú Thọ thì tổng nhu cầu kinh phí cần để đầu tư cho cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để triển khai trong giai đoạn 2018-2024 là hơn 8 nghìn tỷ đồng. Trong đó chúng tôi ưu tiên đầu tư cho cấp tiểu học trước và lớp 1 năm học 2020-2021 thì chúng tôi cần phải bổ sung xây dựng 436 phòng học, 228 phòng máy tính và hơn 5.500 máy vi tính. Đối với Phú Thọ thì số kinh phí như thế rất là lớn so với thu ngân sách của tỉnh, điều này rất là khó khăn”.

Chia sẻ khó khăn về cơ sở vật chất của tỉnh vùng núi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh còn nhiều phòng học tạm, số lượng phòng học, trang thiết bị dạy học còn thiếu so với quy định hiện nay, chưa kể yêu cầu của chương trình mới cao hơn. Trong khi đó, việc dùng nguồn vốn ngân sách địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia hay nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị khi thực hiện chương trình giáo dục mới cũng rất khó khăn.

“Hiện nay, đầu tư công giai đoạn 2016-2020 là không còn. Mục tiêu quốc gia nông thôn mới, giảm nghèo cũng đã phân bổ hết của cả giai đoạn, mà cũng không được nhiều lắm. Còn ngân sách sự nghiệp thì đa số chỉ chi lương, chi thường xuyên, còn nguồn xã hội hóa gần như không có. Do vậy, Bộ cũng nên có đề nghị với Chính phủ, ngoài chương trình kiên cố hóa trường lớp học hiện nay thì nên có một lượng kinh phí để hỗ trợ các tỉnh mà hưởng khoảng từ 50% trợ cấp ngân sách trung ương trở lên để các tỉnh kiên cố hóa tiếp các trường lớp học, hệ thống cơ sở vật chất khác để có thể phục vụ dạy học được”, ông Lê Văn Quý nói.

Với các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, khó khăn hiện nay là thiếu phòng học nên sỹ số học sinh trong một lớp luôn vượt quá tiêu chuẩn quy định. Hệ thống các trường công lập hiện đang quá tải bởi quỹ đất có hạn trong khi số học sinh tăng theo từng năm. Vì vậy, nhiều địa phương cũng đề nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành danh mục cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cụ thể để có lộ trình đầu tư phù hợp.

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị: “Chúng tôi mong muốn có các quy định về tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất các phòng học bộ môn để làm sao Hà Nội có chuẩn bị tốt hơn. Đầu tư của thành phố, của quận huyện đầu tư công thì có thời gian nhất định để triển khai.

Nếu chúng ta sớm ban hành quy định tối thiểu để chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện tốt hơn cho nội dung đó. Một số địa phương vẫn còn đông học sinh trên một lớp thì rất mong muốn nhận được sự chia sẻ của Bộ về những biện pháp, giải pháp để định hướng làm sao công tác chuẩn bị được tốt hơn”.

Từ thực tế của các địa phương, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ sẽ sớm ban hành danh mục tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để các địa phương rà soát, bổ sung phù hợp.

Quan điểm trong thực hiện chương trình mới của Bộ là tận dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có chứ không phải thay mới toàn bộ. Với những vấn đề vượt khỏi phạm vi quản lý của ngành, Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ để có hướng giải quyết để các địa phương có đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

Trước thực tế còn một số địa phương có tỷ lệ sử dụng vaccine/số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ và độ bao phủ vaccine còn thấp, còn nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine
Return to top