ClockThứ Tư, 25/01/2017 13:51

Các nước phản ứng trước việc Mỹ rút khỏi TPP

TTH.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/1 ký sắc lệnh rút Washington ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại giữa 12 quốc gia, đại diện cho hơn 40% nền kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Singapore: TPP không có Mỹ sẽ trở thành một thỏa thuận mớiAustralia nỗ lực thúc đẩy TPP mà không cần MỹTân Tổng thống Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPPMỹ rút khỏi TPP: ai thiệt nhất?

Ông Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP. Ảnh: CNN

Trước động thái này, các quốc gia thành viên TPP đã có những phản ứng đầu tiên, đồng thời tuyên bố sẽ cố gắng làm sống lại TPP hoặc ban hành các thỏa thuận mới.

Australia: "TPP, trong đó có Mỹ, chắc chắn không thể đi tiếp nếu Mỹ muốn thay đổi ý định. Chúng tôi có một thỏa thuận mang đến rất nhiều lợi nhuận lớn mà Australia, Nhật Bản, Canada, Mexico và các nước khác muốn giữ chân. Đó là lý do tại sao một số nước trong chúng tôi đã thảo luận về khả năng thực hiện TPP 12 trừ 1", Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo cho hay.

Canada: "Thỏa thuận này không thể có hiệu lực nếu không có Mỹ", người phát ngôn của Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada Kristine Racicot nhận định.

Chile: "Chúng tôi muốn tiếp tục sự tiến bộ của việc hội nhập với các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhiều trong số đó là một phần của TPP. Chúng tôi sẽ kiên trì đi theo con đường hội nhập và mở cửa với thế giới", theo Bộ trưởng Ngoại giao Chile Heraldo Munoz.

Nhật Bản: "Tôi tin rằng, Tổng thống Trump hiểu tầm quan trọng của thương mại tự do và công bằng, vì vậy tôi muốn theo đuổi sự hiểu biết của mình về tầm quan trọng chiến lược và kinh tế của thỏa thuận TPP. Các quy định mới hoàn thành trong hiệp định TPP sau nhiều năm đàm phán sẽ đưa ra mô hình cho các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai và được kỳ vọng sẽ trở thành tiêu chuẩn toàn cầu của thế kỷ 21", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với Quốc hội nước này hôm 24/1.

Malaysia: "Nếu TPPA (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) không có hiệu lực, đó sẽ là một cơ hội mà Malaysia bỏ lỡ. Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, chúng tôi là người hưởng lợi rõ ràng trong TPPA. Nếu TPPA không trở thành hiện thực, trọng tâm của chúng tôi sẽ hướng tới việc tăng cường hội nhập kinh tế trong ASEAN. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia với Mỹ để tăng cường thương mại và quan hệ kinh tế song phương, khẳng định tầm quan trọng của Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba và là một nguồn đầu tư quan trọng của chúng tôi", Dato 'Sri Mustapa Mohamed, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia cho biết.

Mexico: "Ưu tiên của chúng tôi là củng cố bản thân để trở thành một nhân tố có khả năng tăng cường dòng chảy thương mại, đầu tư và du lịch. Trước những khó khăn hiển nhiên đối với TPP, Mexico sẽ lập tức khởi động các cuộc đối thoại để tạo ra những hiệp định thương mại song phương mới với các nước tham gia thỏa thuận hợp tác này", Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto tuyên bố.

New Zealand: "Quan điểm của Mỹ là đáng thất vọng, nhưng không phải là bất ngờ bởi quan điểm của Tổng thống Trump đã rõ ràng trong một thời gian. Ưu tiên của chúng tôi là có Mỹ tham gia trong TPP. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn có giá trị như một FTA với các nước khác có liên quan", Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay khẳng định.

Singapore: "Mỹ chỉ ra rằng, nước này sẽ rút khỏi thỏa thuận TPP. Nếu không có sự tham gia của Mỹ, TPP như đã ký kết không thể có hiệu lực. Tuy nhiên, những sáng kiến ​​hội nhập khu vực khác vẫn đang diễn ra, Singapore sẽ tiếp tục tham gia vào các sáng kiến ​​này", người phát ngôn Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore nhấn mạnh.

Việt Nam: "Việt Nam coi việc tham gia TPP và các FTA khác là một trong các bước triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng và toàn diện, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập, liên kết kinh tế khu vực. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước, để bảo đảm thực thi có hiệu quả các cam kết của các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia", người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ.

Peru: "Tôi ủng hộ tự do thương mại vì nó có lợi cho Peru. Chúng tôi sẽ làm việc với Trung Quốc, các nước châu Á, Ấn Độ, Australia, New Zealand ... và chúng tôi sẽ làm cho nhóm APEC Thái Bình Dương mở rộng đến Ấn Độ", Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynsk phát biểu trong một tuyên bố.

Theo hãng tin CNN, hiện Brunei vẫn chưa đưa ra phản ứng.

Lê Thảo (Lược dịch từ CNN)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp

Theo tin từ Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Michael Regan vừa công bố 8 tổ chức sẽ giám sát việc đầu tư 20 tỷ USD để tài trợ cho hàng chục nghìn dự án năng lượng sạch và giao thông vận tải tại các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn trên khắp nước Mỹ.

Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp
Return to top