ClockThứ Năm, 12/05/2016 14:24

Cái đấm cửa của cậu học trò

TTH - Nhiều năm đứng trên bục giảng, mỗi thế hệ học sinh đi qua đều để lại trong tôi những dấu ấn, kỷ niệm khó phai.

Ngày đó, tôi còn là một giáo viên trẻ, mới dạy học được 4 năm. Ngoài dạy ở trường chính, tôi còn đi dạy thêm một trường bán công thành phố. Thường thì học sinh không đủ điểm vào các trường công lập mới vào trường bán công, vì thế chất lượng đầu vào thấp. Năm đó, Ban giám hiệu phân công tôi vào dạy lớp 11 H. Quả thật, là một giáo viên trẻ vào dạy một lớp có nhiều học sinh cá biệt và học yếu tôi rất lo lắng.

Tôi nhớ, ngày đầu tiên bước vào lớp, nhiều ánh mắt đổ dồn lên mình với cái nhìn vừa tinh nghịch vừa như để dò xét thầy giáo bộ môn mới. Sau vài lời giới thiệu, làm quen, tôi bắt ngay vào bài giảng. Những buổi học đầu, tôi phải mất 5 phút để ổn định lớp. Hai, ba tuần trôi qua, có lẽ đã quen cách dạy, cách làm việc của tôi nên lớp học dần đi vào nề nếp. Một số em trước đây được xếp vào danh sách cá biệt cũng đã thay đổi tâm tính, duy chỉ có Phùng- cậu học trò ít nói, đôi mắt tròn, to vẫn chưa làm tôi yên lòng. Ý thức học tập, thái độ của em đối với giáo viên khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Giờ học của tôi có tiết em không soạn bài, có tiết em không chép bài, cứ nhìn lơ đễnh ra ngoài sân. Một lần, đang say sưa giảng bài, bất chợt nhìn xuống thấy Phùng ngủ gục trên bàn, không vở, không sách giáo khoa. Dừng giảng bài tôi xuống chỗ em ngồi và nhẹ nhàng bảo: “Sao em lại ngủ trong giờ học. Nếu em thấy trong người không được khỏe thì thầy cho phép em xuống phòng y tế trường nằm nghỉ một lát”. Thật bất ngờ, tôi nói chưa dứt lời, em vung văng đứng dậy bỏ đi ra ngoài, đưa tay đấm mạnh cánh cửa trước sự ngỡ ngàng, ái ngại của học sinh trong lớp. Ra khỏi lớp, Phùng đến phòng bảo vệ trước cổng trường ngồi. Hết tiết dạy, tôi quyết định gặp, nói chuyện với em. Ngồi đối diện với tôi, Phùng vẫn tỏ ra bất cần và lạnh lùng. Tôi nhẹ nhàng gợi chuyện và kiên nhẫn đợi chờ. Dù tôi có nói gì Phùng vẫn im lặng. Nhìn đồng hồ rồi em đứng dậy chỉ nói một câu “Xin lỗi thầy” và ôm cặp ra về. Nhìn theo em, tôi ái ngại, thở dài.

Hai ngày trôi qua, em không đến lớp. Tối đó tôi quyết định tìm về nhà em. Cách xa trường chừng 4 km, khác với tưởng tượng của tôi, ngôi nhà Phùng khá khang trang. Bố làm nghề lái xe khách, mẹ bán vải ở chợ, sau Phùng còn hai em nhỏ. Mẹ Phùng là người phụ nữ chừng 40 tuổi nhưng đôi mắt luôn hun hút một nỗi buồn. Bố của Phùng không có nhà, mẹ của em tiếp chuyện với tôi. Vừa chảy nước mắt, chị vừa nói: “Hai ngày ni nó khăng khăng đòi bỏ học. Thầy làm răng thuyết phục giùm chị với. Nó đi chơi đâu cả chiều, giờ này mà vẫn chưa về”… Có lẽ mới gặp lần đầu nên chị cũng không kể gì với tôi về gia đình, về em. Xin phép mẹ của Phùng ra về, lòng tôi canh cánh nỗi lo.

Sáng chủ nhật tôi quyết định đến nhà Phùng lần nữa. Rất may em đang ở nhà, em đồng ý đến quán nước với tôi. Dường như cảm nhận được tấm lòng của tôi, Phùng bắt đầu mở lòng: “Bố mỗi lần chạy xe đường xa về người toàn mùi rượu rồi to tiếng, mắng nhiếc mẹ, cứ dọa viết đơn ly dị, hình như bố em có người đàn bà khác và thường xuyên gặp gỡ trong những lần đi xe đường xa. Mỗi lần như thế mẹ chỉ biết khóc, van xin bố. Em không chịu nổi cảnh đó, làm răng em học được”. Lần đầu tiên tôi thấy Phùng khóc. Nắm lấy bàn tay, tôi tìm mọi lời để khuyên nhủ em. “Thầy biết, ba mẹ là chỗ dựa cho con cái. Giờ ba thì đi xa nhiều ngày, về nhà hay to tiếng, mẹ vì thương con mà chấp nhận, bỏ qua tất cả. Mẹ chịu khổ nhiều rồi, vậy em thử nghĩ xem nếu em bỏ học thì mẹ làm sao sống được. Nếu biết thương mẹ thì em phải tập trung vào việc học. Chính những kết quả học tập của em là món quà đẹp nhất để mẹ vượt qua tất cả...”. Phùng nhìn tôi, đôi mắt rớm lệ…

Giờ Phùng đã là một kiến trúc sư. Em đã có vợ và 2 cô con gái xinh xắn. Ngày 20 tháng 11 hằng năm, em đều đến thăm tôi. Không còn cái vẻ lạnh lùng, lầm lì như trước nữa. Cậu học trò Phùng giờ là người đàn ông lịch lãm, nhiệt tình và sống có trách nhiệm. Tôi vui vì thấy em trưởng thành. Tôi trân trọng cất giữ những tấm cạc mà em tặng tôi hằng năm kèm theo dòng chữ em biết ơn thầy nhiều lắm, nếu không có lời động viên của thầy, nếu không có cái ngày thầy về nhà em thì…Tôi cảm thấy ấm lòng mỗi lần nhìn quyển sách Người thầy đầu tiên mà em tặng tôi khi em nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học. Phùng à, thầy sẽ tiếp tục dõi theo bước chân em, nhất định rồi.

Trần Văn Toản

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lễ Phát động thi đua kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, ngay sau Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2026).

Lễ Phát động thi đua kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top