ClockThứ Bảy, 20/05/2017 21:27

Cải tổ để phát triển

TTH.VN - Hơn 100 DN trên địa bàn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành cùng tham gia Chương trình Cafe doanh nhân số 5 được tổ chức vào ngày 20/5.

Chương trình do Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa miền Trung, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Truyền thông và Phát triển doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp tổ chức. 

Diễn giả Myong Hyon Baek chia sẻ về quản trị doanh nghiệp tại chương trình

Cần thay đổi bộ máy

Tại đây, diễn giả Myong Hyon Baek- Chuyên gia tư vấn của chính phủ Hàn Quốc được cử sang hỗ trợ Việt Nam chia sẻ những nội dung như, hệ thống quản trị kinh doanh cải tiến đối với doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, công cụ xây dựng hệ thống kinh doanh cải tiến (IBM) mà DN cần hướng đến nhằm tạo ra sự khác biệt; định vị, đánh giá hiệu quả hoạt động đối của DN cũng như cơ cấu DN dựa trên bài học thực tế của các DN Hàn Quốc và Việt Nam...    

Theo ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, phần lớn DN Thừa Thiên Huế là DN siêu nhỏ, đa phần chưa được trang bị kiến thức về quản trị DN, đây cũng là điểm yếu của DN Thừa Thiên Huế so với DN ở các địa phương khác. Đặc biệt, so với Đà Nẵng, chúng ta đang có sự khác biệt rất lớn, do đó, nếu không thay đổi DN rất khó để phát triển.

Diễn giả Myong Hyon Baek cũng chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến SOAPS - Khung sườn để quản trị vận hành kinh doanh và hiệu quả công việc cho DN vừa và nhỏ, một cách tự chủ độc lập. Ông Myong Hyon Baek cho rằng, các DN nhỏ và vừa nắm vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của đất nước. Hiện, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã, đang ký kết với nhiều đối tác thương mại lớn, DN Việt được hưởng những ưu đãi thương mại, cơ hội mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài... Song, hội nhập sâu rộng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, như: thiếu nguồn lực, thiếu sự quản lý có hiệu quả, thiếu chiến lược, kinh nghiệm, khó khăn trong huy động vốn...  và nhất là gặp khó khăn trong quản trị, cải tiến DN, thiếu nhân sự giỏi. Với đại đa số DN Thừa Thiên Huế là những DN nhỏ, siêu nhỏ, do vậy, để kinh doanh hiệu quả, các DN cần thay đổi, cải tổ bộ máy của mình dựa trên SOAPS.

Đại diện trường Đại học Kinh tế nói về việc đào tạo nhân lực

Từ những ví dụ thực tế của các DN vừa và nhỏ tại Hàn Quốc và Việt Nam đã áp dụng, trải nghiệm SOAPS và đem lại hiệu quả cho đơn vị, Chuyên gia tư vấn của chính phủ Hàn Quốc Myong Hyon Baek cho rằng, trong thực hiện SOAPS, các DN cần lập kế hoạch tổng thể cho công ty nhằm tạo ra các hoạt động chiến lược để xây dựng chính sách cho DN, biến tầm nhìn thành hiện thực. Bởi thiếu chiến lược là một trọng những “căn bệnh” thường gặp của quản trị DN hiện nay. “Rất nhiều DN, nhất là các DN vừa và nhỏ, thiếu hoặc chưa tự đánh giá DN mình về các vấn đề lớn: điểm mạnh, yếu về quản trị, văn hóa DN, nguồn lực, những cơ hội và thách thức về kinh tế, công nghệ, khách hàng và đối thủ cạnh tranh”, ông Myong Hyon Baek nhận định.

Bên cạnh xác định “cây vấn đề”, phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) cụ thể đối với chiến lược phát triển của từng đơn vị, nhận thức những hạn chế, thiếu sót trong quản trị DN của mình để nâng cao hiệu quả quản trị DN, diễn giả Myong Hyon Baek đề xuất các DN cần có mục tiêu và kế hoạch hành động trong ngắn hạn và dài hạn. “Các DN cần coi trọng 3 vấn đề là quản trị chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh, quản trị nguồn nhân lực và quản trị tài chính nếu muốn nâng cao hiệu quả quản trị DN”, ông Baek cho hay.

Gỡ khó từng vấn đề

Đại diện các DN đã đưa ra một số thắc mắc, đề xuất đến diễn giả Myong Hyon Baek và lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư liên quan đến việc lập kế hoạch và chiến lược kinh doanh của DN, làm thế nào để áp dụng SOAPS vào DN siêu nhỏ. Bà Phan Thị Châu, Chủ DNTN Minh Tâm bày tỏ: “Tôi từ Đà Nẵng về Phong Điền đầu tư xây dựng chợ Minh Tâm (hiện đã đưa vào sử dụng), tuy nhiên, ngôi chợ được cho là hiện đại, kiểu mẫu của tỉnh chỉ thu hút được khoảng chục lô đăng ký kinh doanh. Số còn lại vẫn tập trung ở chợ tạm (cách khoảng 300m). Do đó, chúng tôi mong được tỉnh, chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc đưa tiểu thương vào chợ kinh doanh để tạo điều kiện cho DN, để DN có động lực tiếp tục đầu tư”.

Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Thanh Tâm - ông Nguyễn Ngọc Thanh cho hay: “Từ tháng 4/2016 đến nay, do tác động của sự cố môi trường biển, tổng thiệt hại của DN là gần 14 tỷ, dù DN đã đề xuất gói hỗ trợ nhưng hiện vẫn chưa được nhận hỗ trợ nào. Đây là thiệt thòi rất lớn của DN và làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực tài chính để tháo gỡ khó khăn hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị tỉnh cho chúng tôi được hưởng chính sách về xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp (cụ thể, đối với nhân viên và nhân sự từ nơi khác về) bởi chủ trương thì có, nhưng để “chạm tay” vào mảnh đất nào đó hay nguồn vốn thì chúng tôi không biết phải làm thêm những thủ tục gì ?”.

Đại diện Công ty Dịch vụ Du lịch Thanh Tâm đề xuất hỗ trợ do ảnh hưởng sự cố môi trường biển

Sau khi nghe những ý kiến, câu hỏi của DN, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ông Phan Thiên Định đã có những trao đổi thẳng thắn trong từng nội dung cụ thể. Theo đó, vấn đề của chợ Minh Tâm, sở đã có trao đổi với UBND huyện Phong Điền và tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo UBND huyện Phong Điền tổ chức đưa tiểu thương vào kinh doanh tại chợ. Liên quan đến Khu du lịch Thanh Tâm, tỉnh đã có văn bản giao sở Tài chính nghiên cứu để trả lời. Tuy nhiên, do nguồn tiền không phải lấy từ ngân sách mà từ Công ty Formosa nên cũng mới chỉ tập trung chi cho các đối tượng ảnh hưởng trực tiếp là bà con ngư dân. “Với DN, Chính phủ đang chỉ đạo cân đối lại mức độ thiệt hại chứ không thể giải quyết từng đơn vị. Vì vậy, DN cần chịu khó chờ thêm thời gian”, ông Định nói.

Về việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, theo người đứng đầu sở Kế hoạch và Đầu tư, thông qua chương trình đã tạo cho DN nhận thức “mình đang có trong tay công cụ quản trị DN như vậy”, còn về lâu dài,  DN cần có sự kết nối với hoạt động đào tạo của các trường Đại học để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của DN.

Tin, ảnh: Liên Minh

                                              

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sở hữu trí tuệ - Tài sản vô hình của doanh nghiệp

Sở hữu trí tuệ là gì và nó liên quan đến doanh nghiệp của bạn như thế nào; tầm quan trọng của các tài sản trí tuệ đối với sự thành công trong kinh doanh... là những nội dung được Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại Chương trình Cafe doanh nhân số 4 với chủ đề “Sở hữu trí tuệ - Tài sản vô hình của doanh nghiệp” vào ngày 22/4.

Sở hữu trí tuệ - Tài sản vô hình của doanh nghiệp
Return to top