ClockThứ Tư, 18/10/2017 08:50

Cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa: Ai chịu thiệt?

Nếu giáo viên chỉ dạy bám sát sách giáo khoa nhưng khi ra đề có những câu hỏi không phù hợp thì rất dễ dẫn đến việc học sinh không làm được bài.

Theo nhiều giáo viên, nếu rập khuôn chương trình sách giáo khoa thì người chịu thiệt không ai khác là các em học sinh

Bộ GD-ĐT vừa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông từ năm học 2017-2018 với nhiều nội dung thay đổi. Trong đó, việc Bộ này yêu cầu các trường phổ thông tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa đang khiến nhiều người băn khoăn.

Không ít ý kiến cho rằng: với cách học và ra đề thi như hiện nay, nếu giáo viên cứ rập khuôn bám sát chương trình sách giáo khoa như vậy thì liệu có quá thiệt thòi cho học sinh?

Theo văn bản số 4612 vừa mới ban hành, Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu các trường không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa.

Không quá bức xúc trước quy định này nhưng ông Nguyễn Văn Thi, giáo viên lớp 5/5, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ở Quận 4 cho rằng, sẽ thật nhàm chán nếu mọi thứ cứ tuân theo khuôn sẵn có trong khi học sinh cần bổ sung nhiều thứ khác để nắm bài, vận dụng bài tốt hơn.

Nếu chỉ dạy trong SGK đồng nghĩa vô hiệu hóa vai trò của người thầy, biến người thầy thành thợ dạy

“Theo tôi, giáo viên vẫn phải dạy theo sách giáo khoa nhưng trong quá trình dạy thầy cô thấy nội dung nào có thể mở rộng thì cứ mở rộng. Ở những phần mà bản thân giáo viên thấy có thể mở rộng trong phạm vi thời gian cũng như kiến thức không quá cao thì cứ truyền tải giúp cho các em học tốt”- ông Nguyễn Văn Thi nói.

Khẳng định sách giáo khoa đương nhiên là “pháp lệnh” và giáo viên phải bám theo đó để cung cấp kiến thức chuẩn cho học sinh. Tuy nhiên, bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi không tán thành việc đóng khung kiến thức như quy định của Bộ GD-ĐT vì như vậy là không phù hợp và chưa đáp ứng tốt nhu cầu tiếp nhận kiến thức của học sinh.

Bà Hà lý giải: “Có những nội dung trong sách giáo khoa chưa cập nhật kịp thời. Sách giáo khoa hiện tại được biên soạn cách đây khá lâu trong khi tình hình hiện nay có nhiều thay đổi. Do vậy, tôi nghĩ rằng, nếu được hãy để giáo viên mở rộng thêm kiến thức bên ngoài, không rập khuôn một cách máy móc quá”.

Nhắc đến văn bản hướng dẫn này, ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Huân ở quận Thủ Đức cảm thấy vô cùng băn khoăn. Theo ông Bình, việc Bộ GD-ĐT chọn thời điểm này ban hành văn bản hướng dẫn với nhiều thay đổi như vậy là làm khó các trường. Hiện tại, các trường đã dạy tới tuần thứ 10. Để thực hiện chương trình này thì từ đầu tháng 8, các trường đã xây dựng chương trình và kế hoạch hoạt động cho cả một năm. Bây giờ Bộ yêu cầu điều chỉnh, các trường sẽ bị động trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động cho những tháng còn lại.

Ngoài ra, thầy Bình cũng cho rằng, yêu cầu của Bộ đối với việc không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa là chưa phù hợp với điều kiện giáo dục hiện nay. Trong khi các trường phổ thông đa phần đặt ra tiêu chí dạy học phù hợp với thi cử thì quy định khắt khe này của Bộ đang tạo nên nhiều mâu thuẫn. Từ trước đến nay Bộ luôn chỉ đạo đề kiểm tra phải đảm bảo tính phân hóa, ứng dụng và có cả nội dung nâng cao. Vậy nếu giáo viên chỉ bám sát sách giáo khoa trong khi đề thi đòi hỏi nhiều hơn thế, học sinh làm sao đạt kết quả tốt?

Ông Phạm Phương Bình phân tích: “Nếu bây giờ giáo viên chỉ dạy bám sát sách giáo khoa nhưng khi ra đề có những câu hỏi không phù hợp thì rất dễ dẫn đến việc học sinh không làm được bài. Điều đó sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch và chỉ đạo dạy học của giáo viên. Do vậy, theo tôi, Bộ GD-ĐT chỉ cần lưu ý các trường dạy những nội dung phù hợp với từng đối tượng học sinh chứ còn tuyệt đối cấm thì chưa phù hợp lắm”.

Trong khi đó, theo ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục IRED, quy định này sẽ ảnh hưởng nhiều đến vai trò của giáo viên. Ông Trung cho rằng, Bộ GD-ĐT có thể đưa ra mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục cho từng môn học, từng chuyên đề vì không phải thầy cô nào cũng đủ năng lực để làm điều này.

Nhưng mọi việc cần dừng lại ở mức độ hỗ trợ, hướng dẫn chứ không nên mang tính cấm đoán hay bắt buộc: “Nếu bây giờ giáo viên chỉ được dạy trong sách giáo khoa mà không được dạy thêm gì bên ngoài cả thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc Bộ GD-ĐT đã phần nào đó vô hiệu hóa vai trò đúng nghĩa của người thầy, biến người thầy thành thợ dạy”.

Không ít giáo viên lo rằng, nếu họ chỉ dạy những nội dung trong sách giáo khoa mà không được linh hoạt tích hợp, mở rộng kiến thức cần thiết thì sẽ hạn chế sự phát triển về tư duy cũng như khả năng tự học, sự sáng tạo của học sinh.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

TIN MỚI

Return to top