ClockThứ Năm, 22/09/2011 14:37

Cảm tạ thi ca

TTH - Trên căn gác Quang Minh góc thu Bến Ngự mưa tím mù sông, tôi ngồi một mình nhâm nhi tập thơ Vẫn Là Viễn Mộng (*) của Trần Hữu Hoàng. Thơ của một người Huế tha hương, làm thân đất khách suốt mấy chục năm ròng, nhưng lòng dạ luôn đau đáu về nơi Trời Cha Đất Mẹ. Một tập thơ buồn như Huế. Ngóng về quê nhà, nhớ Những ngày mưa Huế chùng câu hát / Giọt nước bâng khuâng nhớ tiếng đàn. Nỗi nhớ ám ảnh cả chiêm bao: Hồn chiêm bao đồng vọng níu tay người. Nhớ đến độ nghe được tiếng nói của người thân trong bia mộ:
Ngày đất khách, đêm mơ về cố xứ/ Có bà con thân tộc níu câu mời/ Và giọng nói thầm thì trong bia mộ… (Lời nguyền)
Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ rằng nỗi buồn chính là bản ngã và độ tin cậy của thơ. Nỗi buồn là chiều sâu minh triết của thi ca. Tôi không hợp với loại thơ hả hê hơn hớn hay lớn tiếng buông tuồng. Thơ Trần Hữu Hoàng trầm tư mặc tưởng. Trần Hữu Hoàng giàu có nỗi buồn, giàu có tâm linh, nên từng bài thơ, câu thơ của anh có độ tin cậy cao. Gom giùm tôi mùa lá rụng sân xưa… Câu hát xanh xao niềm tri ngộ / Xế bóng đời nhau vẫn lẻ loi… Mô tê, ri rứa vẫn nao lòng…Đời sông vẫn chảy đời tôi vẫn chờ… Không hoài nhớ đến cháy lòng không thể viết ra những câu thơ thắt ruột như thế.
 
Tôi đã đọc không ít thơ của các nhà thơ người Việt ở hải ngoại. Họ rất chú trọng cách tân thơ. Họ làm thơ siêu thực, thơ tân hình thức… Riêng Trần Hữu Hoàng vẫn thuỷ chung với các thể thơ truyền thống, với ngôn ngữ đậm chất Huế xưa, nhưng lại rất đằm thắm và da diết “niềm hoài vọng khôn nguôi về quê nhà”. Ở xứ người có thể giàu vật chất, nhưng lại luôn bị đói tình cảm. Mà đói tình là cái đói dày vò con người khủng khiếp nhất : Ở đây ngày nào cũng là mùa Đông… Ở đây ngày nào cũng là ngày lưu lạc… Lưu vong đời lạnh căm… Hồn viễn xứ gọi bóng đò hiu hắt… Sinh nhật tôi mình tôi ngồi bất động… Cô quạnh lắm, hoang vắng lắm!
 
Nỗi đơn côi ấy không thể khoả lấp được, nếu đời không có THƠ . Thơ chính là “bàn tay đỡ”, là nhịp cầu nối lòng người với lòng người, nối hồn người với quê hương xứ sở, nối quá khứ với hiện tại, nối con người với vô biên trời đất. Bởi vậy nên trong lời đề từ đầu tập thơ VẪN LÀ VIỄN MỘNG, Trần Hữu Hoàng đã Cám ơn Thi Ca đã khêu dùm tôi ngọn đèn tâm linh trong những đêm biệt xứ…. Cám ơn đôi mắt đêm huyền diệu của Thi Ca đã cho hồn tôi nương theo ánh sáng tìm về. Một chốn về có tiếng hát của cỏ cây, của những linh hồn khuất mặt…
 
Vâng, thơ là niềm tri ân tri kỷ của phận người bèo bọt. Dù là “viễn tưởng giữa chiêm bao” vẫn rạo rực, chứa chan : Em yêu dấu! Đã bao lần thổn thức?! Đã bao lần chiêu niệm với trăng sao/ Rằm đã chín thu vàng đêm rạo rực / Khi ngước nhìn viễn tượng giữa chiêm bao… Trong niềm đơn côi thăm thẳm, Trần Hữu Hoàng đã hái được những chữ thơ, câu thơ hay để gọi lên tên thật của nỗi buồn.
 
Đọc thơ Trần Hữu Hoàng, tôi cũng xin cảm tạ Thi ca. Thi ca đã cho tôi thấm thía một điều hệ trọng rằng, nơi góc khuất tâm hồn của những đứa con lưu lạc bốn phương trời vẫn rừng rực một hòn than Việt. Và dù với cách biểu cảm nào, hiệu quả cuối cùng của thơ vẫn là sự bùng cháy của trái tim yêu . Đó là cái mà tôi nhận được từ tập thơ “VẪN LÀ VIỄN MỘNG” của nhà thơ Trần Hữu Hoàng.
 
Ngô Minh
 
(*): Vẫn là viễn mộng- thơ Trần Hữu Hoàng, NXB Văn học, 2011
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sách luôn là người bạn thân thiện

“Cho dù thế giới phát triển đến mức độ nào thì việc đọc sách vẫn có giá trị của riêng nó và khó mà thay thế. Bởi vì, đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng để định hình nhân cách và phát triển tư duy. Như lời Terfaut: "Một quyển sách có thể quyết định cuộc đời hay dở của một đứa trẻ’, ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam, người sáng lập Dự án “Làm bạn với sách” chia sẻ. Nói về ý tưởng hình thành dự án ý nghĩa này, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết:

Để sách luôn là người bạn thân thiện
Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Return to top