ClockThứ Tư, 25/10/2017 05:46

“Cầm tay, chỉ việc”giúp người nghèo thoát nghèo

TTH - Sự vào cuộc của các cấp, các ngành và quyết tâm vươn lên của chính chủ thể người nghèo ở vùng cao như lời “tuyên chiến” với cái nghèo.

Các đơn vị được phân công làm chuồng trại nuôi gia súc cho các hộ nghèo

Thiếu ý chí thoát nghèo

Không thiếu nguồn lực, kể cả cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cho người nghèo vùng cao song các địa phương vẫn loay hoay với bài toán giảm nghèo. Có rất nhiều chương trình giúp đỡ đồng bào ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới nhưng không thành công. Sự hỗ trợ mới dừng lại ở mức độ tặng quà, hoặc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi song lại không phù hợp với thổ nhưỡng, phong tập của người dân nên chưa đem lại hiệu quả. Người nghèo thiếu ý chí vươn lên, cứ trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước. Họ chưa biết tích lũy hay có kế hoạch đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi để sinh lợi.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông dẫn chứng: "Nghèo đói đôi khi lại xuất phát từ chính những thói quen, tập tục lạc hậu của bà con. Nhiều người đi khám bệnh cũng không có tiền để khám. Nhưng hễ đám cưới là mấy cũng có, mấy cũng lo, cũng góp được. Bà con cần phải thay đổi thói quen chi tiêu, đừng theo kiểu làm được bao nhiêu thì tiêu hết bấy nhiêu, thậm chí là tiêu thâm hụt số làm ra. Đồng bào phải biết tiết kiệm, đầu tư vào kế hoạch sinh lợi, chỉ có như thế thì mới có thể thoát nghèo được".

Không cho "xâu cá"

Gần 4 giờ chiều nhưng ở xã Hồng Quảng (A Lưới) thiếu bóng phụ nữ, thanh niên bên nhà sàn. Bà con chăm sóc vườn trái cây, chăn thả gia súc, đi làm rẫy đến khi mặt trời khuất núi mới về nhà. Ông Hồ Văn Miên ở thôn 3 kể: "Gia đình tôi là hộ nghèo, nhiều năm liền chăn nuôi nhưng không hiệu quả. Năm nay, các đơn vị tặng con giống, hướng dẫn cách chăn nuôi cá rô phi, cá trắm cỏ, cá chép nên thu nhập bắt đầu ổn định”.

Toàn xã Hồng Quảng có 244 hộ nghèo/602 hộ (chiếm 40,5%). Lực lượng lao động dồi dào nhưng đa số người dân chưa kiếm được việc làm phù hợp. Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Hồng Quảng, cho biết: "Địa phương đã rà soát kỹ, chọn 40 hộ có khả năng thoát nghèo để các đơn vị: Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ. Các đơn vị đã có một số giải pháp cụ thể, thiết thực đối với từng hộ nghèo. Người thì được tăng thu nhập bằng cách tạo việc làm tại các doanh nghiệp. Người thì được hỗ trợ về cây giống, con giống để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Phụ nữ trong gia đình được hướng dẫn cách chi tiêu, tích lũy…”.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhận nhiệm vụ giúp đỡ 19 xã có tỉ lệ hộ nghèo cao trên 25% (3 đơn vị giúp 1 xã) đã có những việc làm cụ thể. Các đơn vị tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, hướng vào hình thức giúp đỡ theo phương châm chỉ trao "cần câu" chứ không cho “xâu cá”. Người nghèo phải đăng ký và có khát vọng thoát nghèo, thay đổi tư tưởng bao cấp. Người dân là chủ thể giảm nghèo, nhà nước chỉ đứng ra hỗ trợ. Thế nên, có đơn vị hỗ trợ từ 3 đến 4 người nghèo nuôi heo; đơn vị khác hỗ trợ xây dựng hố xí hợp vệ sinh hay hướng dẫn cách bảo quản sản phẩm. Người nghèo được dạy nghề và tìm việc làm... Con cái của họ được tiếp sức đến trường, không có tình trạng bỏ học giữa chừng. Tất cả phương thức hỗ trợ đều có sự hướng dẫn, giám sát của chính quyền địa phương để đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, một trong những đơn vị được phân công hỗ trợ xã Thượng Long (Nam Đông), cho biết: "Các hộ được hỗ trợ phải có chuồng trại nếu chăn nuôi, phải có đất sản xuất nếu trồng trọt. Chúng tôi sẽ giúp 70% nguồn vốn cho các đối tượng, còn 30% khơi dậy tinh thần tự chủ của người nghèo. Ban đầu, nhiều hộ nghèo ngại tham gia, quen với kiểu "được chăng hay chớ" nên không quyết tâm thoát nghèo. Các đơn vị được phân công hướng dẫn cụ thể, có sự giám sát chặt chẽ, tương tác với người nghèo để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả".

Với cách làm mới, người nghèo ở hai huyện miền núi cảm thấy hài lòng. Họ được hướng dẫn theo kiểu “bắt tay, chỉ việc” nên dễ tiếp thu. Hơn nữa, hỗ trợ không dàn trải, các hộ được nhận hỗ trợ sẽ phải thoát nghèo bằng nhiều cách. Người nghèo không thấy mông lung, tự tin phát huy nội lực để thoát nghèo.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Tiếp sức cho lao động đi làm việc ở nước ngoài

Cùng với các chương trình tín dụng chính sách, chương trình cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần quan trọng trong giải quyết vấn đề việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP. Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Tiếp sức cho lao động đi làm việc ở nước ngoài
Hạnh phúc khi đến với người nghèo

Ngoài 70 tuổi, bà Hồ Thị Châu, hội viên phụ nữ phường Xuân Phú, TP. Huế tự nhận mình là người hạnh phúc. Trên chiếc xe máy, ngày ngày bà vẫn miệt mài đi tìm và đến với người nghèo. Hơn 20 năm, bà vẫn muốn làm công việc thiện nguyện theo bà từ thời con gái. Bà Châu cũng là gương mặt phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng được Hội LHPN tỉnh tuyên dương năm 2023.

Hạnh phúc khi đến với người nghèo
Return to top