ClockThứ Năm, 14/03/2019 14:22

Cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân lao

TTH - Gắn bó với công việc trong môi trường nhạy cảm, các y, bác sĩ Bệnh viện (BV) Lao phổi tỉnh đã vượt qua không ít trở ngại... để mang lại cảm giác nhẹ nhàng, không lo lắng cho bệnh nhân đến khám và điều trị.

“Duyên nợ” với bệnh nhân lao

Kiểm tra điều trị lao tại khoa Lâm sàng

Vào Khoa Khám bệnh - Cấp cứu hồi sức, BV Lao phổi tỉnh gặp anh B. (thị trấn Sịa, Quảng Điền), cầm phiếu X quang chia sẻ, do ho kéo dài từ dịp tết, khi đến trạm y tế kiểm tra phải chuyển lên BV Lao phổi tỉnh điều trị. Những ngày đầu nhập viện, bản thân anh B. e ngại, nhưng được các y, bác sĩ vui vẻ, gần gũi tư vấn và giải thích về cách phòng, điều trị, anh B. bớt băn khoăn lo lắng. "Bệnh đã tạm ổn, giờ theo định kỳ, tôi đến BV chụp hình kiểm tra phổi. Thuốc, xét nghiệm hoàn toàn miễn phí nên tôi yên tâm điều trị dứt điểm để tiếp tục trở lại công việc thường nhật". Anh B. nói.

Mỗi năm, BV Lao phổi tỉnh tiếp nhận khoảng 4.200 bệnh nhân đến khám điều trị nội, ngoại trú; trong đó, Khoa Khám bệnh- Cấp cứu hồi sức, Khoa Lâm sàng mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30-40 bệnh nhân đến cấp cứu, điều trị. Tại BV này, dù bệnh đến khám điều trị nội hay ngoại trú, các y, bác sĩ luôn đồng hành, hướng dẫn, nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, đúng lịch, không được bỏ thuốc; hướng dẫn và theo dõi chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và vệ sinh đúng cách để tránh lây lan cho mọi người xung quanh.

Bác sĩ CKI Hà Văn Tuần, Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Lao phổi tỉnh chia sẻ, bệnh lao, phổi có tính đặc thù. Do vậy điều đầu tiên là y đức của cán bộ y tế đối với bệnh nhân phải đặt lên hàng đầu, thể hiện qua ứng xử. Trong công việc luôn tế nhị, ân cần phục vụ làm hài lòng bệnh nhân. Hiện, Khoa Lâm sàng nơi bác sĩ Tuần "cầm trịch" đã tiếp nhận bệnh nhân với nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhất là người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, các y, bác sĩ của khoa luôn nỗ lực, quan tâm, chia sẻ với bệnh nhân, như tìm kiếm mạnh thường quân giúp đỡ để bệnh có bữa cơm hay những món quà bằng tiền, vật chất, kịp thời động viên họ khi điều trị lâu dài…

Cũng ở Khoa Lâm sàng, ngoài việc khám điều trị các thể lao thông thường, các bác sĩ còn trực tiếp điều trị chăm sóc bệnh nhân mắc lao kháng thuốc. Bình quân, một phác đồ điều trị lao thường kéo dài 6-8 tháng (với thể lao bình thường) hoặc 18-24 tháng (với trường hợp lao kháng thuốc). Khó khăn nhất với bác sĩ điều trị lao không chỉ là nguy cơ lây nhiễm bệnh cao mà còn áp lực do phải quản lý điều trị lâu dài, thậm chí suốt đời nếu bệnh nhân không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Đây là vấn đề mà lãnh đạo và các y bác sĩ BV luôn trăn trở khi tình trạng lây nhiễm lao trong cộng đồng vẫn dai dẳng, tỷ lệ bệnh nhân bị lao kháng thuốc vẫn chưa giảm. Năm 2018, BV phát hiện, điều trị 11 trường hợp bị lao kháng thuốc.

Ông NVH. ở phường Hương Sơ (TP. Huế), một trong trường hợp mắc bệnh lao kháng thuốc đang điều trị tại Khoa Lâm sàng, chia sẻ: "Vì hoàn cảnh nên tôi vào điều trị ở bệnh viện này lần thứ ba rồi. Các bác sĩ luôn tận tình chỉ dẫn, nhắc nhở thường xuyên việc ăn uống, thuốc men đầy đủ và động viên không được bỏ dở điều trị để đảm bảo sức khỏe”.

Bác sĩ CK II Võ Đại Tự Nhiên, Giám đốc BV Lao phổi tỉnh nói, do tính phức tạp của chứng lao, hiện nay bên cạnh việc chỉ định bệnh điều trị theo phác đồ, các y, bác sĩ ở BV đều quan tâm sâu hơn về liệu pháp tâm lý tinh thần cho người bệnh. Đó cũng là điều mà gần đây, bên cạnh vấn đề quan tâm điều trị bệnh lao, BV đã trở thành địa chỉ truyền thông tư vấn, giáo dục giúp người bệnh vượt qua mặc cảm, trở thành hạt nhân tuyên truyền cho các bệnh nhân khác tại cộng đồng...

Minh Trường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chia sẻ với bệnh nhân nghèo

Những bữa cơm, áo quần, thuốc men, thẻ bảo hiểm… miễn phí là hoạt động xã hội được triển khai ở nhiều trung tâm y tế. Sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần giúp bệnh nhân nghèo vơi bớt nỗi lo, yên tâm điều trị.

Chia sẻ với bệnh nhân nghèo

TIN MỚI

Return to top