ClockChủ Nhật, 21/10/2018 21:12

Cảm thức khác

TTH - Với tôi, đó là một bất ngờ dễ chịu, cho dù khi nhận được giấy mời từ Công ty Đông Á về việc làm một cuộc xê dịch nhỏ dạo sông Hương trên con thuyền Nam Xuân, tôi đã có chút lần lữa.

Ngay từ lúc bắt đầu rời bến bên đường Trịnh Công Sơn, từ chỗ ngồi nơi bàn gỗ với ly, tách và khăn ăn trắng, tôi đã có một khoảng nhìn khoáng đạt hẳn qua những ô cửa bằng kính dài gần khắp chiều dài con thuyền. Sau một chút chộn rộn phố xá đôi bên bờ là dải cây xanh bắt đầu nối dài xuyên suốt quãng đường. Nắng cuối thu vẫn đủ để làm minh mang các nhịp và vòm cầu. Không biết có phải là một lựa chọn không, nhưng quãng trưa hôm ấy, đường sông khá thoáng khi những con thuyền rồng đã tấp vào bến các điểm tham quan chờ khách. Giữa các câu chuyện, tôi nhận ra là có lúc mình đã yên lặng và mải miết nhìn ra bờ sông, với cây, với cỏ la đà mặt nước và cả những chuyển động chậm rãi của người và xe phía trên đường.

Thật ra, những điều đó không còn là mới, nhưng khi trôi giữa lòng sông, tôi vẫn cảm thấy nơi mình có một cảm xúc khó tả. Như thấy mình đang lơ lửng trong những mảng màu của xanh, của bồng bềnh trời nước và một nhịp thở trầm tĩnh đúng kiểu Huế - điều mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy trên các con sông ở miền Bắc, ở miền Tây và miền Đông Nam bộ trong nhiều lần ngược xuôi rong ruổi. Nó cũng hoàn toàn khác khi ngồi lẫn vào người đi làm trên chiếc buýt thuyền ngắm những tòa nhà cao tầng, hay khi được mời làm khách thưởng lãm một cuộc đón hoàng hôn trên sông ở Cố đô Ayutthaya (Thái Lan).

Các bến sông hai bên bờ trông cũng khá mảnh mai khi khuất lấp giữa màu cỏ đôi khi thảng hoặc dáng người. Tôi cũng đã nghĩ về sự thi vị, khi cô gái kéo vĩ cầm gọi “Diễm xưa” về lênh lang. Rồi cái thắc thỏm và cồn cào của “Biển nhớ”. Bạn đã khi nào nghe nhạc Trịnh với sự trình diễn từ những người chuyên nghiệp trên thuyền giữa sông Hương chưa? Cả những bản hòa tấu trong veo nữa? Với tôi, chắc chắn đó là một trải nghiệm khác, mang đến những cảm thức thật khác so với những chuyến dạo chơi, nghe ca Huế trước đó...

Không có cái gì được bày sẵn, và cũng chưa đủ nhiều cho sự lựa chọn và không phải ai cũng lựa chọn, nhưng tôi nghĩ, người của Đông Á có lẽ đã tìm được một phân khúc khác trong lòng Huế để làm dịch vụ du lịch. Nam Xuân đương nhiên mới là chiếc thuyền đầu tiên, được nghiên cứu, đầu tư và thực hiện trong cả năm trời để có thể ăn nhập với dòng chảy của sông, với nhịp chảy của Huế. Rồi sẽ có thêm những Nam Bình, Lưu Thủy để đón nhiều hơn 12 khách như chiếc thuyền đầu tiên này.

Tôi, không biết có phải là tham lam quá không khi nghĩ, sẽ tuyệt vời thích nếu có thêm những giai điệu da diết, nồng nàn như vọng ra từ những thớ gỗ già của một chiếc saxophone. Cả một lúc nào đó, ngồi trong Nam Xuân để ngắm mưa Huế loang mãi, loang hoài như không muốn dứt. Nó có thể là một vẻ đẹp khác, và ai đó có thể đo lòng mình sau những năm tháng đã đi qua.

Làm dịch vụ, nhưng đánh thức được xúc cảm là một cách khai thác đẹp và bền về văn hóa.

NGÂN HẠNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Return to top