ClockThứ Hai, 11/02/2019 10:17

"Cần câu" và tấm thẻ bảo hiểm y tế nghĩa tình

TTH - Tại phường Thủy Biều (TP Huế), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường đã tín chấp cho các hội viên vay vốn để mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và phát triển sản xuất. Đó được xem là sự giúp đỡ và tạo điều kiện bằng cách trao “cần câu” cho người dân.

Gia đình chị Hà Thị Hồng ở tổ 17, phường Thủy Biều có 5 thành viên nên để có khoản tiền 2 triệu đồng mua thẻ BHYT phải khá chật vật. Thế nhưng, chị được Hội LHPN phường cho vay nên việc mua bảo hiểm dễ dàng hơn. Hơn 5 năm nay, các thành viên trong gia đình chị đều mua thẻ BHYT, phòng khi đau ốm, rủi ro. Tương tự như chị Hồng, nhiều gia đình có người ốm đau cũng nhờ đó mà không rơi vào diện nghèo vì đã được BHYT chi trả phần lớn viện phí.

Hầu hết người dân đều nhận thấy được lợi ích của BHYT. Tuy nhiên, với quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình, những hộ đông nhân khẩu phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn một lúc để mua BHYT nên gặp nhiều khó khăn. Ngày trước, ở Thủy Biều, nhiều thai phụ ngại đến bệnh viện sinh con vì không có thẻ BHYT, lo không có tiền đóng viện phí. Không ít trường hợp lao động bị tai nạn trong khi làm việc đã không được chữa trị kịp thời. Nặng hơn, có nhiều gia đình trở thành hộ nghèo sau nhiều năm mắc bệnh nan y.

Nhiều hội viên phụ nữ của phường còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ gia công làm hương, chăn nuôi nhỏ và lao động phổ thông. Với điều kiện như thế, vận động các chị bỏ ra một lúc vài triệu đồng mua bảo hiểm cho các tất cả thành viên trong gia đình là không dễ, trong khi ốm đau rủi ro xảy ra thì phụ nữ, trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả.

Trước thực tế đó, Hội LHPN phường đã có một mô hình hay giúp các hội viên vừa có tiền mua thẻ BHYT, vừa phát triển sản xuất. Hội LHPN phường đứng ra tín chấp vay vốn cho các hộ vay với mức từ 3 - 5 triệu đồng; số tiền còn lại sau khi mua BHYT được chuyển về cho các gia đình để đầu tư sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Lan Dung, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Biều, cho biết: Bắt đầu từ việc cho một vài chị em vay vốn từ nguồn quỹ “Khuyến khích tự lập” để vừa sản xuất, vừa mua thẻ BHYT và đến nay, đã có trên 400 chị mua thẻ BHYT theo hình thức trả góp. Một nhà bình quân được vay 3 triệu đồng, trả trong vòng 12 tháng. Có nhà nhiều thì mua hết 3 triệu đồng tiền thẻ BHYT, ít cũng mua khoảng trên 600.000 đồng.

Kể từ khi mua thẻ BHYT, người dân ở Thuỷ Biều bớt lo hơn. Những phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ tự tin vào bệnh viện sinh con mà không còn lo tiền viện phí. Không ít trường hợp lao động bị tai nạn trong khi làm việc đã được chữa trị kịp thời. Anh Nguyễn Đức Nhân chia sẻ: “Nếu không có thẻ BHYT thì bây giờ tôi phải bỏ ra 80 triệu đồng để điều trị quả là không kham nổi. Nếu không có bảo hiểm phòng thân thì chúng tôi chẳng dám đến bệnh viện lớn để điều trị”.

Hiện nay, mô hình này được Hội LHPN phường Thủy Biều áp dụng trên toàn bộ 20 tổ với 200 hội viên vay, tạo điều kiện cho 400 người được mua BHYT. Ngoài việc cho vay vốn để mua thẻ BHYT, đa số các chị đều làm hương, buôn bán nhỏ nên việc tích luỹ hàng ngày dễ dàng hơn và hầu như không có trường hợp nào vay vốn quá hạn.

Thủy Biều là phường đầu tiên thực hiện mô hình này ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Được biết, từ chỗ chỉ có 30% hội viên phụ nữ tham gia BHYT đến nay, phường Thủy Biều đã có trên 90% hội viên tham gia.

Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên

Aon, công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, vừa công bố Báo cáo Khí hậu và Thảm họa năm 2024, trong đó xác định các xu hướng thiên tai và khí hậu trên toàn cầu và ở châu Á-Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn nhằm quản lý sự biến động và tăng cường khả năng phục hồi.

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên
“Chìa khóa” phát triển người tham gia bảo hiểm

Truyền thông được xem là “chìa khóa” trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) nên BHXH tỉnh không ngừng thay đổi, đa dạng hóa cả về nội dung lẫn hình thức tuyên truyền nhằm lan tỏa chính sách BH đến với người dân để người dân hiểu và chủ động tham gia.

“Chìa khóa” phát triển người tham gia bảo hiểm

TIN MỚI

Return to top