ClockThứ Ba, 16/08/2016 06:12

Cần chuyển đổi mô hình quản lý ca Huế trên sông Hương

TTH - Những bất cập của hoạt động ca Huế trên sông Hương dường như trở thành căn bệnh trầm kha. Nhiều ý kiến cho rằng, để môi trường ca Huế trên sông đẹp hơn, cần phải quy về một mối.

Vẫn manh mún

Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Tổ trưởng Tổ liên ngành kiểm tra hoạt động ca Huế cho hay, với hoạt động ca Huế trên sông, tỉnh chỉ đạo rất sát, ngành văn hóa rất cố gắng. Tổ công tác liên ngành đã hoạt động tích cực, thường xuyên đi kiểm tra nên hoạt động ca Huế trên sông đã tốt lên. Tuy nhiên, chỉ cần lơi ra là một số doanh nghiệp chủ đò thiếu nghiêm túc. Tổ công tác hoạt động kiêm nhiệm nên không thể đêm nào cũng đi. Nếu không có giải pháp về lâu dài mà các ngành cứ phải chạy theo để chấn chỉnh sẽ rất khó khăn.

Ca Huế trên sông Hương. Ảnh mang tính minh họa

nhiều người cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này phần nhiều là do tình trạng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm của các chủ thuyền. Trên sông Hương có nhiều chủ đò tham gia hoạt động ca Huế, người chỉ có vài chiếc cũng thành lập doanh nghiệp, nhiều người còn kiêm luôn cả bầu sô tổ chức sô diễn. Bên cạnh những người làm ăn chân chính, cũng không hiếm những chủ đò không am hiểu về nghệ thuật, chỉ chạy theo lợi ích kinh tế. Nhà thơ Võ Quê nhận định: “Một bộ phận chủ đò xuất thân từ những người lao động chuyển sang làm du lịch, trình độ văn hóa, nhận thức còn hạn chế nên ứng xử kém, làm ăn chụp giật, không quan tâm chất lượng”.

NSND Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế cho rằng: “Sự am hiểu của một số người đứng đầu doanh nghiệp tổ chức dịch vụ ca Huế trên sông về giá trị nghệ thuật của ca Huế bị hạn chế. Muốn kinh doanh nghệ thuật, phải vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bảo giá trị nghệ thuật, vậy mà dường như, người ta bỏ lơ chỉ mong kiếm thật nhiều sô, thu được nhiều tiền. Bây giờ, những nghệ sĩ giỏi, hát hay, đàn tốt ít đi ca Huế trên sông, vì họ tự trọng về nghề nghiệp, thứ nữa, các chủ sô cũng không muốn gọi vì phải trả thù lao cao hơn, lại khó “điều khiển” theo ý mình”.

Có ý kiến cho rằng, chỉ một hoạt động ca Huế trên sông mà có quá nhiều bộ phận liên quan quản lý. Ngành văn hóa quản lý về chất lượng, diễn viên, nội dung; thuyền thuộc quản lý của bến thuyền; dưới sông do cảnh sát đường sông đảm trách; an ninh trật tự lại thuộc quản lý của thành phố… Trong phối hợp thực hiện thiếu sự liên kết thống nhất giữa các bộ phận quản lý này nên nảy sinh hiện tượng chồng chéo, hiệu quả chưa cao. Có những việc đập vào mắt ngành văn hóa nhưng họ không có chức năng xử lý và ngược lại.

Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư

Theo NSND Nguyễn Ngọc Bình, ở một số nước, những hoạt động dịch vụ tương tự được giao cho hiệp hội quản lý. Theo mô hình này, có thể thành lập Hiệp hội Ca Huế và quy tụ các nghệ sĩ, các chủ đò tổ chức sô diễn để điều tiết. Khi có hiệp hội, tất cả mọi thứ sẽ hoạt động theo quy củ, người lao động cảm thấy quyền lợi của mình gắn với hiệp hội thì sẽ lo đảm bảo chất lượng, thái độ phục vụ khách, giá cả theo sự thống nhất của hiệp hội.

Để chấm dứt tình trạng manh mún, đưa ca Huế trên sông hoạt động nề nếp, trật tự hơn, cần quy về một mối. Theo họ, lý tưởng nhất là tỉnh có cơ chế thu hút một doanh nghiệp tâm huyết đủ mạnh về năng lực đầu tư và năng lực quản lý quy tụ tất cả các đầu mối để tổ chức dịch vụ ca Huế trên sông thật chuyên nghiệp. Với sự đầu tư này, họ sẽ biến khu vực bến Tòa Khâm thành một địa chỉ, cơ sở dịch vụ ca Huế và du lịch trên sông. Doanh nghiệp này sẽ đầu tư từ bến bãi, ánh sáng, khu bán hàng lưu niệm, nhà đợi đủ tiện nghi, phương tiện vận chuyển, quản lý chất lượng diễn viên, lực lượng bảo vệ, vệ sinh môi trường, đội ngũ makerting… một cách chuyên nghiệp. Khi ấy, chất lượng biểu diễn ca Huế, cung cách phục vụ sẽ được nâng lên, giá cả cũng thống nhất, diễn viên, nghệ sĩ cũng nâng cao đời sống, quyền lợi của du khách được đảm bảo.

Nếu có doanh nghiệp lớn đứng ra đảm trách, việc quản lý ca Huế trên sông sẽ thuận lợi, chặt chẽ hơn. Doanh nghiệp này sẽ quán xuyến việc quản lý từ trên bến, dưới thuyền và chịu trách nhiệm pháp lý trước cơ quan quản lý Nhà nước. Quy về một mối, các cơ quan chức năng chỉ cần giám sát một doanh nghiệp, việc chấn chỉnh, xử lý theo pháp luật cũng trở nên đơn giản hơn.

Là người dành nhiều tâm huyết cho ca Huế trên sông, nhà thơ Võ Quê vui mừng: “Ý tưởng kêu gọi doanh nghiệp mạnh đầu tư tổ chức dịch vụ ca Huế trên sông là định hướng đúng. Có như vậy, ca Huế trên sông mới chấm dứt được tình trạng lộn xộn như hiện nay”. Theo ông, trước mắt, khi chưa làm được điều này, các ban ngành liên quan cần tăng cường thêm vai trò quản lý không gian, nội dung biểu diễn để lập lại trật tự. Ngoài ra, cần tổ chức những lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các chủ thuyền.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai nhiều mô hình hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh

Ngày 23 và 24/3, tại nhiều địa phương, các lực lượng đã triển khai Phong trào ngày Chủ nhật xanh với các hoạt động đáng chú ý như, tổ chức đổi rác lấy quà, tặng quà cho hộ nghèo, khai trương tuyến đường cờ thanh niên, thực hiện mô hình điểm “Cổng trường văn minh – thân thiện – an toàn”…

Triển khai nhiều mô hình hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa mới
Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin lần thứ 10:
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo

Các quan chức đến từ hơn 70 quốc gia đang nhóm họp tại Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin lần thứ 10, được tổ chức tại thủ đô Berlin của Đức từ ngày 19 - 20/3, để thảo luận về cách thức hiện thực hóa các mục tiêu của Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28).

Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo
Khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ và chuột lang

Viết tiếp ước mơ thuở nhỏ khi chọn trở về quê hương nuôi thỏ, chuột lang nhà, với Nguyễn Duy Lanh, chàng trai Hương Xuân (Hương Trà), tuy gian nan, khó khăn song những thành quả thu được lại vô cùng quý giá.

Khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ và chuột lang
Return to top