ClockThứ Năm, 03/11/2016 05:46
PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY KARAOKE, QUÁN BAR:

Cần có biện pháp mạnh tay

TTH - Những năm gần đây, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bar, karaoke và vui chơi, giải trí trên địa bàn TP. Huế và vùng lân cận có chiều hướng gia tăng về số lượng, quy mô, thay đổi nhiều về hình thức hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ cháy.

Các quán bar chật hẹp lại thu hút đông người nên khi xảy ra cháy sẽ rất nguy hiểm

Tồn tại nhiều lỗi PCCC

Kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar là loại hình có điều kiện, nếu xảy ra cháy thì hậu quả rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng ý thức được điều này mà có sự quan tâm, đầu tư đúng mực về công tác PCCC. Vụ cháy quán Bar New MTV tại số 102 Lê Lợi, TP. Huế cách đây hơn một năm là một trường hợp điển hình. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do chập điện và chỉ gây thiệt hại về tài sản. Trước đó, năm 2007, quán bar Wonder (số 85 Nguyễn Huệ, TP. Huế) đã phát hỏa, gây cháy dữ dội làm chủ quán thiệt mạng.

Hiện, Cảnh sát PCCC tỉnh có các phòng nghiệp vụ ở TP. Huế,  Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc với lực lượng, phương tiện đáp ứng yêu cầu PCCC tại cơ sở. Cảnh sát PCCC cũng trang bị 3 xe thang đủ sức chữa cháy nhà cao 7 tầng. Đồng thời, trang bị đầy đủ mặt nạ phòng độc, bình dưỡng khí, áo chống nóng cho lực lượng cúu hộ cứu nạn khi xảy ra cháy. Quan điểm của Cảnh sát PCCC là phải trang bị an toàn cho mình trước khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn

Thống kê của Cảnh sát PCCC tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 300 cơ sở được lập hồ sơ quản lý về công tác PCCC (trong đó có 12 quán bar, còn lại là cơ sở kinh doanh karaoke). Trong số này có nhiều cơ sở hoạt động với quy mô nhỏ được cải tạo từ nhà ở, công trình khác không đúng với mục đích sử dụng, không đảm bảo an toàn PCCC. Trong khi đó, loại hình kinh doanh này chủ yếu là vật liệu dễ cháy như đệm mút, thiết bị cách âm trên tường có tốc độ cháy lan nhanh...

Năm 2016, Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, cùng các phòng nghiệp vụ Cảnh sát PCCC tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phúc tra an toàn về PCCC, đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho chủ cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar về an toàn PCCC. Qua kiểm tra vẫn còn tồn tại nhiều lỗi vi phạm công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ như: hệ thống điện câu, móc tùy tiện, cơi nới, dây dẫn điện không lắp đặt âm tường, không bọc ống nhựa cách điện để tránh tiếp xúc trực tiếp, có thể gây rò điện; chưa cập nhật phương án chữa cháy; nhân viên chưa tập huấn nghiệp vụ PCCC; trang bị đèn “exit” thoát hiểm còn thiếu, bình chữa cháy đã hư hỏng; cơ sở xây dựng trên một diện tích mặt bằng khá chật hẹp, lối thoát nạn không đảm bảo; bảo hiểm bắt buộc cháy, nổ chưa được chủ cơ sở quan tâm.

Phải mạnh tay

Ngay sau khi vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội xảy ra, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành đã chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương điều tra vụ việc. Đồng thời, yêu cầu toàn lực lượng PCCC trên cả nước tiến hành rà soát các cơ sở kinh doanh tụ tập đông người và đặc biệt các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà hàng có nguy cơ cháy cao. Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo phải kiên quyết xử lí nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn PCCC theo luật định.

Theo Thông tư 47/2015 của Bộ Công an hướng dẫn về đảm bảo an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn PCCC nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn đều vi phạm.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy cho biết, trong hơn 300 cơ sở kinh doanh có điều kiện, có 34 cơ sở bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC, tuy nhiên chỉ mới có 1 cơ sở được thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Các lỗi vi phạm chủ yếu như xây dựng phương án chữa cháy không đảm bảo, hồ sơ theo dõi, quản lý PCCC, trang thiết bị chữa cháy không đầy đủ. Nhiều cơ sở sử dụng nguồn nhiệt không đảm bảo an toàn PCCC; tự ý thay đổi kết cấu lắp đặt, sử dụng các thiết bị phát âm thanh, ánh sáng công suất lớn không đảm bảo an toàn đối với hệ thống điện. “Ý thức chấp hành các quy định PCCC của một số cơ sở còn hạn chế, thiếu tự giác, chưa coi trọng công tác PCCC, người đứng đầu làm ngơ kéo theo nhân viên cũng không được phổ biến pháp luật và tập huấn nghiệp vụ PCCC... Thượng tá Nguyễn Văn Hải khẳng định.

Thực tế cho thấy, những cơ sở chưa đủ điều kiện mà vẫn hoạt động vì việc xử lý mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt dẫn đến việc khắc phục chưa được triệt kể, các chủ cơ sở vẫn phớt lờ hoặc cố tình vi phạm. Nếu như không có các biện pháp mạnh tay như đình chỉ kinh doanh, đóng cửa... thì e rằng công tác đảm bảo an toàn PCCC ở các cơ sở này vẫn bị xem nhẹ. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết: Cảnh sát PCCC đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt nhiều cơ sở vi phạm với số tiền hàng trăm triệu đồng, trong đó có cơ sở phạt lên đến 140 triệu đồng. Trong thời gian tới, để tiếp tục chấn chỉnh công tác PCCC các cơ sở kinh doanh bar, karaoke, Cảnh sát PCCC tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra các nội dung đã khuyến cáo đến các chủ cơ sở, đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm quy định an toàn PCCC. Kiên quyết tạm đình chỉ đối với các cơ sở không đủ điều kiện về an toàn PCCC.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy chợ

Với 42 chợ truyền thống, dân sinh kinh doanh đa dạng các dịch vụ với nhiều mặt hàng dễ cháy nên công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đã và đang được TP. Huế siết chặt bằng nhiều giải pháp.

Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy chợ
Rà soát các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy

Chiều 13/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành và các địa phương để nghe báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các nghị quyết của HĐND tỉnh về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh.

Rà soát các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy
Return to top