ClockThứ Sáu, 30/03/2018 21:43
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA CỐ ĐÔ HUẾ:

Cần cơ chế đặc thù

TTH - Trong hội nghị tham vấn về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) Huế vào sáng 30/3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã ghi nhận nhiều ý kiến tập trung kiến nghị các vấn đề: Cần một mô hình quản lý thống nhất và có cơ chế đặc thù hỗ trợ nguồn lực cho Thừa Thiên Huế; điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những quy định về pháp luật phù hợp trong hoạt động trùng tu, phục hồi di sản…

Phát huy giá trị di sản mỹ thuật Huế: Liên kết để bảo tồn & phát huyKhai thác di sảnVăn hóa – di sản: Thương hiệu “khung” của du lịch HuếChia sẻ giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóaTập huấn truyền thông về di sản thế giới

TS. Lê Thị Minh Lý nêu ý kiến

Hội nghị do TS. Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến dự.

Đại diện lãnh đạo tỉnh đến tham dự, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Mô hình quản lý DSVH thế giới của Thừa Thiên Huế hiện nay với bộ máy hoạt động của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tuy đang hoạt động rất hiệu quả, được UNESCO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, nhưng thực tế hiệu quả có được vẫn chưa xứng tầm với nguồn DSVH đang có. Hội nghị này là một dịp rất tốt để Thừa Thiên Huế được lắng nghe và chia sẻ ý kiến của các chuyên gia về một mô hình quản lý di sản phù hợp hơn cho Thừa Thiên Huế.

Thực tế, Việt Nam đang có 8 DSVH và thiên nhiên được UNESCO vinh danh. Tuy nhiên, mỗi địa phương đang một phách trong việc phân cấp và tổ chức mô hình quản lý. Vì vậy, nhu cầu về một mô hình quản lý thống nhất không chỉ cần cho Thừa Thiên Huế mà cho cả những địa phương đang có DSVH và thiên nhiên được ghi danh. Theo GS. TS Trương Quốc Bình (Ủy viên Hội đồng DSVH quốc gia), để huy động công tác xã hội hóa trong bảo tồn di sản, cần nghĩ đến mô hình quản lý công – tư. Với mô hình này, điều quan trọng đặc biệt cần lưu ý là phải giữ cho được vai trò quản lý của Nhà nước, không để các doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế mà xâm phạm đến giá trị của di sản.

Thừa Thiên Huế Huế cần một cơ chế riêng về nguồn lực đầu tư để thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của DSVH thế giới - PGS.TS Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia), nêu rõ trong ý kiến phát biểu. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, DSVH Cố đô Huế không phải của riêng Huế mà là chung của đất nước Việt Nam. Trung ương cần có chính sách hỗ trợ cho Huế một phần kinh phí để giải quyết có hiệu quả công tác giải tỏa dân cư ở những dự án bảo tồn, phục hồi di tích “nóng”, tạo động lực cho phát triển du lịch – như dự án bảo tồn và tôn tạo Thượng Thành chẳng hạn. Đối với dự án bảo tồn và tôn tạo Thượng Thành, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, Huế chỉ nên giải tỏa dân cư ở Thượng Thành. Còn trong các Eo bầu thì không nhất thiết phải giải tỏa, mà cần hướng dẫn người dân sống và ứng xử với di sản một cách có văn hóa.

PGS.TS Đặng Văn Bài cũng nhấn mạnh, một trong những vấn đề khiến Thừa Thiên Huế dù có được nguồn tiền cũng khó đẩy mạnh thực hiện được các dự án bảo tồn và phục hồi DSVH. Lý do, một dự án bảo tồn, phục hồi di sản đang có quá nhiều luật điều chỉnh, gây vướng mắc, bất cập và chồng chéo trong các thủ tục. Cụ thể là, một dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế cần phải trình các Bộ ở Trung ương thẩm định chủ trương, kỹ thuật và đánh giá tác động môi trường, như quy định của các luật: Luật Di sản văn hóa, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường. PGS.TS Đặng Văn Bài minh chứng bằng câu chuyện cụ thể về một cán bộ thẩm định dự án tu bổ di tích văn hóa nhưng lại cần giải thích “long, ly, quy, phụng” là gì. Ông nói: Theo những quy định này, không khác gì đem một dự án đã được các thành viên là PGS.TS thẩm định cho một cán bộ hoàn toàn không có chuyên môn nghiệp vụ về bảo tồn văn hóa (ở các Bộ khác), thẩm định, đánh giá lại.

Bên cạnh đa số ý kiến kiến nghị về mô hình và cơ chế quản lý, một số đại biểu cũng quan tâm đến hiện trạng bảo tồn DSVH phi vật thể của Thừa Thiên Huế. Theo TS. Nguyễn Thế Hùng (Cục Di sản văn hóa, Bộ VH, TT&DL), Thừa Thiên Huế cần phát huy giá trị của nhiều loại hình nghệ thuật khác để cùng với Nhã nhạc tham gia phát triển du lịch tốt hơn, nhằm tạo cho du khách sự hấp dẫn, mới lạ trong những lần đến Huế khác nhau. Trong khi đó, theo TS. Lê Thị Minh Lý (Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị DSVH, Hội DSVH Việt Nam), Thừa Thiên Huế có 5 bất cập trong công tác bảo tồn DSVH phi vật thể. Cụ thể, chưa kiểm kê danh mục bảo vệ phi vật thể; thiếu sự cập nhật một cách đầy đủ các văn bản pháp lý bảo vệ loại hình di sản này để thống nhất hơn trong các hoạt động thực thi; thiếu sự nghiên cứu cụ thể để có những giá trị văn hóa sáng tạo được phát triển dựa trên những giá trị cốt lõi của di sản để phát triển du lịch; thiếu sự phối hợp của người dân và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng được phân cấp quản lý. Đây là những vấn đề Thừa Thiên Huế cần sớm điều chỉnh để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể có hiệu quả hơn.

Lắng nghe đầy đủ các ý kiến tham vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá rất cao những vấn đề được các chuyên gia nêu, đồng thời nghiêm túc tiếp thu để nghiên cứu, hoàn thiện và bổ sung những vấn đề liên quan đến Bộ. Những vấn đề thuộc tầm Chỉnh phủ cũng sẽ được tổng hợp đầy đủ để báo cáo.

Phát biểu bế mạc, TS. Phan Thanh Bình một lần nữa đánh giá cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế mà Thừa Thiên Huế đã thực hiện trong nhiều năm qua. Để giá trị DSVH Huế được bảo tồn và phát huy xứng tầm hơn nữa, những vấn đề được tham vấn hôm nay sẽ được đoàn công tác ghi nhận đầy đủ và tiếp tục phối hợp với các ban ngành liên quan để có một báo cáo chính thức trình Quốc hội.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Return to top