ClockThứ Ba, 25/06/2019 06:30
KHỞI NGHIỆP NGÀNH DU LỊCH:

Cần có cơ chế hỗ trợ

TTH - Dù được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng để khởi nghiệp, nhưng đến nay du lịch vẫn rất “kén” những doanh nghiệp (DN) mới.

Khởi nghiệp trong sinh viên: Hướng đến thực tiễn và khả thi

Các doanh nghiệp trao đổi với đối tác trong một hội nghị du lịch được tổ chức tại Huế

Khó từ ban đầu

Theo Sở Du lịch, thời gian qua, ở Huế không thiếu ý tưởng để khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, để những ý tưởng trở thành sản phẩm hấp dẫn không dễ. Ở Huế, chỉ dừng lại ở mức có nhân tố mới, chứ chưa có sự vượt bậc hay lớn mạnh của các DN trẻ. Thậm chí, nhiều DN mới đi vào hoạt động một thời gian thì phải ngưng vì kinh doanh không hiệu quả. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của du lịch ở Huế đang ở mức trung bình khá. Lâu nay, Huế vẫn được xem là địa phương còn đơn điệu các sản phẩm thì đáng ra môi trường khởi nghiệp phải năng động hơn.

Hàng loạt những vấn đề đặt ra cho môi trường khởi nghiệp ở Huế, đặc biệt là việc biến ý tưởng trên bàn giấy thành những sản phẩm, tour tuyến cụ thể. Đầu tiên là sự “cô đơn” của các DN trẻ. Môi trường kinh doanh ở Huế có sự canh tranh khốc liệt, những DN lớn chưa thật sự “giang tay” để giúp đỡ những DN mới. Các DN đa số tự mình tìm kiếm nguồn khách, quảng bá… trong khi đó, thương hiệu chưa có nên sự tin tưởng của du khách để lựa chọn sử dụng dịch vụ chưa nhiều.

Thiếu vốn là nguyên nhân lớn thứ hai khiến các ý tưởng kinh doanh mất dần nhiệt huyết. Theo quy định, để kinh doanh ở lĩnh vực lữ hành đòi hỏi phải ký quỹ, đối với kinh doanh khách nội địa là 100 triệu đồng, với lữ hành có khách quốc tế thì 250 triệu đồng, còn đưa khách Việt ra nước ngoài phải ký quỹ 500 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp.

Hội Lữ hành nhìn nhận, với những công ty nhỏ mới khởi nghiệp có thể mở một văn phòng nhỏ, xây dựng một website là bán hàng và kinh doanh. Nhưng để bứt phá, vươn đến quy mô lớn bắt buộc phải có vốn để đầu tư thêm các dịch vụ, thêm nhiều hình thức quảng bá hiệu quả.

Tổ chức các cuộc thi về sáng tạo khởi nghiệp du lịch được cho là giúp Huế có nhiều sản phẩm mới. Tuy nhiên, Sở Du lịch nhìn nhận, nếu tổ chức mà không có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để các ý tưởng đi vào hoạt động thì cũng không đạt hiệu quả, nên thời gian qua, ngành du lịch chưa thể tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp về du lịch.

Theo ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch, ngoài những lý do khách quan, chính những DN trẻ khi mới khởi nghiệp cũng chưa nhìn nhận đúng về hoạt động kinh doanh du lịch, để kinh doanh mang tính lâu dài. Nhiều bạn trẻ còn thiếu kinh nghiệm quản lý, chưa hiểu rõ về các điều kiện kinh doanh… nên hay bị “tuýt” còi khi mới đi vào hoạt động một thời ngắn.

Cần sự hỗ trợ

Đối với Huế, kinh doanh ở lĩnh vực du lịch đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn nhiều địa phương khác, bởi liên quan đến yếu tố văn hóa, con người, thái độ ứng xử… Nhìn chung, muốn làm du lịch ở Huế thuận lợi, trước hết phải am hiểu và yêu thích văn hóa Huế, nếu không sản phẩm sẽ hời hợt và dịch vụ thiếu chất lượng.

Theo ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành, trong tình hình có nhiều DN cùng khai thác chung dòng sản phẩm, nhất là về văn hóa – di sản, đòi hỏi những ý tưởng khởi nghiệp phải mới, có tính riêng biệt. “Theo tôi, những sản phẩm mới như tour khám phá Huế bằng Vespa cổ, photo tour, tour đạp xe khám phá các làng nghề, chèo thuyền kayak trên sông Hương… là những sản phẩm mới, cho thấy những hiệu quả bước đầu, tăng thêm tính đa dạng cho du lịch Huế. Đây là hướng đi mà các bạn trẻ cần tập trung nghiên cứu”, ông Minh cho hay.

Lãnh đạo Sở Du lịch mong muốn, để việc khởi nghiệp thành công hơn, những bạn trẻ cần chuẩn bị kinh nghiệm cho bản thân bằng cách đi làm thuê cho các DN du lịch. Khi đã xâm nhập với nghề, biết những yêu cầu cần có, hiểu hơn về các hoạt động kinh doanh, nhất là về quản trị DN. Khi bước vào kinh doanh sẽ đạt hiệu quả hơn và phần nào hạn chế được rủi ro.

Chia sẻ với DN du lịch Huế gần đây, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch tỉnh cho rằng, với sự phát triển của công nghệ số, các DN, nhất là DN trẻ cần am hiểu và đẩy mạnh quảng bá bằng Digital Marketing (tạm dịch là tiếp thị kỹ thuật số). Với việc đẩy mạnh quảng bá này, sản phẩm du lịch sẽ đến được nhiều thị trường hơn, mở ra các cơ hội để nhiều du khách biết đến sản phẩm và tiến đến sử dụng.

Như đã phân tích ở trên, nguồn vốn bắt buộc để ký quỹ ở lĩnh vực kinh doanh lữ hành cần được tháo gỡ. Ông Trương Thành Minh cho rằng, thời gian qua, ngành du lịch có trao đổi với một số ngân hàng, phía các ngân hàng cho rằng họ sẵn sàng cấp một giấy bảo lãnh cho các DN muốn khởi nghiệp. Đây được xem là cách giải quyết khả dĩ nhất cho bài toán thiếu vốn của DN khởi nghiệp hiện nay.

Sự chủ động của Hiệp hội Du lịch tạo ra những diễn đàn để các “startup” trẻ chia sẻ khó khăn và có trợ giúp cần thiết.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Return to top