ClockChủ Nhật, 13/11/2016 09:35
Luật hóa ngôn ngữ để nói đúng, viết đúng Tiếng Việt:

Cần có Luật Ngôn ngữ Quốc gia

Cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ quốc gia để điều chỉnh kịp thời các hành vi ngôn ngữ, đồng thời phát huy được giá trị của Tiếng Việt.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, giữ gìn sự trong sáng Tiếng Việt phải đi đôi với phát triển, làm mới Tiếng Việt, tiếp thu có chọn lọc, không để làm mất đi bản sắc văn hóa. Để làm được điều này, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự chung tay của nhiều cơ quan ban, ngành, đặc biệt cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ quốc gia để điều chỉnh kịp thời các hành vi ngôn ngữ, đồng thời phát huy được giá trị của Tiếng Việt.

Dư luận xã hội và các nhà khoa học lo lắng, lên tiếng cảnh bảo về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ tuỳ tiện, cẩu thả

Trước thực trạng thay đổi khá nhanh chóng gần đây của ngôn ngữ, dư luận xã hội và các nhà khoa học lo lắng, lên tiếng cảnh bảo về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ tuỳ tiện, cẩu thả, làm “vẩn đục” tiếng Việt. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, tiếng Việt đang bị bị mài mòn và đang bị xâm lăng, cần có giải pháp tích cực để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

PGS-TS Cẩm Tú Tài, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Tình trạng lệch chuẩn ngôn ngữ, đặc biệt là sử dụng tràn lan và thiếu quy chuẩn những từ vay mượn tiếng nước ngoài dẫn đến nguy cơ làm mất đi bản sắc, giá trị của Tiếng Việt trong đời sống và trên các phương tiện thông tin đại chúng: “Chuyển thể toàn bộ hay chuyển thể bộ phận hoặc là sử dụng âm đọc Tiếng Việt hay sử dụng nguyên dạng kèm nội dung giải thích ra sao thì đây cũng là nội dung chúng ta cần quy định. Khi chúng ta chưa có Luật Ngôn ngữ chung cho cả nước thì phải có một quy định về chuẩn sử dụng ngôn ngữ, chuẩn sử dụng từ ngữ vay mượn trong Tiếng Việt như thế nào. Đây là một vấn đề mà chúng ta không một sớm một chiều làm được ngay tuy nhiên phải bắt tay vào thực hiện bởi những vấn đề đặt ra hiện nay”.

Những sai sót về sử dụng Tiếng Việt trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là trên các cơ quan thông tin đại chúng sẽ tác động tiêu cực, rộng khắp đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ, nhiều khi trở thành hiệu ứng lan truyền.

Vì vậy, theo Tiến sỹ Lê Thị Bích Hồng, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương thì: việc áp dụng chuẩn ngôn ngữ cho các phương tiện truyền thông đại chúng phải đặt lên hàng đầu: "Báo chí với vai trò người đưa thông tin cho nên báo chí cần phải đi đầu trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Báo chí cũng cần chuẩn hóa ngôn ngữ, ngôn ngữ báo chí cần những tiêu chí chuẩn mực, không thể phóng khoáng, bay bổng như văn chương nhưng cũng không thể suồng sã như văn nói, ngôn ngữ báo chí nó chính là sự tổng hợp, tổng hợp một cách rất cao để làm sao đến được với tất cả mọi người”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời dặn rất sâu sắc về cách nói, cách viết, sử dụng Tiếng Việt sao cho ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bài phát biểu về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” tháng 2/1966 đã từng nhấn mạnh: “Hiện tượng ngôn ngữ nào có thể chuẩn hóa được thì nên tiến hành chuẩn hóa. Trong sự chuẩn hóa đó, cần có sự can thiệp của Nhà nước hay mang tính Nhà nước”.

Điều 5, Hiến pháp năm 2013 cũng đã xác định: “Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia”. Vì vậy, tại hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, nhiều nhà khoa học, nhà báo lão thành cho rằng: Cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ quốc gia. Điều này cũng hết sức bình thường vì trên thế giới hiện đã có hơn 1.000 bộ Luật về ngôn ngữ. Ngay những nước có đặc trưng lịch sử - xã hội phức tạp như Mỹ, Ấn Độ cũng đã ban hành Luật ngôn ngữ, trong khi Việt Nam có nghìn năm văn hiến lại chưa có bộ luật nào trong lĩnh vực này.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo tồn văn hóa dân tộc là đòi hỏi của quốc dân, cần phải thể hiện thành văn bản pháp quy.

GS.TS Nguyễn Văn Khang, Viện Ngôn ngữ học cho rằng: Việc ra đời Luật Ngôn ngữ là cần thiết nhưng trước hết cần phải chuẩn hóa từng phần, đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội cũng như của các phương tiện truyền thông đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: “Trên thế giới thì người ta chỉ làm luật  ngôn ngữ quốc gia còn các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, các ngoại ngữ được xét trong ngôn ngữ quốc gia. Nếu chúng ta chờ Luật ngôn ngữ thì không biết đến bao giờ cho nên có cách làm thứ hai là chuẩn hóa từng bước những nội dung mà có thể chuẩn hóa được để sau này tiến tới có một bộ luật.

Trong khi chờ đợi Luật Ngôn ngữ được xây dựng thì việc sử dụng, dạy và học chuẩn ngôn ngữ Tiếng Việt cũng là việc làm cấp thiết trong các trường học. Viện Ngôn ngữ, Viện Từ điển học cần chủ động trong việc xây dựng cơ sở khoa học cho vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt, chỉ ra những nội dung cần chuẩn hóa và hướng chuẩn hóa, biên soạn các sách công cụ để phục vụ cho việc chuẩn hóa Tiếng Việt theo hướng tăng về số lượng, chính xác về ngôn từ, đặc biệt là các loại từ điển tiếng Việt dành cho học sinh, từ điển tiếng Việt chuyên ngành, từ điển Hán - Việt…”.

Luật hóa ngôn ngữ để nói đúng, viết đúng

Tiến sỹ Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khóa 14 cho rằng: khi xây dựng Luật Ngôn ngữ cần có một tổ chức để quản lý, giám sát và kiểm tra: Để thực hiện đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước thì Chính phủ cũng cần giao cho một cơ quan cấp Bộ phụ trách về vấn đề ngôn ngữ và chữ viết, vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu vừa có chức năng trọng tài, tư vấn để giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách ngôn ngữ của đất nước.

Về phía Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì chúng tôi cũng đã có văn bản để đề xuất phải đưa nội dung xây dựng Luật Ngôn ngữ vào trong Chương trình xây dựng luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 14 này.

Hướng đến sự chuẩn mực, hiện đại của tiếng Việt, đáp ứng được vai trò là ngôn ngữ quốc gia, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, vừa có thể tiếp nhận được các yếu tố của ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài đang là đòi hỏi bức thiết của quá trình hội nhập hiện nay trên lĩnh vực ngôn ngữ. Vì vậy, sự ra đời của Luật Ngôn ngữ quốc gia là yêu cầu tất yếu, cấp bách hơn bao giờ hết. Trong thời gian chờ Luật Ngôn ngữ ra đời, mỗi người dân Việt Nam cần có ý thức, trách nhiệm trong việc nói đúng- viết đúng Tiếng Việt để những giá trị tốt đẹp của tiếng mẹ đẻ luôn được gìn giữ và phát huy.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trẻ dân tộc thiểu số tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt

Sau 1 năm thực hiện kế hoạch số 343/KH-UBND tỉnh về việc thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, đến nay, các trường mầm non có trẻ em người dân tộc thiểu số có đủ các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, phù hợp theo từng độ tuổi đối với trẻ em trong độ tuổi đến trường.

Trẻ dân tộc thiểu số tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt
Giao lưu tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số

Ngày 1/12, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày hội giao lưu tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ người dân tộc thiểu số năm học 2023-2024 tại Trường mầm non Bắc Sơn và Trường mầm non A Ngo, huyện A Lưới.

Giao lưu tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top