ClockThứ Sáu, 24/11/2017 15:11
Vụ “Nhà di sản” 117 Lê Thánh Tôn, TP. Huế:

Cần đảm bảo giá trị kiến trúc để phục vụ nghiên cứu

TTH - “Cần phải duy tu, duy trì kiến trúc của ngôi nhà làm khuôn mẫu để có thể phục vụ nghiên cứu phục hồi các loại hình nhà vườn, nhà rường trên địa bàn thành phố”. Đó là một trong những lưu ý của Phòng Quản lý đô thị TP. Huế khi báo cáo về ngôi nhà số 117 Lê Thánh Tôn (phường Thuận Lộc, TP. Huế).

Liên quan đến câu chuyện “Nhà di sản” ở địa chỉ nói trên được nhiều cơ quan báo chí phản ánh, Đảng ủy, UBND phường Thuận Lộc, Phòng Quản lý đô thị TP. Huế đã có báo cáo lên UBND TP. Huế. Trong khi đó, UBND TP. Huế cũng cho biết, sẽ họp các phòng ban, và có báo cáo lên UBND tỉnh trước ngày 30/11.

Công trình trung tâm thể dục thể thao phường Thuận Lộc án ngữ toàn bộ “Nhà di sản” số 117 Lê Thánh Tôn, TP. Huế

“Cần duy tu, duy trì kiến trúc”

Cụ thể, vào đầu tháng 11, Đảng ủy phường Thuận Lộc đã mời lãnh đạo phường qua các thời kỳ để làm việc về ngôi nhà số 117 Lê Thánh Tôn. Hầu hết các ý kiến khẳng định, ngôi nhà do phường bỏ tiền ra mua và... không phải “nhà di sản”. Ông Nguyễn Ngọc Đoàn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc cho rằng, ngôi nhà 117 (số cũ 73) Lê Thánh Tôn được UBND phường mua lại với diện tích 1.301 m2. Khi mua, ngân sách của phường thống nhất mượn 6 cây vàng để trả. Sau khi mua, do không có tiền trả nợ cho dân nên bàn bạc, thống nhất bán một phần đất lấy tiền trả lại cho những người dân mà phường mượn tiền, vàng.

Trong một diễn biến khác, Phòng Quản lý đô thị TP. Huế cũng cho biết, có đầy đủ hồ sơ chứng minh ngôi nhà 117 Lê Thánh Tôn được mua lại từ gia đình có gốc gác quan đại thần triều Nguyễn vào năm 1988. Đến năm 1997, nằm trong chương trình giao lưu văn hóa Việt – Pháp, UBND TP. Huế đã mượn ngôi nhà này bố trí cho Trung tâm Hợp tác quốc tế đặt văn phòng cùng vùng Nord Pas de Calais thành lập Ban Quản lý dự án nhà di sản Huế nghiên cứu về trùng tu nhà vườn Huế. Phòng cũng khẳng định, thời gian ở đây dự án đã tài trợ sửa chữa một số nhà vườn, như nhà 109 và 156 Lê Thánh Tôn, nhà văn hóa tổ 18 - số 19 Lê Văn Hưu và một số nhà vườn khu vực Bao Vinh. Trong đó, có sửa chữa, trùng tu khu nhà 117 Lê Thánh Tôn.

Năm 2005, dự án ngừng triển khai, thành phố giao lại nhà cho phường sử dụng làm nơi làm việc của mặt trận, đoàn thể. Trải qua một thời gian dài từ năm 2005 đến nay, do thiếu kinh phí chăm sóc, duy tu chất lượng nên ngôi nhà đang xuống cấp, đặc biệt khu vực sân vườn phía trước cây cối mọc um tùm, gây nhếch nhác, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường đô thị.

Từ đó, Phòng Quản lý đô thị TP. Huế đã phối hợp cùng các phòng, ban liên quan kiểm tra thực tế, rà soát và thống nhất đề xuất UBND TP. Huế cho phường lập dự án theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, đáng lưu ý, Phòng Quản lý đô thị TP. Huế cũng thừa nhận công trình nhà 117 Lê Thánh Tôn còn giữ được kiểu kiến trúc xưa theo lối nhà rường, pha lẫn kiến trúc Pháp đầu thế kỷ 20... cần phải duy tu, duy trì kiến trúc của ngôi nhà làm khuôn mẫu để có thể phục vụ nghiên cứu, phục hồi các loại hình nhà vườn, nhà rường trên địa bàn thành phố.

Nhiều tư liệu nói về “Nhà di sản”

Câu hỏi đặt ra, nếu làm khuôn mẫu phục vụ nghiên cứu nhà vườn, nhà rường thì tại sao một không gian như thế lại không có sân vườn, bởi vườn luôn luôn gắn với ngôi nhà rường truyền thống tạo nên kiểu kết cấu nhà - vườn không tách rời?

Trước câu chuyện này, nhiều nhà nghiên cứu cũng như các tư liệu qua các thời kỳ chứng minh rằng việc “nhà di sản” trở thành trung tâm thể dục thể thao là khó chấp nhận được. Theo tư liệu Báo Thừa Thiên Huế, số 1682 ra ngày 18/4/2000, vào chiều 14/4/2000, tại địa chỉ số 73 Lê Thánh Tôn đã diễn ra lễ khai trương “Nhà di sản” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố lúc bấy giờ, cũng như sự có mặt của một vị đại diện cấp cao của Pháp.

Hồi đó, công trình này được khởi công trùng tu từ tháng 7/1999 với kinh phí 300.000 Fr do Cộng đồng Đô thị Lille tài trợ, bao gồm các hạng mục phục hồi các cấu kiện gỗ bị hư hỏng, lợp lại và phục hồi các chi tiết trên mái, cải tạo sân vườn, cây cảnh và các công trình khác. Công trình này được xem như sự bắt đầu cho việc phục hồi, trùng tu các ngôi nhà cổ trong di sản vật thể của Huế.

Trong bài viết trên tạp chí Sông Hương số 178 xuất bản tháng 12/2009 với tựa đề “Huế - Qua 10 năm bảo tồn và phát triển di sản văn hóa” do tác giả Nguyễn Văn Mễ (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) cũng nhắc đến “Nhà di sản”. Bài viết có đoạn: “Dự án khôi phục Ngôi nhà Di sản tại 73 Lê Thánh Tôn Huế với sự giúp đỡ của vùng Nord Pas de Calais và Cộng đồng đô thị Lille”.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, đã nhận được công văn yêu cầu kiểm tra, làm rõ sự việc liên quan đến ngôi nhà 117 Lê Thánh Tôn mà báo chí phản ánh thời gian qua. “Chúng tôi sẽ có cuộc họp với các phòng, ban ngành và sẽ có văn bản trả lời tỉnh cũng như báo chí”, ông Thành thông tin.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền

Từ khi mô hình camera giám sát an ninh trật tự (ANTT) được triển khai ở Phong Điền đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.

“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền
Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

Mùa hè về, loại hình du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đang thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Việc chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.

Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác
Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top