ClockThứ Bảy, 22/10/2016 05:51
CẤM KHAI THÁC TÔM HÙM Ở CẢNG CHÂN MÂY:

Cần hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân

TTH - Cấm ngư dân khai thác tôm hùm giống trong luồng lạch cảng Chân Mây là một quyết sách đúng đắn, nhằm đảm bảo an toàn hàng hải. Tuy nhiên, hàng trăm ngư dân mong muốn được hỗ trợ chuyển đổi nghề, sắm mới ngư lưới cụ.

 Ngư dân Lộc Vĩnh cần hỗ trợ chuyển đổi nghề đánh bắt mới

Thiếu vốn

Sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, các ban ngành, đến nay, rất ít ngư dân còn khai thác tôm hùm trong luồng lạch cảng Chân Mây, mà chuyển qua khai thác các vùng biển ở mũi Ếch, núi Dòn, bãi Bàng. Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân, khai thác ở khu vực này, tôm hùm giống rất ít, sản lượng đánh bắt thấp, dẫn đến sinh kế của ngư dân không đảm bảo. Sau sự cố môi trường biển vừa qua, đời sống ngư dân khó khăn hơn, dù chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương đã triển khai kịp thời.

Ngư dân Huỳnh Đức Anh cho biết: “Từ khi nghe tuyên truyền, bà con đã hiểu, không còn đánh bắt trong luồng lạch Chân Mây,  chuyển qua khai thác bên ngoài cảng, sắm thêm ngư lưới cụ để theo nghề mới, nhưng sinh kế khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư”.

Nỗi niềm của ông Anh cũng là tâm tư của hơn 200 hộ dân theo nghề khai thác tôm hùm giống ở thôn Bình An 2 và Phú Hải (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc). Hiện nay, các hộ dân này chuyển qua làm các nghề khai thác hải sản như đặt lừ mực, nghề bủa rập bắt cua ghẹ; số khác theo các ngư dân vào Đà Nẵng làm nghề lặn phế liệu trên biển. Trong đó, nghề bủa rập bắt cua ghẹ đáy biển là hình thức đánh bắt hủy diệt, chính quyền cấm; nghề lặn thì tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn. “Đầu tư một bộ ngư lưới cụ từ 10-20 triệu đồng, đó là nghề truyền thống. Còn nghề khai thác mới thì có khi cần mấy chục đến cả trăm triệu đồng, trong khi nguồn lực người dân có hạn”, ngư dân Nguyễn Văn Thông tỏ lòng.

Ngư dân Lộc Vĩnh đặt đáy rớ khai thác tôm hùm giống

Ông Nguyễn Ngọc Phiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Vĩnh cho biết: “Lộc Vĩnh có 230 hộ dân theo nghề khai thác tôm hùm giống, vào tháng 11-3 (DL) hàng năm. Trước đây, bà con làm trong luồng lạch, gây cản trở, thiệt hại cho tàu hàng, tàu du lịch ra vào cảng Chân Mây, địa phương đã tuyên truyền, sử dụng các chế tài, đến nay ngư dân đã chấp hành. Tuy nhiên, cái khó khăn của ngư dân hiện nay là chỉ biết dựa vào nghề biển để sống, đất nông nghiệp chỉ gần 0,2 sào/khẩu, vì thế cần hỗ trợ chuyển đổi nghề hoặc cấp kinh phí sắm ngư lưới cụ cho ngư dân để theo nghề đánh bắt hải sản mới”.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, đối với cua ghẹ sống tầng đáy trong phạm vi bờ biển nhất định từ khuyến cáo của cơ quan chức năng đây là sản phẩm chưa an toàn. Tuy nhiên, đối với vùng biển trong tỉnh, ảnh hưởng ít từ sự cố môi trường biển, tôm hùm được bà con ngư dân Lộc Vĩnh đánh bắt nằm ngoài luồng lạch cảng Chân Mây do là con giống, sẽ được thương lái bán vào các địa phương phía Nam ươm nuôi nên cơ bản là sản phẩm an toàn. Người dân vẫn cứ yên tâm khai thác, đánh bắt khi đến mùa vụ.

Lồng ghép các chương trình hỗ trợ

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu vừa có buổi làm việc với Công ty CP cảng Chân Mây, UBND huyện Phú Lộc và một số ban, ngành liên quan. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan chức năng cần có các giải pháp cụ thể hỗ trợ cho ngư dân trước đây làm nghề khai thác tôm hùm, lồng ghép thêm các chính sách hỗ trợ ngư dân, đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả.

Năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Phú Lộc lập đề án hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ dân khai thác hải sản ở vùng cảng Chân Mây. Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh thông tin, từ năm 2014-2015, UBND huyện Phú Lộc đã giao trách nhiệm cho Phòng NN&PTNT, UBND xã lập đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác tôm hùm giống. Sau nhiều cuộc làm việc giữa các ban, ngành và địa phương, phương án đưa ra là hỗ trợ ngư lưới cụ, hoặc hỗ trợ kinh phí cho ngư dân mua sắm các loại ngư cụ, tham gia các loại hình khai thác mới trên biển. Tuy nhiên, đề án này đến nay vẫn chưa được triển khai.

 Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc lý giải, đề án hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân xã Lộc Vĩnh chưa triển khai được là do thiếu kinh phí thực hiện (dự kiến khoảng 10 tỷ đồng). Mặt khác, trong giai đoạn ảnh hưởng sự cố môi trường biển, các hộ dân đang được hỗ trợ nhiều chính sách liên quan đến việc duy trì, phát triển nghề biển cũng như chuyển đổi nghề khi có nhu cầu, do vậy, triển khai đề án này trong giai đoạn hiện nay là không phù hợp. “Huyện Phú Lộc đã phối hợp với các cơ quan liên quan, thực hiện lồng ghép các chương trình hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị định 67, chương trình đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chuyển đổi ngành nghề, để hỗ trợ ngư dân khai thác ở khu vực cảng Chân Mây”, ông Thông khẳng định.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Đức cho biết, vừa qua, sau các cuộc họp lấy ý kiến từ các bộ, ngành liên quan, đề án về chuyển đổi nghề cho ngư dân ảnh hưởng sự cố môi trường biển đã được  Bộ NN&PTNT trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, ngoài việc tái tạo môi trường biển, trồng lại san hô, xử lý môi trường nước tầng đáy…, còn có các chính sách hỗ trợ, duy trì phát triển nghề biển cũng như chuyển đổi nghề phù hợp cho ngư dân.

HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Mạnh về biển, giàu từ biển”

Đó là mục tiêu được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh khi trao đổi về nỗ lực của tỉnh trong việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong thời gian tới; trong đó, chú trọng các dự án đầu tư vào hạ tầng cảng, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan… nhằm phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.

“Mạnh về biển, giàu từ biển”
Rộn rã Ngày hội biên phòng toàn dân

Chiều 28/2, UBND xã Lộc Vĩnh ( Phú Lộc) phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng (BPCK) Chân Mây tổ chức điểm tại tuyến biên giới biển "Ngày hội Biên phòng toàn dân" năm 2024. Đây là hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2024); 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2024).

Rộn rã Ngày hội biên phòng toàn dân
Cơ hội mới từ cảng Chân Mây

Tháng 12/2023 này, Hãng tàu RCL (Regional Container Lines) đến từ Thái Lan mở tuyến vận chuyển container quốc tế qua cảng Chân Mây. Điều này vừa nói lên tiềm năng, lợi thế của cảng, vừa là động lực, là chất xúc tác góp phần thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nói riêng, tỉnh Thừa Thiên nói chung.

Cơ hội mới từ cảng Chân Mây
Return to top