ClockThứ Năm, 11/10/2018 07:00
BẢO TỒN CHẤT LƯỢNG QUẢ THANH TRÀ XỨ HUẾ:

Cần một nghiên cứu chuyên sâu

TTH - Nhắc đến thanh trà Huế là nhắc đến một đặc sản lừng danh qua bao đời nay. Không chỉ ở phường Thuỷ Biều của TP. Huế, thanh trà còn là đặc sản ở xã Hương Vân (TX. Hương Trà) và xã Phong Thu (huyện Phong Điền).

8,7 ha thanh trà Thủy Biều được chứng nhận VietGAPThí điểm thanh trà VietGAP

Du khách tham quan, mua thanh trà Thủy Biều tại lễ hội thanh trà Huế 2018. Ảnh: P. Thành

Chất lượng chưa ổn định 

Thanh trà Huế là một giống thuộc loài bưởi (Citrus grandis), họ cam (Rutaceae) cùng tồn tại với nhiều giống cùng loài ở nhiều địa phương khác như bưởi Phúc Trạch, bưởi Đoan Hùng, bưởi Đồng Nai, bưởi Năm Roi, bưởi cốm, bưởi da xanh,… Mỗi giống đều có một hương vị riêng, nhưng đều có chung một đặc điểm là quả có múi với tép chứa dưỡng liệu. Chất lượng của tép thế nào là tuỳ thuộc vào giống, điều kiện sinh thái, phương thức canh tác và phương pháp chăm sóc. Chất lượng của tép bao gồm cả vị ngọt, hương thơm, hàm lượng nước và cả độ mịn của vỏ tép.

Khác với nhiều loài, giống cây ăn quả khác, những giống cây ăn quả có múi thuộc họ Cam nói chung, cây thanh trà nói riêng rất cần khoáng vi lượng. Chính đất phù sa được bồi tụ hằng năm bởi các trận lụt là nguồn dinh dưỡng chứa nhiều khoáng vi lượng cần thiết cho cây thanh trà. Khoáng vi lượng cộng hưởng với đặc điểm di truyền của giống đã làm nên đặc sản thanh trà cho xứ Huế mà những nơi khác không có được.

Ông Hoàng Trọng Di, Giám đốc hợp tác xã Thuỷ Biều cho biết: “Từ sau trận lụt 1999 đến nay, hằng năm không có lụt kiểu truyền thống nên lượng phù sa bồi đắp cho các vườn thanh trà không có như xưa nữa, thỉnh thoảng chỉ có lụt với dòng chảy tốc độ cao do xả lũ nên không những không có sự sa lắng phù sa mà còn bị bào mòn, rửa trôi chất đất. Chính vì vậy, càng ngày thanh trà Thuỷ Biều càng biến động theo chiều hướng xấu, sâu bệnh hại gia tăng, chất lượng quả giảm sút, bà con trồng thanh trà rất lo lắng...”.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về các nguyên tố khoáng vi lượng vốn có nhiều trong đất phù sa có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng thanh trà thì ông Hoàng Trọng Di cũng băn khoăn cho biết:  “Do lượng phù sa ngày càng ít, hợp tác xã cũng muốn chỉ đạo bà con tăng cường chăm bón để bù đắp, nhưng không rõ cây cần phân gì, loại vi lượng nào? Vì thế chúng tôi cũng đã đặt vấn đề với Sở Khoa học, Công nghệ tỉnh và đang chờ hỗ trợ. Mặt khác, chúng tôi đề nghị bà con nên bón phân hữu cơ, hạn chế dùng phân hoá học”.

Ông Hoàng Trọng Di – Giám đốc HTX Thuỷ Biều giới tiệu vườn thanh trà của ông Lê Văn Nhân tại địa phương

Ông Hoàng Trọng Di còn cho biết thêm: “Đa số các vườn thanh trà ở Thuỷ Biều có tuổi cây đã 30 – 40 năm, quả không đồng đều, sâu bệnh hại ngày càng gia tăng. Có cây năm trước cho 400 – 500 quả thì năm nay bị xì mủ từ gốc đến ngọn và chết đứng. Trong khi đó kiến thức của bà con về kỹ thuật tỉa cành tạo tán, chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại… còn nhiều hạn chế”.

Mong muốn có quy trình chăm sóc chuẩn 

Ông Ngô Quang Quý, Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp xã Phong Thu cho biết:  “Ở Phong Thu khác với Thuỷ Biều là sông Ô Lâu không có đập thuỷ điện, thuỷ lợi ở đầu nguồn nên hằng năm vẫn có những trận lụt truyền thống, không thiếu phù sa. Nhưng do đa số thanh trà đầu giòng đã lão hoá, chết gần hết, nên bà con mới trồng mới vào vụ đông xuân 2006 – 2007 (cây ghép mua ở Trung tâm Giống cây ăn quả Thừa Thiên Huế), do cây còn thấp nên trận lụt lớn do cơn bão số 12 năm 2017 đã nhấn chìm các vườn làm thiệt hại hơn 30 ha thanh trà. Mặt khác, do bà con bón phân thừa đạm khiến lá cây bị đốm lổ đổ, quả có vỏ quá dày, dày hơn thanh trà Thuỷ Biều rất nhiều, cũng là một điều bất lợi cho thanh trà Phong Thu. Ngoài ra, những năm mưa nhiều, nấm rễ phát triển làm thối rễ khiến cây chết”.  Kết thúc cuộc trao đổi, ông Ngô Quang Quý đã cho biết:  “Xã mong muốn có được quy trình chăm sóc chuẩn sau thu hoạch và kỹ thuật tăng ra hoa, đậu quả để bà con thâm canh hiệu quả, vừa tăng thu nhập, vừa góp phần bảo tồn thương hiệu thanh trà Huế”.

Thực tế cho thấy, muốn bảo tồn chất lượng thanh trà, giữ vững danh hiệu “Thanh trà Huế”, rất cần các ban ngành liên quan và đặc biệt là các nhà nông học vào cuộc để chung tay, tiếp sức cho nông dân có được quy trình chuẩn nhằm canh tác hiệu quả, giúp cho các vườn thanh trà ở Thừa Thiên Huế ngày càng có những cây thanh trà sinh trưởng, phát triển khoẻ để tăng năng suất, sản lượng và đặc biệt là đảm bảo chất lượng như từng có lâu nay. Người dân trồng thanh trà đang rất cần những ý kiến tư vấn về thâm canh để phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất và đặc biệt đảm bảo chất lượng quả nhằm bảo tồn và phát triển bền vững được thương hiệu thanh trà Huế.

Thiết nghĩ, khi cây thanh trà sinh trưởng khoẻ, phát triển cân đối thì khả năng kháng sâu bệnh hại sẽ tăng cao, năng suất quả tất yếu sẽ vượt trội và khi chất lượng đất trồng, cụ thể là các yếu tố nông hoá, thổ nhưỡng phù hợp với yêu cầu của cây thì chất lượng quả sẽ tăng lên đồng thời cũng làm cho giống cây chậm thoái hoá.

Theo tôi, chính độ pH của đất và các chất khoáng trung lượng và vi lượng có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quả thanh trà, người trồng chỉ bón NPK (khoáng đa lượng) là chưa đủ.

Hy vọng sắp tới, sẽ có những nghiên cứu chuyên sâu về mối tương quan giữa chất đất và chất lượng quả để có thể kết luận cây thanh trà Huế thích hợp ngưỡng pH nào, cần những yếu tố khoáng trung lượng, vi lượng gì? Từ đó cho biết hằng năm các nhà vườn cần cải tạo đất ra sao? Bón bổ sung những khoáng trung lượng, vi lượng gì với tỷ lệ và liều lượng bao nhiêu? Kết quả nghiên cứu về khoáng trung lượng và vi lượng sẽ là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón ở địa phương, tạo sản phẩm hàng hoá phục vụ cho cả ba trung tâm thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: Đỗ Xuân Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặc sản thịt bò vàng A Lưới ra chợ

Giờ đây, ra chợ thị trấn A Lưới, du khách có thể mua được thịt bò vàng tươi với nhãn hiệu được in rõ tại gian hàng. Sắp tới, một gian hàng đặc sản tương tự cũng sẽ có mặt tại chợ phiên theo chủ trương của lãnh đạo huyện vùng cao này.

Đặc sản thịt bò vàng A Lưới ra chợ
Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học công nghệ: Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn

Để tạo ra một sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Và, kết quả nghiên cứu KHCN đòi hỏi phải quay trở lại phục vụ thực tiễn cuộc sống, được chuyển giao, ứng dụng, thương mại hóa để không lãng phí tiền tài, kỳ vọng.

Nghiên cứu khoa học công nghệ Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn
Đại hội Hội Thanh trà Huế lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 20/1, Ban vận động thành lập Hội Thanh trà Huế tổ chức Đại hội Hội Thanh trà Huế lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự có UVTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Nguyễn Chí Tài; lãnh đạo các sở, ban ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đại hội Hội Thanh trà Huế lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 - 2029

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top