ClockThứ Tư, 13/12/2017 05:41

Cần nguồn lực cho di tích được xếp hạng

TTH - Tất cả 6 di tích cấp quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh được phân cấp thị xã Hương Thủy quản lý đều có ban quản lý (BQL). Tuy nhiên, thiếu kinh phí, thiếu nghiệp vụ chuyên môn và thiếu “thủ lĩnh” kết nối các hoạt động văn hóa, nên các BQL chưa có động lực “đầu tư chất xám” cho việc phát huy giá trị di tích ngày càng tốt hơn.

Quảng bá thương hiệu làng nghề tranh dân gian Sình và hoa giấy Thanh TiênBàn giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tíchCần đảm bảo giá trị kiến trúc để phục vụ nghiên cứu

Chưa phát huy tác dụng

Đó là nhận định của ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao thị xã Hương Thủy nói về BQL các di tích được xếp hạng trên địa bàn. Việc phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa là một chủ trương đúng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp địa phương trong quản lý, trùng tu, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, đi cùng với sự phân cấp, nhà nước chưa có những quy định cụ thể về kinh phí hoạt động, về quyền lợi và nghĩa vụ của BQL, nên dù được thành lập đầy đủ nhưng hầu như các địa phương chưa phát huy được tác dụng của tổ chức này.

Đưa vẻ đẹp của cầu ngói Thanh Toàn vào ảnh cưới

Đình làng Hòa Phong (xã Thủy Tân) và đình làng Dạ Lê (xã Thủy Vân) đều là di tích cấp quốc gia, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật của vùng đất Hương Thủy. Cả hai vừa được Nhà nước và cộng đồng dân cư trong khu vực hỗ trợ, đóng góp kinh phí để tu bổ, sửa chữa lớn. Thăm những kiến trúc đình làng lưu dấu nhiều câu chuyện ý nghĩa của người xưa đều có “người bạn đường tích cực” là cán bộ chuyên trách văn hóa cơ sở - cũng là Phó ban BQL di tích. Tuy nhiên, ngoài những thông tin tư liệu và một số hoạt động tại địa phương có liên quan đến di tích họ có thể cung cấp, muốn cần thêm nữa thì phải gặp người trực tiếp giữ đình. Với đình Hòa Phong, đó là thôn trưởng – bận đi họp. Với đình làng Dạ Lê, cách tốt nhất để tiếp cận là hẹn gặp “ông Đình” ở chợ Bến Ngự, nơi ông mưu sinh hằng ngày bằng nghề cắt tóc.

Hiện nay, thị xã Hương Thủy đã kết nối du khách đến với cầu ngói Thanh Toàn, đình Thanh Thủy Chánh, phủ thờ Tôn Thất Thuyết, đình Vân Thê, đền Văn Thánh. Đây đều là những di tích ở xã Thủy Thanh, được ngành văn hóa – du lịch hỗ trợ phối hợp với các đơn vị du lịch, kết nối du khách thông qua các chương trình “Chợ quê ngày hội - Festival Huế” và các chương trình du lịch trải nghiệm tại địa phương. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa đáng kể.

Tại cầu ngói Thanh Toàn, ngoài tour du lịch chợ quê được tổ chức hai năm một lần, phần lớn du khách đến đây đều là tự phát. Mặc dù quanh năm cầu ngói đều có khách quốc tế về thăm, nhưng phần lớn là khách lẻ. Địa phương không thu được lợi ích kinh tế đáng kể nào từ sự xuất hiện của họ. Các điểm khác như đình Thanh Thủy Chánh, phủ thờ Tôn Thất Thuyết, đình Vân Thê…, lâu lâu các doanh nghiệp du lịch cũng đưa khách về, nhưng không thường xuyên. Thậm chí, ngay khi khách có nhu cầu tham quan, không phải lúc nào phía địa phương cũng có thể đáp ứng được. Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, trăn trở: "Mặc dù đã quảng bá và đưa vào tour, tuyến du lịch nhưng nhiều lúc rất khó vì việc tham quan phụ thuộc nhiều vào những ông Từ. Đa phần họ đã lớn tuổi, không tiện để lúc nào cần là có mặt ngay. Hơn nữa, khi vui vẻ thì họ rất nhiệt tình đón và giới thiệu giá trị của di tích với khách, còn không thì chịu. Mình cũng không có cách chi ràng buộc".

Cần nguồn lực tích cực

Nguồn lực quan trọng và đang rất cần thiết là kinh phí và con người.

Khi hỏi về việc trực tiếp giữ đình Hòa Phong, ông Võ Đợi, trưởng thôn Hòa Phong, đơn giản: "Đình ở trên đất của thôn, là niềm tự hào của cả địa phương nên việc giữ đình là việc chung của thôn, bản thân ông không nề hà nhiệm vụ". “Nhưng quanh năm suốt tháng chẳng khi mô thấy có chế độ sổ sách, đèn dầu hội họp chi, nghĩ cũng chạnh lòng. Biết là trách nhiệm, nhưng nếu được quan tâm thêm về kinh phí để hoạt động thì tốt hơn nhiều”, ông Đợi nói thêm.

Các di tích được xếp hạng đều có BQL. Nhưng thực tế, nếu là di tích thuộc quyền sở hữu của dòng họ, thì nội bộ dòng tộc còn có người phối hợp với BQL thường xuyên túc trực, trông coi; còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào BQL. Trong khi đó, thành viên của BQL đều kiêm nhiệm, nhiệm vụ không cụ thể và không được phân bổ kinh phí “vận hành” nên mọi hoạt động cũng chỉ mang tính hình thức. Hơn nữa, ngay nhân lực của phòng Văn hóa – Thể thao còn thiếu kỹ năng về bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa, thì thật khó để đòi hỏi các thành viên của BQL di tích các xã, phường phải có chuyên môn về lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Phương Toàn kiến nghị, về mặt Nhà nước, BQL các di tích có thể đảm bảo phần nào, nhưng động viên họ đầu tư chất xám nhiều hơn cho công tác phát huy giá trị di tích, có những cách làm hay để thu hút khách tham quan thì lại rất khó. Không có chuyên môn nên các BQL cũng rất lúng túng để chủ động xây dựng, kết nối và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa gắn liền với di tích do mình quản lý. Chúng tôi rất mong Nhà nước tiếp tục quan tâm, xem xét, tạo cơ chế về kinh phí, về con người để các BQL hoạt động có trách nhiệm hơn và thuận lợi hơn trong công tác điều hành. Tối thiểu nhất cũng có một phần kinh phí để hỗ trợ người trực tiếp trông coi di tích.

Thành viên của BQL gồm có Phó Chủ tịch UBND cấp xã (phụ trách văn xã) làm trưởng ban, cán bộ Văn hóa làm phó ban và khối đoàn thể, thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng các họ tộc… làm thành viên.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Return to top