ClockThứ Ba, 26/04/2016 09:54

Cần nhân rộng dân vũ trong trường học

TTH - Bắt đầu từ những bài tập trong chương trình “Học kỳ quân đội”, dân vũ vào Việt Nam từ năm 2008.

Trước đó, dân vũ cũng đã du nhập thông qua nhiều hoạt động như giao lưu văn hóa, thể thao của học sinh, sinh viên… tầm khu vực và quốc tế. Ban đầu là những bài nhảy đơn giản, vui nhộn, dễ tập (như Té nước của Thái Lan), dần dần nó hấp hẫn giới trẻ bởi nhiều vũ khúc tươi trẻ, mạnh mẽ có nhiều động tác khó hơn. Xuyên suốt vẫn là các động tác đơn giản trong tiếng nhạc vui tươi, cuốn hút được nhiều người vào một hoạt động vui nhộn, thân ái. 

Học sinh Trường THCS Trần Cao Vân (Huế) nhảy dân vũ trên sân trường.

Dân vũ có thể chia làm ba loại là dân vũ lễ hội (bài Cà chua trong lễ hội ném cà chua ở Tây Ban Nha, bài Té nước trong lễ hội té nước ở Thái Lan)…Dân vũ trong đời sống, hoạt động của người dân biến thành các động tác trong điệu nhảy (bài Rasa Sayang của Malaysia thể hiện việc tìm một người bạn trên xe buýt, bài Chocolate thể hiện sự thích ăn và cách ăn chocolate ) và cuối cùng là dân vũ sử thi (bài Uy vũ của Việt Nam nói về văn minh lúa nước với săn bắt hái lượm, bài Soran Bushi của Nhật Bản nói về đấu tranh với quái vật).

Dân vũ ở mỗi nước, ngoài cái chung là vui nhộn, động tác đơn giản lại gắn thêm một số đặc điểm mang dấu ấn lịch sử, văn hóa của đất nước đó nên rất dễ phổ cập. Mỗi bài dân vũ là một câu chuyện, một hoạt động, lễ hội hay mô hình nào đó gắn bó với đời sống vùng  đất. Nó mang tính cộng đồng, có thể có tác giả hoặc do lưu truyền và hoàn thiện qua các thế hệ. Nhảy dân vũ là một hoạt động bổ ích, giúp mỗi người có thể tự rèn luyện sức khỏe, giao lưu với mọi người. Với sinh viên, học sinh dân vũ là hoạt động cần thiết nhằm nâng cao tính đoàn kết, tạo không khí hoạt náo vui vẻ, giúp thắt chặt các mối quan hệ một cách thân ái.

Dân vũ đến với học sinh, sinh viên Thừa Thiên Huế sớm trong giai đoạn đầu, rồi chững lại. Những năm gần đây, cùng với các chuyên đề kỹ năng sống, dân vũ được các tổ chức Đoàn, Đội quan tâm mở rộng, coi đó như một công cụ để phát triển các hoạt động tập thể và quả thật, những điệu nhảy này đã có giá trị kết nối cao trong học sinh. Để tận dụng khả năng của dân vũ, nhiều trường học trên địa bàn đưa dân vũ vào các hoạt động tập thể.

Trường THCS Trần Cao Vân (Huế) vừa tổ chức hội thi nhảy dân vũ cho học sinh khối 8 và đã được các em học sinh hưởng ứng. Các lớp triển khai và tạo nên một “cơn sốt” dân vũ vui tươi, lành mạnh kết thúc bởi một cuộc thi. Đây là hoạt động ngoài giờ lên lớp chào mừng 75 năm thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh, 41 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam và đặc biệt là hưởng ứng phong trào thi đua “75 ngày thi đua làm nghìn việc tốt” với chủ đề “Đội ta lớn lên cùng đất nước” do Hội Đồng đội thành phố - Nhà Thiếu nhi Huế tổ chức. Được biết, thi nhảy dân vũ là hoạt động thường kỳ tổ chức cho học sinh khối 8 của trường.

Qua việc tập nhảy dân vũ, nhà trường mong muốn các em học sinh cùng nhau tập luyện các bài dân vũ để từ đó hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn, tương thân, tương ái hơn và xây dựng một tập thể gắn kết, vững mạnh. Việc tập các bài dân vũ giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, giải trí, xa rời các loại hình giải trí không lành mạnh và xây dựng môi trường học đường thân thiện.

Thời gian qua, sân trường Trần Cao Vân luôn rộn ràng tiếng nhạc, nhộn nhịp các bước nhảy và đầy sắc màu của học sinh các lớp. Các em hăng say tập luyện. Những động tác khỏe khoắn, vui tươi không chỉ giúp cho thân thể các em thêm mạnh mẽ dẻo dai mà còn giúp cho tâm hồn các em tươi sáng, sinh hoạt xã hội ngoài giờ học lành mạnh, hữu ích.

Không phải trường nào cũng quan tâm và tạo được phong trào như Trường THCS Trần Cao Vân, cũng như ngay trong trường, không khí nhảy dân vũ chưa đến được với tất cả học sinh. Muốn giúp học sinh trong nhà trường gần gũi hơn với các điệu dân vũ, xa hơn là tiệm cận với khiêu vũ, một hoạt động văn hoá có giá trị mà mỗi thanh niên cần được trang bị khi muốn hội nhập, thì vẫn rất cần sự quan tâm của các ban giám hiệu.

Bài, ảnh: Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình kinh tế

Các cấp Hội Nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế thông qua việc phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân (HVND) tham gia các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình kinh tế
Dân vũ cần được phát huy trong trường học

Dân vũ là một hoạt động tập thể lành mạnh, mang tính văn hóa sâu sắc. Đây là loại hình nghệ thuật có sự lan tỏa rộng và kết nối nhanh, rất thích hợp với phong trào thanh niên trường học.

Dân vũ cần được phát huy trong trường học
Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học

Chiều 18/1, tại Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Công an tỉnh tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học

TIN MỚI

Return to top