ClockThứ Bảy, 08/10/2016 12:50
NGĂN “CHẢY MÁU” ĐẤT LÂM NGHIỆP:

Cần những giải pháp căn cơ

TTH - Tuy chính quyền địa phương, các ban, ngành và cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp, nhưng việc quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp…

Tăng cường công tác kiểm tra, xác định ranh giới để cắm mốc – một trong những giải pháp ngăn chặn đất lâm nghiệp bị “chảy máu” ở Phong Điền

Xảy ra khắp tỉnh

“Hiện nay, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn xảy ra khá phổ biến. Thừa Thiên Huế hiện có hơn 300.000 ha đất lâm nghiệp; trong đó, rừng phòng hộ hơn 100.000 ha và 144.088 ha đất rừng sản xuất thì có đến 426,12 ha rừng phòng hộ do các ban quản lý rừng phòng hộ và công ty lâm nghiệp quản lý đang trong tình trạng bị lấn chiếm hoặc tranh chấp với người dân địa phương”. Ông Phạm Văn Hạnh, Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm là do khi quy hoạch, các lâm trường chỉ giao đất “trên giấy”, thiếu đo đạc, xác định ranh giới rõ ràng trên thực địa. Nhiều trường hợp chỉ khoanh vẽ trên bản đồ, bao gồm cả đất của người dân đang canh tác, đất dân để lại do du canh du cư trước khi thành lập lâm trường. Việc quản lý đất đai của các công ty lâm nghiệp còn bị buông lỏng, thiếu kiểm tra. Hoạt động của các lâm trường quốc doanh chưa hiệu quả, có nhiều vi phạm trong pháp luật đất đai như cho thuê, mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật.

Cây keo lai cho lợi ích kinh tế cao trên vùng đất Nam Đông, A Lưới

Nhiều chủ rừng không quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý nên để rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Trong khi đó, chính quyền và các cơ quan chức năng tại các địa phương chưa chú trọng chỉ đạo và tìm ra các giải pháp quản lý phù hợp. A Lưới là địa phương có chiều hướng gia tăng về số vụ lấn chiếm đất rừng. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng huyện này đã phát hiện và xử lý 23 vụ vi phạm, diện tích đất bị lấn chiếm gần 4,6 ha. Ông Văn Thân, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới chia sẻ: “Hiện tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy của người dân hàng năm đều có nhưng quy mô nhỏ lẻ, khó xử lý vi phạm”.

Theo nghiên cứu của TS. Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Quỹ bảo trợ và Phát triển rừng tỉnh, UBND các xã quản lý diện tích rừng phòng hộ khá lớn, với 14.136,6 ha. Tuy tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ không lớn, không trở thành điểm nóng, nhưng xảy ra khắp tỉnh, từ các diện tích do các chủ rừng là tổ chức Nhà nước đến các diện tích đang tạm giao cho UBND xã hay diện tích của cộng đồng, nhóm hộ quản lý.

Quản lý chặt, xử lý phù hợp

Huyện Nam Đông là địa phương thực hiện thí điểm Chỉ thị 65 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Qua rà soát, đã phát hiện và thu hồi nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm, từ đó có hướng xử lý phù hợp dựa trên nguồn gốc rừng.

Nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép mà không phát hiện, chậm phát hiện hoặc chưa chỉ đạo xử lý kịp thời thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật... Đó là một trong những nội dung quan trọng tại Chỉ thị 65 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký ban hành ngày 4/12/2015.

Ông Hoàng Văn Phúc, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Đông cho biết: “Đối với diện tích đất xâm lấn có nguồn gốc từ rừng tự nhiên thì sẽ tiến hành thu hồi và trả lại cho cộng đồng quản lý. Còn đối với diện tích đất xâm lấn sử dụng đất lâm nghiệp trái phép thì tiến hành thu hồi, nhưng xem xét cấp đất cho các hộ gia đình theo luật đất đai. Đối với đất xâm chiếm không người thừa nhận thì dự kiến giao cho một số đơn vị quản lý, sau thời gian theo chu kỳ thì khai thác đấu giá”.

Rà soát tại 6 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng phát hiện gần 700 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, trong đó đã thu hồi hơn 420 ha. Điều này sẽ giúp địa phương quản lý được toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, thống kê và đưa vào bản đồ số hóa để khắc phục tình trạng tái lấn chiếm sau thu hồi. Ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Hiện Sở đang chỉ đạo triển khai thí điểm việc quản lý rừng bằng GPS và máy tính bảng qua các phần mềm đã được xây dựng, tiến tới quản lý rừng bằng các thiết bị công nghệ để quản lý chặt chẽ, theo dõi mọi diễn biến. Phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu là chủ rừng và chính quyền địa phương để bảo đảm khi một hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong việc lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp thì phải quy trách nhiệm ai là người đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề đó”.

Ðể nâng cao hiệu quả của việc quản lý, sử dụng đất tại các nông lâm trường quốc doanh, trước hết cần nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết triệt để những bất cập làm nảy sinh các mâu thuẫn giữa nông lâm trường quốc doanh và người dân địa phương. Tạo cơ chế, chính sách phù hợp để cả hai bên cùng có lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương cũng như xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Cần thực hiện tổng điều tra đánh giá, rà soát lại một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, có sự tham gia của các bên về sử dụng đất của lâm trường, nhất là các lâm trường đang quản lý đất rừng sản xuất với mục đích trồng rừng, tại các địa phương và thực trạng của mâu thuẫn đất đai giữa các bên liên quan.

Bài, ảnh: ANH PHONG

Ông Trần Văn Minh, thôn Phú Mậu, xã Hương Phú (Nam Đông) :

Giao rừng kèm với những chính sách ưu đãi

Thiếu đất canh tác, đất nghèo kiệt... là những nguyên nhân khiến những người dân như chúng tôi lấn chiếm đất lâm nghiệp phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Dù đã hơn 10 năm nay chúng tôi canh tác trên phần đất này, nay giao lại cho chính quyền địa phương, thì cũng rất mong Nhà nước tạo điều kiện giao đất, giao rừng kèm với những chính sách ưu đãi để chúng tôi là những “người chủ” thực sự.

PGS.TS. Lê Văn Thăng, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế:

Nâng cao ý thức cộng đồng

Cần có cơ chế, chính sách, bộ máy quản lý chuyên ngành làm sao thật chặt chẽ. Chế tài về mặt kinh tế trong xử lý những vi phạm môi trường, đất đai, tài nguyên cũng là một trong những giải pháp đặt ra. Nhất thiết phải thông qua các loại công nghệ trong việc kiểm kê, thiết bị đo vẽ để quản lý chặt chẽ hơn đất lâm nghiệp. Tập trung xây dựng các bản đồ, quản lý xói mòn về đất đai, tránh tình trạng đất đai nghèo kiệt. Quan trọng nhất là nhận thức trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp. Ở nước ngoài đây là giải pháp được đề cập đầu tiên trong số các giải pháp được đưa ra. Nói rộng ra, cần phải có nhận thức đầy đủ để quản lý, nâng cao ý thức cộng đồng trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp. 

Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

Đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trong việc lập hồ sơ giao đất, thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện việc định giá rừng làm cơ sở để bàn giao vốn khi các chủ rừng bàn giao rừng về cho địa phương hoặc ngược lại; đôn đốc các chủ rừng thực hiện nghiêm túc việc cắm mốc ranh giới giữa các chủ rừng. Cần tiếp tục đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư nhằm từng bước nâng cao năng lực của các cộng đồng sống gần rừng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, thu hút được sự tham gia của người dân. Công khai số diện tích rừng thu hồi và giao cho cộng đồng quản lý. Cách làm này đã hạn chế tình trạng tái lấn chiếm đất lâm nghiệp, cũng như phần nào giảm thiểu được nạn phá rừng xảy ra.

TÂM ANH

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quản lý rừng bằng công nghệ

Thông qua công nghệ, ảnh viễn thám, các đơn vị kiểm lâm, bảo vệ rừng (BVR) kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ phá rừng trái phép.

Quản lý rừng bằng công nghệ
Hương Trà: Tái diễn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp

Phản ánh của người dân, khoảng 16ha rừng tự nhiên dưới chân đèo Kim Quy (xã Bình Tiến - TX. Hương Trà) bị đốn hạ, đốt trụi. Qua khẳng định của cơ quan chức năng, đây là hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp chứ không phải chặt phá rừng tự nhiên.

Hương Trà Tái diễn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp
Triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp
Tuần tra kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng cháy rừng

Đó là chỉ đạo của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tại buổi kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tại khu vực Bắc Hải Vân chiều 14/6. Cùng đi còn có các sở, ngành liên quan.

Tuần tra kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng cháy rừng
Chấn chỉnh những bất cập trong quản lý đất lâm nghiệp ở xã Hồng Trung

Ông Hồ Văn Nghiêm, trú xã Hồng Trung (A Lưới) có đơn đến Báo Thừa Thiên Huế phản ánh, đất trồng rừng sản xuất thuộc dự án 661 đã được cấp quyền sử dụng đất cho gia đình ông nhưng bị nguyên cán bộ địa chính xã chiếm đoạt; đồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm đối với các hộ cán bộ bất chấp quy định của chính quyền địa phương ngang nhiên vào canh tác trên đất rừng 661 khi chưa được bàn giao trên thực địa...

Chấn chỉnh những bất cập trong quản lý đất lâm nghiệp ở xã Hồng Trung

TIN MỚI

Return to top