ClockThứ Sáu, 10/03/2017 13:51

Cần sự chăm sóc thường xuyên đối với các nghĩa trang liệt sĩ

TTH - Đầu tư kinh phí tôn tạo, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) là thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”. Tuy nhiên, công tác bảo dưỡng các hạng mục công trình ở NTLS cần được quan tâm, hạn chế tình trạng sớm xuống cấp.

Tuổi trẻ TP. Huế chăm sóc các phần mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố. Ảnh: Anh Phong

NTLS TP. Huế là địa chỉ để các thế hệ đến tri ân. Các bia mộ, cụm tượng đài, nhà bia đều có kiến trúc đẹp và hài hòa. Thành phố dành nhiều kinh phí chỉnh trang lại hệ thống công viên cây xanh để nâng cấp, tôn tạo cảnh quan toàn bộ hệ thống công viên nghĩa trang với tiêu chí trở thành một nghĩa trang sinh thái. Ông Dương Xuân Mân, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Huế cho biết: "Cây xanh, thảm hoa ở các nghĩa trang đều được giao cho Trung tâm Công viên cây xanh Huế chăm sóc. Mỗi năm, thành phố và các địa phương đều dành kinh phí tu sửa, cải tạo, xây mới một số hạng mục công trình ghi công trên địa bàn. Những công trình mang đậm tính nhân văn, phát huy giá trị lịch sử cách mạng vừa kết hợp hài hòa với không gian xanh, thoáng mát".

Các công trình nghĩa trang, ghi công liệt sĩ trên địa bàn ngày càng khang trang. Đa số nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng trên những khu đất rộng rãi, thoáng mát và thiết kế trang nghiêm, có cây bóng mát, có tường bao, có quản trang trông coi… Các NTLS ở địa phương đều được các trường học nhận chăm sóc; các đoàn thể, nhân dân và lực lượng vũ trang thường xuyên đến thắp hương tưởng nhớ. Năm 2004, bằng nguồn ngân sách của các cấp và huy động từ nhân dân, huyện Phong Điền xây dựng khu đền thờ liệt sĩ với trên 9.600 m2. NTLS Hương Điền (Phong Điền) là nghĩa trang lớn nhất của tỉnh khi có diện tích trên 22ha, được hình thành từ năm 1978, là nơi yên nghỉ của trên 3.560 liệt sĩ từ mọi miền đất nước đã hy sinh anh dũng trên chiến trường của các huyện Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà. Huyện Phong Điền đã đầu tư hàng chục tỷ đồng sửa chữa nâng cấp một số  hạng mục của NTLS Hương Điền, như xây nền vỏ mộ, công trình hồ sen, tháp chuông, trống, cổng tam quan… Ngoài các công trình lớn như đền liệt sĩ, NTLS huyện, còn có 8 nghĩa trang cấp xã với 1.308 mộ liệt sĩ được đầu tư xây dựng, sửa chữa chu đáo. Đây là những công trình tâm linh có ý nghĩa mang tính giáo dục cao.

Do khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên lũ, lụt, bão lớn và nắng nóng, lại có nghĩa trang nằm ở vùng trũng, thấp, mùa mưa thường bị ngập úng nên xuống cấp nhanh. Nhiều hạng mục bên trong các nghĩa trang như nhà bia tưởng niệm, ghi danh, nhà nhang khói, nền mộ đã và đang xuống cấp. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản trang còn thiếu bởi chủ yếu là kiêm nhiệm, nhất là đối với các NTLS cấp xã, phường, thị trấn và một số huyện. Mặt khác, chế độ đãi ngộ, phụ cấp đối với cán bộ quản trang chưa đảm bảo.

Toàn tỉnh hiện có 30 nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ ở các địa phương cần xây dựng, nâng cấp. Riêng năm 2017, có 17 nghĩa trang, nhà bia ghi danh ở các địa phương đề xuất xây dựng, nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí 18 tỷ đồng. Toàn tỉnh không còn vỏ mộ xuống cấp. Trong vòng 5 năm, nguồn kinh phí từ T.W, tỉnh bình quân từ 8 đến 10 tỷ đồng/năm cho công tác sửa chữa ở các nghĩa trang. Riêng năm 2017, kinh phí từ T.W phân bổ về các địa phương là 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều địa phương muốn nghĩa trang đẹp hơn đã xây mới bình phong, tháp chuông, làm bồn hoa, đường lát đá…Nhiều địa phương đề nghị ngân sách tu sửa nghĩa trang khoảng 300 triệu đồng nhưng trên thực tế, các nhà hảo tâm, người dân đóng góp trên 1 tỷ để xây dựng các hạng mục làm cho nghĩa trang khang trang hơn.

Trở lại vấn đề làm tốt công tác quản lý, tôn tạo hệ thống NTLS, nhà bia, đài tưởng niệm liệt sĩ trên địa bàn, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với chăm lo công tác tôn tạo, tu sửa các NTLS. Công tác tuyên truyền vận động các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp cần được đẩy mạnh để đảm bảo tạo nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa bền vững, đáp ứng một phần kinh phí trong việc hỗ trợ sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ.

Các địa phương ngoài việc quan tâm cho tôn tạo, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ cần giao trách nhiệm cụ thể cho đoàn thanh niên, trường học trên địa bàn tổ chức các hoạt động tu bổ, vệ sinh, chăm sóc hoa, cây cảnh, tạo khuôn viên xanh, sạch đẹp, tôn nghiêm trong NTLS, xứng đáng là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các anh hùng liệt sĩ.

 Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 14/3, tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top