ClockThứ Năm, 17/05/2018 13:00
BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN VÙNG ĐẦM PHÁ:

Cần sự phối hợp

TTH - Trong lúc người địa phương chấp hành pháp luật, thì người ở nơi khác lại đến sử dụng lưới lôi, lưới quét, khai thác rong câu bằng thuyền máy, cào hàu, cào lươn, xung điện (là những biện pháp đánh bắt bị cấm) càn quét trên đầm phá, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, ngư trường… Giải pháp nào giải quyết hữu hiệu vấn nạn nêu trên?

Bắt một đối tượng đánh bắt thủy sản bằng xung điệnĐánh bắt thủy sản bằng xung điện: Dai dẳng

Phương tiện vi phạm bị lực lượng chức năng tạm giữ

“Tố” quanh

“Trước đây cá tôm, lươn, hàu, rong câu trên đầm phá rất dồi dào. Do tình trạng đánh bắt gây tận diện nguồn lợi, hủy diệt ngư trường, số lượng các loài thủy sản hiếm hoi dần. Nhất là rong câu, khai thác bằng thủ công thì không sao chứ dùng thuyền máy “quét” hết lên, sau này muốn tìm trên thị trường e cũng khó. Cứ đà này, vài năm sau đầm phá chẳng còn gì...”- ông Trần Chớ, ngư dân ở xã Phú Diên bày tỏ lo lắng.

Ông Trần Hội, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Mỹ (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) trăn trở: Được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, người dân thôn Thanh Mỹ nói riêng và toàn bộ 7 thôn thuộc xã Phú Diên đã hoàn toàn “nói không” với việc đánh bắt bằng xung điện, lưới lôi, lưới quét, khai thác rong câu bằng thuyền máy… Thế nhưng, trong lúc người dân địa phương chấp hành, người ở nơi khác đến vi phạm hàng đêm. “Máy của họ công suất mạnh, thường là 13 CV, tốc độ chạy khoảng 30-40km/giờ. Trong lúc máy của ngư dân địa phương chỉ 6,5 CV, nên dù phát hiện cũng không đuổi kịp. Tình trạng vi phạm trên rất phức tạp, nguy hiểm. ”- ông Hội bức xúc. 

Ông Hoàng Trọng Đoài, Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho rằng, người dân địa phương chấp hành vận động, không sử dụng lưới lôi, lưới quét, xung điện để đánh bắt, khai thác. Những hộ trước đây khai thác rong câu bằng thuyền máy đã bán thuyền, chuyển đổi nghề nghiệp, song các đối tượng ở nhiều địa phương lân cận vẫn tới vi phạm. Lực lượng công an xã đã tăng cường kiểm tra, bắt, xử lý nhưng vấn nạn nêu trên vẫn tiếp diễn dai dẳng, khiến chính quyền và người dân địa phương lo lắng.

Ông Phan Minh Việt, Chủ tịch UBND xã Phú An cũng khẳng định, người dân trong xã thì không, nhưng người ở địa phương khác vẫn đến cào rau câu, cào lươn, rà điện. Công an xã tuần tra mật phục, bắt được một số trường hợp, đã tiến hành xử lý, xử phạt hành chính, tịch thu dụng cụ vi phạm. Tuy nhiên, hành vi vi phạm thường xảy ra vào ban đêm, trên địa bàn đầm phá chằng chịt sáo mùng; đối tượng vi phạm manh động nên rất khó kiểm soát.

Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý đồng bộ

Lãnh đạo một số xã vùng đầm phá thuộc địa bàn huyện Phú Lộc khẳng định, người dân trên địa bàn không khai thác trên đầm phá bằng các biện pháp bị cấm, mà chủ yếu là người từ nơi khác vi phạm. Việc khai thác lén lút vào tầm 1- 2 giờ sáng nên khó vây bắt, xử lý. Bởi vậy, các chi hội nghề cá của các xã kết hợp lực lượng công an thực hiện tuần tra, nhưng đa phần chỉ xua đuổi.

Sở dĩ có tình trạng người dân không dám vi phạm tại địa phương mình mà đến địa phương khác, bởi chính quyền sở tại siết chặt công tác quản lý, dễ nhận diện nên việc bắt và xử lý vi phạm sẽ dễ dàng hơn, người dân sinh sống trên địa bàn “không thể chạy trốn đi đâu được”. “Vậy nên cứ chạy quanh với nhau”- ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Phú Lộc, nhận xét về tồn tại tình trạng “vi phạm chéo”.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, năm 2015, đã xử lý 79 trường hợp vi phạm trên đầm phá với tổng số tiền là 147 triệu đồng; năm 2016 xử lý 82 trường hợp với tổng số tiền gần 295 triệu đồng; năm 2017 xử phạt tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. Đáng nói, tình trạng trạng người dân từ địa phương này di chuyển đến địa phương khác để vi phạm. Ví dụ: người ở Phú Lộc đến Vinh Hà (Phú Vang); người ở Hương Thủy đến Phú Đa (Phú Vang); người ở Phú Mỹ (Phú Vang) đến Phú Thuận (Phú Vang)...

Từ thực tế trên, việc phối hợp tuyên truyền, tuần tra xử lý chung giữa các địa phương là hết sức cần thiết, để người dân không chỉ chấp hành việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng nước nơi địa phương mình mà còn chấp hành tại các địa phương khác, góp phần bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản chung cho hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, vốn rất dồi dào, phong phú.

Ông Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng Pháp chế thanh tra Chi cục Thủy sản: 

Làm tốt công tác sinh kế

Hàng năm, lực lượng cán bộ Chi cục Thủy sản thực hiện từ 30 đến 35 chuyến tuần tra trên đầm phá theo kế hoạch. Muốn ngăn chặn, dẹp nạn lưới lôi, lưới quét, cần sự kết hợp, cộng đồng các lực lượng ở địa phương như công an, chi hội nghề cá, ngư dân. Chi hội trưởng (thủ lĩnh) phải hội tụ đủ cả hai yếu tố: đủ uy tín để người dân nghe theo, đủ sức khỏe, sẵn sàng bất cứ lúc nào “ra trận” ngăn chặn, đuổi bắt đối tượng vi phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Trước thực trạng “vi phạm chéo”, người từ địa phương này đến địa phương khác vi phạm, chứng tỏ, người dân chưa thực sự “thấm” sự tuyên truyền vận động. Họ không dám vi phạm ngay tại địa bàn sinh sống vì dễ bị cộng đồng phát hiện, bị chế tài, nên mới di chuyển ngư trường. Mặt khác, qua công tác thống kê nắm tình hình cho thấy gần 70% người sử dụng xung điện là người làm nông nghiệp (chứ không phải ngư nghiệp). Đa số họ thuộc diện nghèo. Vậy nên cần tăng cường sự vận động, tuyên truyền về chiều sâu. Có nghĩa bên cạnh tuyên truyền về pháp luật, để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, địa phương cần sâu sát, làm tốt vấn đề sinh kế.

Hiện, cơ quan có thẩm quyền đã giao khoảng 70% quyền sử dụng quản lý mặt nước cho cộng đồng. Họ đã có ý thức trân trọng nguồn tài nguyên, bảo vệ ngư trường. Ngư dân một số nơi góp tiền mua giống thả (như Vinh Hà thả 3 tạ cá kình vừa qua). Mô hình này cần được nhân rộng, để “nhân” nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên, đồng thời bồi đắp ý thức bảo vệ nguồn lợi cho người dân.

Thùy Chi (ghi)

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Không chủ quan với rét đậm, rét hại

Dự báo đợt rét đậm, rét hại có thể kéo dài “xuyên tết”, mấy ngày nay lực lượng cán bộ chăn nuôi-thú y đến tận cơ sở, hướng dẫn người dân chủ động bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm cho dịp Tết Cổ truyền.

Không chủ quan với rét đậm, rét hại
Return to top