ClockThứ Ba, 10/04/2012 11:34

Cần thiết và cấp bách

TTH - Với nhu cầu cần thiết, cấp bách trong công tác quản lý và cấp phép khai thác cát, sỏi xây dựng hiện nay, đòi hỏi UBND tỉnh cần có quy hoạch khai thác cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 30 bãi cát, sỏi đang được khai thác và tập trung chủ yếu ở sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Tả Trạch, sông Tà Rình... Việc quy hoạch, tổ chức khai thác, xây dựng định hướng phát triển và các giải pháp kiểm soát việc khai thác, vận chuyển tiêu thụ cát, sỏi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Để khắc phục tình trạng trên, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật để ngăn chặn việc khai thác trái phép, không phép...


Một sà lan khai thác cát sạn bằng cơ giới trên sông Hương bị lực lượng chức năng bắt giữ

Nhu cầu lớn-nguy cơ bất ổn tăng
 
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, ngành xây dựng có những bước tăng trưởng với tốc độ cao, kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng tăng nhanh; trong đó, có cát, sỏi xây dựng. Việc khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi phục vụ cho việc xây dựng mang lại nhiều lợi ích cho người dân và toàn xã hội. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đang diễn ra tự phát, không tuân theo công nghệ khai thác hợp lý dẫn đến việc tạo ra các bãi bồi, cồn nổi từ các vật liệu thải bỏ. Nhiều cá nhân, tổ chức tiến hành khai thác trái phép hoặc lợi dụng việc nạo vét, kết hợp tận thu để khai thác cát, sỏi đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở xói mòn bờ sông, đất đai canh tác, ảnh hưởng đến môi sinh môi trường hai bên bờ sông và các công trình trên sông, ven sông, đê, kè thuỷ lợi,... Các bãi tập kết cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh hình thành với số lượng khá lớn,  nhiều nhất là dọc hai bên bờ sông Hương. Những bãi tập kết cát sỏi đa phần không đủ điều kiện về sử dụng đất để kinh doanh bến bãi, không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, không có bản cam kết bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. Nhiều phương tiện khai thác cát, sỏi và vận tải không đăng ký, đăng kiểm, nhiều chủ phương tiện không có bằng lái nên tác động xấu đến trật tự xã hội và an toàn giao thông đường thuỷ. Việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép đã làm ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng và làm thất thu nguồn thuế của Nhà nước.
 
Thực tế, sản lượng khai thác và sử dụng cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đều tăng. Ước tính sản lượng sử dụng năm 2011 là hơn 1 triệu m3 cát và hơn 1,2 triệu m3 sỏi. Dự báo nhu cầu sử dụng cát, sỏi xây dựng trong những năm tới vẫn còn tăng cao với tỉ lệ tăng 4-5% theo từng năm. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, khi tỉnh ta tập trung thực hiện năm đô thị, xây dựng nông thôn mới... để đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì nhu cầu trên có thể tăng đến 7%/năm. Với nhu cầu nguồn cát, sỏi ngày một lớn làm gia tăng nhiều nguy cơ bất ổn về sạt lở, môi trường... 
 
 
Quy hoạch theo hướng bền vững
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao: Xét thấy nhu cầu cần thiết, cấp bách trong công tác quản lý và cấp phép khai thác cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức lập đề án “Quy hoạch khai thác cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Việc xây dựng quy hoạch nhằm đánh giá hiện trạng khai thác cát, sỏi; khảo sát, đánh giá trữ lượng cát, sỏi; dự báo nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật liệu xây dựng theo từng giai đoạn trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, lập phương án quy hoạch cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để phục vụ cho công tác quản lý, công tác cấp giấy phép khai thác; đảm bảo lập lại kỷ cương trong việc khai thác cát, sỏi. Đồng thời, xây dựng các giải pháp, biện pháp nhằm quản lý quy hoạch; đảm bảo khai thác nguồn cát, sỏi có hiệu quả; giảm thiểu ảnh hưởng tác động đến cảnh quan và môi trường, góp phần bảo vệ môi trường.
 
UBND tỉnh chỉ đạo: Công bố, theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch; cập nhật và điều chỉnh quy hoạch; ban hành quy định quản lý quy hoạch; cấp giấy phép khai thác cát, sỏi xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt; cấp giấy phép mở bến thủy nội địa cho các bãi tập kết có nhu cầu; cắm mốc các khu vực cấm khai thác cát, sỏi trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch và thực hiện nạo vét bến cảng, khơi thông luồng lạch, điều chỉnh dòng chảy hàng năm. UBND các huyện, các thị xã và TP Huế, UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác cát, sỏi theo quy định.
Theo đề án này, ngoài việc tăng cường quản lý Nhà nước, công tác quy hoạch còn chú trọng đến giải pháp bảo vệ môi trường, thiết bị công nghệ, giải pháp khai thác. Về môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức cá nhân khai thác trái phép không theo quy hoạch được phê duyệt, làm ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình vận chuyển, không thực hiện đúng những cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết môi trường. Trong đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp có khả năng tài chính, có thiết bị khai thác và vận chuyển tiên tiến, phương án khai thác và vận chuyển phù hợp, ít ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, thực hiện tốt việc lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký chất lượng môi trường, bản cam kết môi trường; ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định pháp luật; có phương án bảo vệ và những biện pháp phục hồi môi trường tốt nhất. Ngoài ra, đổi mới công nghệ và thiết bị khai thác phù hợp, giảm thiểu tiếng ồn và ô nhiễm môi trường; cải tiến khâu xúc, bốc, vận chuyển, giảm lượng xăng dầu rò rỉ nhằm giữ được môi trường trong sạch của lòng sông cũng như xung quanh. Quan tâm đầu tư phương tiện vận chuyển phù hợp để tránh gây ảnh hưởng xấu trong quá trình vận chuyển; áp dụng các quy định giảm thiểu tác động môi trường.
 
Đề án “Quy hoạch khai thác cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” được thông qua sẽ đáp ứng yêu cầu cấp thiết, đưa hoạt động khai thác tài nguyên cát, sỏi xây dựng đi vào nề nếp, tuân thủ các quy định của pháp luật, góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
 
Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024

Sáng 14/4, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tổ chức lễ khai mạc triển lãm và chấm thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh lần thứ XVII, năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng giáo viên, học sinh các đơn vị dự thi.

163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024
Nâng hạng chỉ số DTI

Những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số chuyển đổi số. Song năm 2023, qua rà soát, trong Bộ chỉ số chuyển đổi số có nhiều nhóm tiêu chí không đạt bền vững, do vậy cần những giải pháp căn cơ để chuyển đổi số trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng hạng chỉ số DTI
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Return to top