ClockThứ Năm, 17/08/2017 05:56

Cần thực sự đồng thuận

TTH - Nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 tại các trường tiểu học Lê Lợi, Vĩnh Ninh (TP. Huế) thắc mắc về khoản thu hỗ trợ tự nguyện và một số khoản thu khác đầu năm học 2017-2018. Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã tìm hiểu các bên liên quan.

Sinh hoạt ngoài trời tại Trường tiểu học Vĩnh Ninh

Theo ý kiến phụ huynh, học sinh lớp 1 trái tuyến vào học Trường tiểu học Vĩnh Ninh, phải đóng ít nhất 5 triệu đồng hỗ trợ tự nguyện. Ngoài ra, phụ huynh các cháu còn phải đóng các khoản tiền cơ sở vật chất (bán trú) 800 nghìn đồng, tiền áo quần đồng phục 175 nghìn đồng/1 bộ, tiền áo ấm 240 nghìn đồng/1 bộ, áo quần thể dục 140 nghìn đồng/1 bộ... Những khoản áo quần đồng phục nêu trên đều mua của nhà trường. Trường có chủ trương thay mới ti vi, chén bát (các cháu ăn bán trú), như vậy có lãng phí hay không?

Tương tự, Trường tiểu học Lê Lợi, các học sinh khối lớp 1 cả trong tuyến và ngoài tuyến đều phải đóng ít nhất 3 triệu đồng hỗ trợ tự nguyện; cộng với tiền để lắp đặt điều hòa, tiền cơ sở vật chất (bán trú), đồng phục… tổng cộng các khoản phải đóng khoảng 6 triệu đồng. Phụ huynh cho rằng, nói hỗ trợ tự nguyện nhưng với mức “sàn” như nêu trên thì có phải tự nguyện hay không và căn cứ vào văn bản quy định nào?

Căn cứ Công văn  6890

Theo lãnh đạo của các trường Vĩnh Ninh và Lê Lợi, việc thu các khoản hỗ trợ tự nguyện là căn cứ Công văn 6890 ngày 18/10/2010 của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) về việc hướng dẫn quản lý sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Bà Nguyễn Ngọc Minh Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh cho hay, năm học mới này là năm đầu tiên trường thực hiện dạy học 2 buổi/1 ngày đối với tất cả các khối toàn trường (trước đây khối lớp 4 chưa thực hiện). Nhưng nhà trường lại chưa đủ phòng học. Vậy nên giải pháp của trường là kêu gọi phụ huynh khối lớp 1 ủng hộ tự nguyện. Sau các phiên họp giữa cốt cán nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, nhà trường cùng ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng đề án cải tạo 1 phòng học và mua 30 ti vi. Sau đó hiệu trưởng nhà trường chủ trì và cùng trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh phổ biến đề án đến phụ huynh học sinh trái tuyến. Toàn thể phụ huynh đều nhất trí tự nguyện ủng hộ. Nhiều phụ huynh đề nghị đóng mức sàn là 5 triệu đồng, nhưng nhà trường không đồng ý. Đóng bao nhiêu là tùy khả năng, sự tự nguyện của mỗi người. Ban đại diện cha mẹ học sinh thu tiền này, đồng thời cũng là chủ đầu tư cải tạo, xây dựng và mua sắm (1 phòng học, 30 ti vi).

Về khoản tiền cơ sở vật chất, cuối năm vừa qua, trường họp với ban đại diện cha mẹ học sinh dự kiến nguồn thu, chi cho năm học 2017-2018, thống nhất thu. Vì năm nay là năm đầu tiên bán trú toàn trường, cần phải mua sắm các khoản như đóng bàn ghế bán trú, đóng thêm 30 giường ngủ bằng inox, 30 tủ, chiếu, chăn, gối…. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, đồ dùng phục vụ bữa ăn của các cháu được thay bằng khay ăn có nắp đậy. Đây là dịch vụ nên học sinh nào có đăng ký bán trú mới đóng khoản này. Các năm tiếp theo mức đóng sẽ giảm xuống. Về đồng phục, trường thống nhất mẫu mã, màu sắc, chất liệu... phụ huynh có thể tự mua sắm ngoài.

Tương tự, ông Đoàn Quý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi cho biết: Về khoản tiền hỗ trợ tự nguyện, nhà trường cũng căn cứ nội dung Công văn 6890 và quy trình thực hiện như Trường tiểu học Vĩnh Ninh, được sự nhất trí của phụ huynh. Mức đóng góp là tự nguyện, có người đóng cao, có người đóng thấp. Không có mức sàn 3 triệu đồng như ý kiến thắc mắc. Các khoản quỹ bán trú là để bổ sung cơ sở vật chất như ghế, chăn, màn, ấm chén. “Hai năm trước, phụ huynh đề xuất lắp đặt điều hòa. Ý kiến của nhà trường cho rằng lắp đặt đại trà rất khó. Nhưng phụ huynh vẫn đề xuất, do đó nhà trường nhất trí, đồng thời cho rằng phụ huynh có thể tự mua sắm (cố gắng mua theo mẫu 2 mã lực nhà trường đang có). Vậy nhưng phụ huynh nhờ nhà trường lắp đặt luôn”- ông Quý giải thích về khoản lắp đặt điều hòa...

Vấn đề còn lại

Ông Nguyễn Thuận, Phó Trưởng phòng Phòng GD&ĐT TP. Huế cho rằng, căn cứ văn bản liên ngành của Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, ngày 20/7/2015, tùy điều kiện cụ thể từng trường (như đã trình bày) thống nhất vận động tự nguyện (khi chưa có văn bản mới thay thế thì văn bản trước đó được áp dụng). Đây là kinh phí cần thiết đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu và phục vụ tốt việc dạy-học.

Như vậy, các khoản vận động tự nguyện nêu trên tại các trường tiểu học Vĩnh Ninh, Lê Lợi được thực hiện dựa trên căn cứ pháp lý là Công văn 6890 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, thực hiện đúng theo tinh thần của văn bản này và được phụ huynh nhất trí ủng hộ thể hiện qua các cuộc họp có biên bản, đồng thời có đầy đủ chữ ký của phụ huynh...

Các trường thu các khoản đóng góp tự nguyện theo tinh thần của Công văn 6890 là không sai, đúng quy  trình, có biên bản, có chữ ký của phụ huynh... Tuy  nhiên, vẫn có phụ huynh thắc mắc. Mặc dù, nhà trường và hội cha mẹ học sinh nêu quan điểm đóng góp trên tinh thần tự nguyện nhưng thực tế, phụ huynh không thể đóng quá thấp so với mặt bằng chung. Thực trạng này không chỉ tồn tại ở 2 trường đã phản ánh mà còn xảy ra ở một số trường khác. Trong điều kiện không ít trường hợp phụ huynh thu nhập còn khó khăn thì việc tiết kiệm trong đầu tư cơ sở vật chất để giảm bớt áp lực cho phụ huynh là cần thiết.

Việc quy định về mức trần tối đa cho việc đóng góp tự nguyện từ ngành chủ quản một cách hợp lý - theo chúng tôi - sẽ mang đến sự đồng thuận cho đa số phụ huynh, tạo cho họ một tâm lý thoải mái hơn. Tất nhiên, với những mạnh thường quân có tiềm lực, mong muốn chung tay với sự nghiệp giáo dục thì cũng là điều rất đáng được hoan nghênh, đón nhận.

Mục 4 Công văn 6890: Đối với việc vận động, đóng góp xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, các dụng cụ phục vụ học tập, sinh hoạt của học sinh:

Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học của các trường, một trong những giải pháp được các trường sử dụng là huy động nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân trường, nhà để xe, cổng trường, tường bao quanh,.. hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy - học. Giải pháp này chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sự ủng hộ, nhất trí trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp. Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật…

 

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo

Hưởng ứng thư kêu gọi của UBND tỉnh về việc, toàn dân thực hiện cuộc vận động giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và pháo thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã thu hồi nhiều loại súng, đầu đạn pháo, CCHT các loại; góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo
Return to top