ClockThứ Ba, 14/09/2010 20:03

Cần tiếp tục có biện pháp khắc phục nhằm giảm thiểu tiếng ồn

TTH - “Máy sấy lúa của Công ty cổ phần Giống cây trồng - Vật nuôi tỉnh (gọi tắt là Công ty) không qua kiểm tra của các cơ quan thẩm quyền khiến âm thanh lẫn khói bụi tuôn ra làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong khu tập thể (phía sau Công ty)”. Một lần nữa, Báo Thừa Thiên Huế nhận đơn của bà Hoàng Thị Hồng Quế (ở 14/126 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, Huế) tố cáo công ty này gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư.

“Giọt nước làm tràn ly” (!?)

 

Qua tìm hiểu kết quả kiểm tra của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của công ty, chúng tôi được biết, việc bà Hoàng Thị Hồng Quế tố cáo doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong công tác BVMT là có cơ sở và đúng thực tế. Bởi lẽ, quá trình hoạt động kinh doanh, tại trụ sở công ty phát sinh tiếng ồn chủ yếu do máy sấy lúa giống. Máy này chỉ hoạt động khoảng 30 ngày/năm và chia làm hai đợt theo mùa vụ. Khi vào mùa vụ, máy hoạt động 24/24 giờ, cụ thể: vụ Đông - Xuân khoảng từ ngày 25/4 đến 10/5 hàng năm và vụ Hè - Thu khoảng từ 24/7 đến 24/8 hàng năm. Tuy vậy, công ty đã vận hành máy sấy lúa giống (chạy theo dây chuyền) vượt tiêu chuẩn và quy chuẩn cho phép.

 

Ngày 13/8, Thanh tra Sở TN&MT phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT - Công an tỉnh), Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Kiểm định, Kiểm nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ) tiến hành đo đạc tiếng ồn phát sinh từ máy sấy lúa giống của Công ty. Theo kết quả thể hiện tại biên bản đo tiếng ồn lập vào lúc 17 giờ cùng ngày, mức độ tiếng ồn sau 22 giờ tại doanh nghiệp đều vượt tiêu chuẩn và quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, Thanh tra Sở TN&MT và Phòng CSMT không lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT đối với công ty, do tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp đã dừng sản xuất lúc 19 giờ 45 phút cùng ngày. Theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, công ty vận hành máy sấy lúa giống để đoàn đo đạc vào thời điểm sau 22 giờ cùng ngày, nhằm giúp doanh nghiệp có giải pháp giảm thiểu tiếng ồn trong quá trình sản xuất đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn cho phép.

 


Ông Lê Tâm - cán bộ Văn phòng Công ty - đang hướng dẫn các phóng viên báo, đài tận mắt chứng kiến những thiết bị của máy sấy đã được cải tiến.


Căn cứ vào kết quả đo đạc tiếng ồn nêu trên, ngày 17/8, Thanh tra Sở TN&MT và Phòng CSMT lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT đối với công ty về hành vi vận hành máy sấy lúa giống vượt tiêu chuẩn và quy chuẩn cho phép dưới 1,5 lần trong khoảng thời gian từ 6 đến 22 giờ. Việc này vi phạm khoản 1, điều 12 Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT. Do đó, ngày 20/8, Chánh Thanh tra Sở TN&MT ban hành Quyết định số 28/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính về BVMT đối với công ty với hình thức phạt chính: 3,5 triệu đồng; còn biện pháp khắc phục hậu quả: buộc trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt TCVN 5949:1998.

 

Để không tái diễn sai phạm

 

Như Báo Thừa Thiên Huế (số 4796 ra ngày 5/5/2010) từng đề cập, đầu tháng 11/2009, sau khi xem xét đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Tâm Thy (ở cùng khu tập thể với bà Hoàng Thị Hồng Quế) cũng như từ kết quả kiểm tra thực tế hoạt động máy sấy lúa của doanh nghiệp cho thấy: Hoạt động của cơ sở sản xuất phần nào gây ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, bụi và độ rung làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của 12 hộ liền kề. Do điều kiện thời tiết cũng như yêu cầu và tính chất thời vụ nông nghiệp gấp rút, trong thời gian ngắn, doanh nghiệp chưa thể khắc phục tiếng ồn. Sau đó, doanh nghiệp che chắn cơ sở sản xuất kín đáo hơn và di chuyển máy sấy lúa lùi xa khu dân cư, không hoạt động trong giờ nghỉ để BVMT. Tuy nhiên, nhằm cung ứng kịp thời giống lúa vụ Đông - Xuân cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, ngày 13/4, doanh nghiệp buộc phải cho máy hoạt động trở lại. Sau khi lắng nghe người dân phản ánh và cơ quan chức năng lên tiếng, doanh nghiệp dừng hẳn việc chạy máy buổi trưa. Song, do mất điện luân phiên, nên tranh thủ khi có điện, doanh nghiệp phải cho máy hoạt động quá 22h.

 

Trở lại công ty lần này, chúng tôi nhận thấy chủ cơ sở sản xuất đã chấm dứt hoạt động sấy lúa gây ô nhiễm môi trường xung quanh như đã cam kết với cơ quan chức năng trước đó. Ông Nguyễn Thanh Vũ - Phó Giám đốc Công ty - cho biết: Thời gian qua, doanh nghiệp ốp các vật liệu cách âm ở bờ tường, nhà máy sấy và cánh quạt, nên hiện tiếng ồn đã giảm bớt mức độ ảnh hưởng rất nhiều so với trước. Sau khi hoàn thành việc khắc phục tiếng ồn phát ra từ máy sấy lúa của công ty, ngày 23/6, doanh nghiệp tiến hành vận hành thử máy từ 8 đến 10 giờ sáng. Theo đề nghị của công ty, với tinh thần xây dựng và tình nghĩa láng giềng, đa số các hộ tham gia góp ý đều chấp nhận tiếng ồn phát ra từ máy sấy lúa của doanh nghiệp. Chỉ có hai ý kiến cho rằng: khi máy chạy có tải thì độ ồn và độ rung vẫn còn khá lớn, mong doanh nghiệp sắp xếp vận hành máy sấy lúa vào ban ngày nhiều hơn. Còn hai ý kiến vẫn bảo lưu và không chấp nhận (các bà Nguyễn Thị Tâm Thy và Hoàng Thị Hồng Quế), vì cho hay: Tiếng ồn được cải thiện rất thấp. Đề nghị doanh nghiệp tiếp tục có biện pháp khắc phục hiệu quả hơn... Sắp đến, doanh nghiệp hứa sẽ tiếp tục tăng cường biện pháp khắc phục, bằng cách dùng vật liệu cách âm cách nhiệt dán tường bao quanh và mái nhà. Doanh nghiệp đang lập bản cam kết đánh giá tác động môi trường trình Phòng TN&MT TP Huế thẩm định.

 

Với những nỗ lực không mệt mỏi của công ty, tại phiếu kết quả đo đạc tiếng ồn vào lúc 15 giờ 30 ngày 10/8 tại doanh nghiệp, ông Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Kiểm định, Kiểm nghiệm - nhận xét: Tiếng ồn ở các vị trí vào thời điểm khảo sát, đo đạc nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN 5949-1998. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, thời gian đến, chúng tôi vẫn đề nghị công ty tiếp tục có biện pháp khắc phục công tác BVMT nhằm giảm thiểu tiếng ồn theo tiêu chuẩn nói trên, để vấn đề này không trở thành mối quan tâm thường xuyên lớn đối với sức khỏe của người dân nơi đây, tránh ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của chính họ.

 

Bài, ảnh: Vĩnh Cự

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngấm ngầm mua bán trái phép hóa đơn

Dù ngành chức năng đã có những giải pháp để ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép hóa đơn (HĐ), nhưng vấn nạn này vẫn âm ỉ xảy ra trong đời sống xã hội.

Ngấm ngầm mua bán trái phép hóa đơn
DỰ ÁN KHU DU LỊCH SUỐI VOI:
Yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai

Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai các hạng mục công trình, chứng minh năng lực tài chính. Đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành giai đoạn 1, 2 đưa vào hoạt động trong năm 2024.

Yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai
XUNG QUANH VIỆC BÀ HOÀNG THỊ KIM ÁNH KHIẾU NẠI GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN ĐỂ QUÁ THỜI HẠN:
Vụ việc đang được Tòa án nhân dân TP. Huế thụ lý

Vừa qua, Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn khiếu nại của bà Hoàng Thị Kim Ánh (Căn hộ B-1107, tầng 11, chung cư The Manor Crown, Tố Hữu, Xuân Phú, TP. Huế) liên quan về việc giải quyết đơn thư tố cáo của công dân để quá thời hạn theo quy định của Luật Tố tụng hình sự.

Vụ việc đang được Tòa án nhân dân TP Huế thụ lý
Xung quanh việc chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Nguyễn Thị Minh Tâm với vợ chồng ông Nguyễn Đắc Quốc Nhật:
Nếu tranh chấp, có quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác

“Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa bà Nguyễn Thị Minh Tâm với vợ chồng ông Nguyễn Đắc Quốc Nhật là một quan hệ pháp luật tranh chấp khác, nếu có tranh chấp thì có quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự”. Đó là trả lời của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) TX. Hương Thủy - Mai Văn Phú tại Công văn số 04/CV-TA ngày 2/1/2024.

Nếu tranh chấp, có quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác
Return to top