ClockThứ Năm, 23/11/2017 05:56

Cần tri thức và tấm lòng

TTH - Dù đã có sự quan tâm chỉ đạo và nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị nhưng hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Thừa Thiên Huế đang có chiều hướng suy giảm.

 Khách du lịch xem Cửu đỉnh ở Đạị Nội. Ảnh: Thu Thủy

Tính đến tháng 9/2017, trên địa bàn tỉnh có 156 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Hệ thống đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) đoạn đi qua địa phận Thừa Thiên Huế cũng được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt (năm 2015).

Đưa vào danh mục bảo vệ

Trước khi Luật Di sản Văn hóa ban hành (năm 2001), thay cho Pháp lệnh Bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh (năm 1984), UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan tiến hành 2 đợt kiểm kê và đưa vào danh mục bảo vệ 188 công trình di tích có giá trị lịch sử, văn hóa. Sau khi được xếp hạng, căn cứ vào quy mô, tính chất, phạm vi ảnh hưởng, khả năng phát huy giá trị di tích, UBND tỉnh ban hành các quyết định phân công quản lý di tích.

Đã có 9 quyết định phân công cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý 156/156 di tích. Các quyết định phân công quản lý di tích nêu rõ trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, phối hợp quản lý và sử dụng di tích theo quy định của Luật Di sản Văn hóa và Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động thực hiện bảo tồn và tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích.

Năm 2014, hiện vật tại tất cả các di tích được xếp hạng được tiến hành kiểm kê. Đợt kiểm kê hiện vật đã đánh giá được bước đầu về thực trạng để đề xuất, định hướng những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo quản và giảm thiểu tối đa tình trạng hư hỏng, xuống cấp và thất thoát hiện vật tại di tích. Các di tích sau khi được công nhận xếp hạng đã được cắm mốc, lập hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thể hiện nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị di tích của các cấp, ngành liên quan.

Các di tích lịch sử văn hóa sau khi được xếp hạng đã được đầu tư một nguồn kinh phí đáng kể (từ chương trình, mục tiêu Quốc gia, ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa...) để tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp. Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo được trả lại tính nguyên trạng ban đầu, phát huy tốt giá trị, trong đó có hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khu di tích nhà đồng chí Nguyễn Chí Diểu, khu chứng tích Chín hầm, khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, làng cổ Phước Tích, chùa Thánh Duyên...

Tồn tại nhiều bất cập

Tại một số di tích, dù đã được phân cấp quản lý, nhưng trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn các di tích không được rõ ràng và thiếu sự phối hợp gữa các cơ quan quản lý chuyên môn, chính quyền địa phương với người sử dụng khai thác, dẫn đến khai thác bừa bãi, xây dựng trái phép, lấn chiếm hoặc bỏ mặc cho các di tích xuống cấp hư hỏng.

Nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo các di tích chưa được triển khai có hiệu quả. Ở một vài nơi, vẫn còn phổ biến trình trạng giao khoán, thậm chí được phó mặc cho những người quản lý, đầu tư tự sáng tạo theo ý mình trong trùng tu, tôn tạo. Việc lập các thủ tục xin chủ trương, thẩm định, phê duyệt dự án tu bổ di tích còn chồng chéo, gây lãng phí, mất nhiều thời gian. Công tác phát huy giá trị di tích còn tồn tại mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển kinh tế và yêu cầu của những nguyên tắc, cách thức bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Nhiều di tích bị lấn chiếm, cảnh quan bị biến dạng bởi việc chia xẻ đất đai để làm nhà, xây dựng bãi đỗ xe, công trình công cộng, xây nhà nhà cao tầng che khuất di tích... Tình trạng di tích sử dụng sai mục đích còn xảy ra.  

Việc khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa phục vụ phát triển du lịch được chú trọng. Tuy nhiên, tác động của điều kiện tự nhiên (thời tiết, khí hậu) và quá trình khai thác của con người trở thành mối nguy đe dọa sự xuống cấp của di tích, di vật. Nạn buôn bán, săn lùng cổ vật, bảo vật quốc gia ở Thừa Thiên Huế thực sự đang là mối quan ngại của các cơ quan chức năng, nạn ăn cắp cổ vật trong các đình, đền, chùa, miếu mạo đang có chiều hướng gia tăng. Hiểu biết về Luật Di sản văn hóa trong nhân dân còn hạn chế.

Hiệu lực, hiệu quả về công tác quản lý Nhà nước về văn hóa ở một số xã phường và lĩnh vực cụ thể chưa cao. Sự tách bạch giữa quản lý Nhà nước với hoạt động tác nghiệp chưa rõ, vẫn còn sự chồng chéo. Có lúc, có nơi còn biểu hiện buông lỏng quản lý. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh luôn đặt ra trong hoạt động quản lý. Vấn đề là bảo tồn và phát huy giá trị của di tích như thế nào để đạt hiệu quả và có tính bền vững; không làm xâm hại di tích, cảnh quan và môi trường trong di tích chính là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Thực tế trên đòi hỏi sự hoàn thiện, thống nhất về cơ chế phân công, phân cấp quản lý di tích; nguồn kinh phí và cơ chế định mức, các quy chuẩn về công tác bảo tồn di tích; cơ chế chính sách thu hút các nghệ nhân, các chuyên gia khoa học trong và ngoài nước đến làm việc và đóng góp cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa. Cần nghiên cứu cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý di tích lịch sử văn hóa hiện nay.

Cần có các chính sách hỗ trợ kinh phí và giúp đỡ, tạo điều kiện về chuyên môn cho người dân và các tổ chức cá nhân trong công tác tu bổ, tôn tạo các di tích thuộc sở hữu tư nhân phục vụ phát triển du lịch và bảo tồn. Có chính sách cụ thể về việc phân chia quyền lợi giữa tổ chức kinh doanh khai thác du lịch với chủ sở hữu di tích và các cộng đồng dân cư tại địa phương,  giáo dục ý thức bảo vệ di tích và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác di tích...

Ngô Minh Thuấn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Đu tiên Phú Gia trở lại

Một ngày cuối tháng Hai vừa qua, người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã đổ về sân Nhà văn hóa cùng tham gia lễ phục dựng trò chơi Đu Tiên và các trò chơi dân gian. Nhìn những ánh mắt rạng ngời dõi theo những vòng đu quay, mới nhận ra trong lòng họ đang ngập tràn hạnh phúc, bởi sau 25 năm, giờ trò đu tiên mới được phục dựng trên mảnh đất quê hương.

Đu tiên Phú Gia trở lại
KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BĐBP (3/3/1959-3/3/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN (3/3/1989-3/3/2024)
“Chìa khóa” phát huy sức mạnh biên phòng toàn dân

Rộn ràng những niềm vui, rạng rỡ những nụ cười, ấm áp những cái bắt tay thật chặt giữa bộ đội biên phòng (BĐBP) và người dân, đó là “bức tranh” đẹp đẽ trên 33 xã, phường, thị trấn biên giới, trong “Ngày hội Biên phòng toàn dân”.

“Chìa khóa” phát huy sức mạnh biên phòng toàn dân
Return to top