ClockThứ Năm, 07/07/2016 20:41

Cẩn trọng khi cho con học bơi

TTH - Mùa hè, các bậc phụ huynh thường đưa con đi bơi tại hồ bơi hoặc bãi biển. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, nếu không có sự theo dõi sát của người lớn sẽ có nhiều rủi ro.

Dạy bơi cho trẻ tại Trung tâm Thể thao dưới nước Thừa Thiên Huế. Ảnh: Lê Thọ

Từ việc chọn thầy

Trước tai nạn đuối nước, các phụ huynh kéo nhau đăng ký cho con học bơi. Tâm lý của nhiều trẻ là nhát nước, không dám xuống bể bơi nên nhiều người không ngần ngại bỏ tiền triệu để con học kèm. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được thầy dạy bơi đúng cách.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, TP. Huế, kể: Qua một người bạn, tôi biết có người nhận dạy bơi với mức phí 1,2 triệu đồng/khóa, đảm bảo, dạy đến khi biết bơi mới thôi. Tôi đăng ký cho hai con theo học. Ngày đầu tiên, thầy quán triệt: Phụ huynh về đi, tầm hơn 1 giờ sau quay lại đón, nếu chị ở lại thì đem cháu về luôn, tôi không dạy. Nói xong, mặt thầy lạnh tanh… Bụng dạ không yên nên tôi thập thò đứng đằng xa quan sát. Hai đứa trẻ bị thầy, vặn tay, vặn chân, lại bị quát mắng gay gắt nên cô con gái 8 tuổi phát khiếp, nằng nặc không chịu xuống hồ. Học được vài buổi, phương pháp dạy của thầy khiến tôi nghi ngờ. Tôi thấy hình như các cháu không biết thở đúng cách khi ở dưới nước, không biết  làm sao để nổi trên mặt nước. Tìm hiểu, tôi phát hiện thầy không phải là giáo viên dạy bơi chuyên nghiệp mà là công nhân cơ khí đang làm việc tại khu công nghiệp Phú Bài. Buổi chiều, thầy tranh thủ dạy bơi. Nghe xong tôi tá hỏa cho con nghỉ lập tức…

Trẻ tập bơi tại Trung tâm Thể thao dưới nước 

Quay trở lại việc không may học phải “thầy dổm”, nhiều người mới giật mình. Đa phần không ai tìm hiểu kỹ càng về người dạy, chỉ là qua sự giới thiệu quen biết. Họ không hề xem lý lịch trích ngang của người dạy để biết có phải là vận động viên bơi lội hoặc được đào tạo bài bản không. Thế nên, nhiều em biết bơi nhưng không đúng kỹ thuật khiến “tiền mất, tật mang”.

Bà Võ Thị Kim Khánh, Phó trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động Thương binh & Xã hội lý giải: Hàng năm, tỷ lệ trẻ chết đuối ở nông thôn nhiều hơn thành thị. Bởi, các em tuy biết bơi nhưng lại thiếu kỹ năng bơi, nhất là khi các em không được học bơi đến nơi đến chốn. Kỹ năng sống dưới nước cũng rất quan trọng đối với trẻ. Nếu biết cách nổi, nắm được các kỹ năng cơ bản để tồn tại trong nước, thì khi gặp rủi ro, thời gian nổi trên nước càng lâu, khả năng được cứu sống càng cao.

Để mắt đến trẻ 

Quan sát lớp học bơi ở một khách sạn, cô giáo dạy một lần cả 10 trò. Trong khi đó, buổi chiều hồ rất đông, cháu nào cũng na ná nhau, mặc áo quần bơi, đeo kính, đội mũ bơi nên giáo viên không kiểm soát được tất cả. Do tính hiếu động, mới học bơi được 3 hôm nhưng nhiều em đã lén giáo viên  bơi qua hồ người lớn với độ sâu trên 1,8 m. Chưa kể, một số trẻ không qua các khóa học bơi nhưng bố mẹ cứ nghĩ con mình bơi được và thả con hàng giờ ở các bể bơi để đi làm. Hồ bơi thường tụ tập nhiều trẻ em và chúng dễ dàng kết thân với nhau. Trong quá trình bơi cùng, chúng sẽ đùa giỡn hoặc thậm chí là tranh cãi, dẫn đến những hành động xô đẩy nhau. Sẽ rất nguy hiểm trẻ bị xô đẩy bất ngờ, mất thăng bằng, trẻ sẽ bị uống nước dẫn đến ngạt nước.

Có nhiều phụ huynh kéo con đi bơi cho bằng được, cứ nghĩ con sợ nên không xuống bể bơi. Nhiều trẻ có tâm lý lo lắng, cơ thể mệt mỏi, trong khi, phụ huynh quá nóng vội muốn con nhanh biết bơi nên làm đủ cách. Tại bể bơi ở khách sạn X., bà ngoại của cô bé 9 tuổi đã rất giận dữ khi bé không chịu bơi ở hồ sâu vì không có kính. Trước áp lực của bà, cô bé bơi được hai vòng, bỗng nhiên bị chuột rút. Những người tắm trong hồ đã kịp thời đưa cô bé lên bờ. Người lả đi, cô bé mếu máo “hôm nay con mệt mà bà cứ bắt con bơi”...

Thầy Nguyễn Hữu Tuấn, giáo viên dạy bơi, khuyến cáo: Tại các khu vực hồ bơi, thường xuyên có người theo dõi trẻ nên các vấn đề về an toàn đều bảo đảm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải để mắt thường xuyên, nhất là đối với những bé còn đang tập bơi hoặc chưa bơi nhuần nhuyễn. Nhiều khi vì sự hiếu động, tinh nghịch của trẻ, thậm chí do ham vui đùa với bạn bè, các em có thể tự gây tổn thương cho mình. Do vậy, nếu trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng tự bảo vệ thì các bậc phụ huynh không nên để con đi bơi mà không có sự giám sát của người lớn. Ngoài ra, cũng cần chú ý quan sát trạng thái sức khỏe, tâm lý của trẻ khi xuống nước. Những trẻ sợ nước phải luôn có người bên cạnh, và cũng không nên rời mắt với trẻ biết bơi để bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi học bơi ngày hè, phụ huynh nên đăng ký cho con học bơi ở các đơn vị uy tín, bể bơi có độ an toàn cao, có lực lượng cứu hộ, giáo viên chuyên nghiệp, với đầy đủ thiết bị cứu hộ. Với những trẻ còn nhỏ tuổi, phụ huynh không nên phó mặc cho người dạy mà nên đến lớp học để giám sát trẻ được cẩn thận hơn, tránh những tình huống bất trắc, nhất là ở những lớp học đông người.

Bài, ảnh: Huế Thu

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cẩn trọng với nhiều chiêu thức lừa đảo hiện nay

Nhiều chiêu thức lừa đảo của các đối tượng xấu đã được lực lượng chức năng cảnh báo đến người dân. Thế nhưng, vẫn có không ít người “sập bẫy” lừa đảo vì nhiều lý do khác nhau.

Cẩn trọng với nhiều chiêu thức lừa đảo hiện nay
Cẩn trọng trong trùng tu Điện Thái Hòa

Là công trình di tích nổi tiếng và quan trọng bậc nhất ở khu vực Hoàng cung Huế, việc trùng tu công trình điện Thái Hòa được tiến hành cẩn trọng.

Cẩn trọng trong trùng tu Điện Thái Hòa
Trải nghiệm thực tế, hoàn thiện kỹ năng

Giữa thời buổi công nghệ phát triển, việc tách con khỏi các thiết bị điện tử là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Do vậy, thu xếp thời gian và công việc để đưa con đến trải nghiệm thực tế tại các không gian mỹ thuật là việc được nhiều cha mẹ quan tâm.

Trải nghiệm thực tế, hoàn thiện kỹ năng
Trưởng thành hơn từ những sân chơi

Những sân chơi được tạo ra không chỉ dừng lại ở mặt tranh tài để đạt giải thưởng, mà đó là nơi để mỗi sinh viên rèn luyện các kỹ năng và trưởng thành hơn.

Trưởng thành hơn từ những sân chơi

TIN MỚI

Return to top