ClockThứ Bảy, 22/04/2017 14:37

Cẩn trọng khi vay nợ

TTH - “Lần sau bà vay mượn, nhớ phải cẩn thận trọng vấn đề giấy tờ. Đừng để bản thân lại rơi vào những trường hợp tương tự”. Đó là lời khuyên của vị thẩm phán sau khi kết thúc phiên tòa, khi bị đơn vẫn ngơ ngác cho rằng, mình vay tổng cộng có 9 triệu đồng, sao số tiền phải trả lại “biến” thành 50 triệu đồng...

Nguyên đơn khởi kiện cho rằng, bà có cho bị đơn mượn số tiền 50 triệu đồng. Hai bên đồng ý thỏa thuận, sau khi bị đơn bán rừng cao su, sẽ trả lại số tiền trên cho nguyên đơn. Tuy nhiên, bị đơn bán rừng cao su xong, tiền tiêu hết còn nợ không chịu trả. Nguyên đơn khiếu nại đến chính quyền địa phương, yêu cầu giải quyết. Tại buổi làm việc với chính quyền, bị đơn hẹn sẽ thanh toán. Nhưng đến hẹn, bị đơn vẫn không trả. Do đó nguyên đơn khởi kiện vụ án ra tòa, yêu cầu bị đơn phải trả lại khoản tiền 50 triệu đồng mình đã cho mượn, đồng thời phải thanh toán khoản lãi từ ngày mượn tiền cho đến ngày vụ án được đưa ra xét xử, là 10 triệu đồng.

Nhưng bị đơn lại trình bày: Vào năm 2011, bà có vay của nguyên đơn hai lần. Lần thứ nhất 6 triệu đồng, lần thứ hai 3 triệu đồng. Lãi suất là 60 ngàn/1 triệu đồng/ 1 tháng. Thời gian đầu, bà thanh toán đầy đủ tiền lãi. Nhưng đến đầu năm 2013, con trai bà gặp tai nạn. Tiền bạc dồn hết vào việc chạy chữa cho con, nên bị đơn không thể trả lãi và tiền gốc cho chủ nợ. Đầu năm 2015, nguyên đơn cộng luôn các khoản tiền lãi, rồi viết giấy nợ với số tiền 50 triệu đồng. Vậy nên, bị đơn chỉ thừa nhận bà nợ nguyên đơn số tiền vay ban đầu tổng cộng là 9 triệu đồng. Đồng thời, đồng ý trả lãi tương ứng với số tiền gốc ban đầu này. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, bị đơn không đưa ra được tài liệu chứng cứ gì để chứng minh số tiền vay ban đầu chỉ 9 triệu đồng như lời khai. Vậy nên, tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc bị đơn phải trả số tiền 50 triệu đồng cho nguyên đơn, cùng với lãi hơn 3 triệu đồng.

Không đồng ý với quyết định của cấp sơ thẩm, bị đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm, đồng thời gửi đơn tố cáo đến công an, tố cáo nguyên đơn là kẻ cho vay nặng lãi. TAND tỉnh phải tạm đình chỉ vụ án để đợi cơ quan công an điều tra làm rõ đơn tố cáo của bị đơn. Sau khi cơ quan điều tra có kết luận, nguyên đơn có cho vay lấy lãi, nhưng mức lãi suất nằm trong giới hạn cho phép của Nhà nước là không cao quá 10 lần so với ngân hàng. Vì vậy, nguyên đơn không có dấu hiệu vi phạm hình sự. Cấp phúc thẩm sau đó đã khôi phục vụ án và đưa ra xét xử.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn vẫn một mực khẳng định, không hề vay 50 triệu đồng, mà chỉ vay 2 lần tổng cộng là 9 triệu. Tòa: “2 lần vay đó, bà có giấy tờ gì không?”. Bị đơn bảo không có. Tòa lại hỏi giấy ghi nợ có phải bị đơn viết? Bị đơn lúc bảo phải, lúc lại bảo không; lại nói chữ là đúng do bà viết, nhưng nội dung không phải ý bà. “Tui nợ 9 triệu, nhưng con trai gặp nạn, không trả được tiền lãi, bà ấy cộng cả lãi cả gốc thành 50 triệu, rồi đọc cho tui viết. Mong tòa xem xét cho tui chỉ phải trả tiền gốc ban đầu”, bị đơn trình bày.

Trả lời câu hỏi của tòa về việc có trả tiền lãi lần nào không, bị đơn cho rằng, vay nợ năm 2011, lúc đầu có trả, sau đó không trả được. Đến năm 2013, số tiền vay từ 9 triệu đã đội lên 30 triệu. “Năm 2014, bà ấy lên đòi. Tui nói không có tiền, đợi thư thư rồi trả. Năm 2015, bà ấy đòi ráo riết hơn. Nên tui bảo để tui bán đất xong sẽ trả. Lúc tui bán đất, bán cây, bà ấy lại lên đòi, nhưng tui đã trả nợ hết, chẳng còn đồng nào. Tui nói đợi tui xoay tiền sẽ trả. Nhưng chưa kịp trả bà ấy đã đi kiện”.

Tòa hỏi nguyên đơn, có thể niệm tình hoàn cảnh khó khăn của bị đơn, mà không tính, hoặc giảm bớt tiền lãi hay không? Nhưng nguyên đơn không đồng ý.

Sau khi xem xét mọi chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các đương sự được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Tòa tuyên bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn số tiền 50 triệu đồng và 3 triệu đồng tiền lãi.

Phiên tòa kết thúc, nhưng bị đơn vẫn còn ngơ ngác: “Nợ có 9 triệu đồng, giờ lại phải trả đến 50 triệu đồng là răng?”. Vị thẩm phán nhắc nhở: “Lần sau bà vay mượn, nhớ phải cẩn thận trong vấn đề giấy tờ. Đừng để bản thân lại rơi vào những trường hợp tương tự”.

Đây cũng là lời nhắc nhở cho mọi công dân, cần thận trọng và tuân thủ pháp luật trong việc vay mượn tài sản, tránh những tranh chấp và thiệt hại, nguyên nhân do sự thiếu hiểu biết pháp luật dân sự.

DUY TRÍ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cẩn trọng với nhiều chiêu thức lừa đảo hiện nay

Nhiều chiêu thức lừa đảo của các đối tượng xấu đã được lực lượng chức năng cảnh báo đến người dân. Thế nhưng, vẫn có không ít người “sập bẫy” lừa đảo vì nhiều lý do khác nhau.

Cẩn trọng với nhiều chiêu thức lừa đảo hiện nay
Cẩn trọng trong trùng tu Điện Thái Hòa

Là công trình di tích nổi tiếng và quan trọng bậc nhất ở khu vực Hoàng cung Huế, việc trùng tu công trình điện Thái Hòa được tiến hành cẩn trọng.

Cẩn trọng trong trùng tu Điện Thái Hòa
Cẩn trọng khi tham gia giao thông vào mùa mưa

Điều kiện thời tiết mưa gió, đường trơn trượt, tầm nhìn bị hạn chế... luôn tiềm ẩn những yếu tố ảnh hưởng đến an toàn của các phương tiện khi tham gia giao thông.

Cẩn trọng khi tham gia giao thông vào mùa mưa
Cẩn trọng với chiêu thức lừa đảo “đáo hạn ngân hàng”

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện chiêu thức lừa đảo của những đối tượng nguyên là các cán bộ ngân hàng hoặc giả danh cán bộ ngân hàng. Đây là vấn đề không mới, nhưng người dân cần đặc biệt lưu ý, tránh “tiền mất, tật mang”.

Cẩn trọng với chiêu thức lừa đảo “đáo hạn ngân hàng”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top