ClockThứ Năm, 03/05/2012 14:02

Cánh cửa cài then đã đổi

TTH - Hơn mười năm trước, làm người ở Huế nghĩa là phải biết nhìn đồng hồ mỗi khi ra khỏi nhà vào buổi tối bởi một điều hết sức đơn giản rằng Huế nổi tiếng là thành phố đức hạnh, thường khép cửa nhà sớm như muốn gìn vàng giữ ngọc đến tận từng nét thời gian. Thời ấy, mỗi lần tiếp bạn bè phương xa đến Huế chơi, tôi đã phải bối rối vô ngần khi ngồi đãi đằng cùng bạn. Khách đến nhà không lẽ để khách về sau, mà ngồi lại thêm chút nữa thì e cánh cửa im lìm trong bóng đêm quở trách.

Huế quen với sự tĩnh mịch soi bóng của thành quách. Cho đến năm 2000, kì Festival đầu tiên, cả thành phố như bừng tỉnh. Một tuần lễ hội, thời gian của Huế như dài hơn bởi cái nhộn nhịp của không gian đường phố được mở rộng, thời gian được con người hào phóng nới thêm. Người Huế bắt đầu quen dần với những cuộc dạo đêm lâu hơn trong phố khuya.

Trước đây, khái niệm “đi đêm” của người Huế thường dành cho những người lao động phải đêm hôm lặn lội, thì bây giờ, những con phố về đêm bên cạnh bước chân của du khách còn có hình ảnh của những người dân Huế. Đều đặn hai năm một kỳ, ban đầu Festival đã đưa lại cho người dân một dư âm đáng nhớ qua mỗi mùa lễ hội, để đến bây giờ là cảm giác háo hức. Từ sự bị động ban đầu, giờ đây tôi bắt gặp ở họ một sự chuẩn bị ráo riết để đón đợi những ngày sắp đến.
 
Cũng từ những ngày lễ hội đó, người ta khám phá được nhiều góc khuất ẩn náu đâu đó trong thành phố xinh đẹp mà kín đáo này. Hằng ngày đi về qua quãng Đập Đá, tôi mơ hồ nghĩ về một thành phố khói sương lãng đãng, không ngờ một đêm nọ, bãi bồi đầy cỏ hoang lại có thể biến thành sân khấu lộng lẫy với những cô gái yểu điệu chèo thuyền càng tôn thêm vẻ đẹp lung linh đài đệ của đất Cố đô. Rồi cũng bất ngờ như vậy, một khu đất vắng lặng của góc vườn thượng uyển Cơ Hạ được vua Thiệu Trị cho xây vào năm 1843 chìm khuất trong lau lách qua âm thầm dâu bể bỗng chốc hiện lên sang trọng lịch lãm trong tiếng dương cầm nắn nót của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và tiếng hát liêu trai của Ánh Tuyết. Con đường ven sông Hương phía Chi Lăng trước đây vài năm um tùm cỏ dại và ệnh oạng tiếng ếch nhái giờ đây đã thong dong tình tứ hơn rất nhiều cho đôi lứa đi trong âm vọng của tiếng nhạc Trịnh Công Sơn, cũng là chủ nhân rất mới của cái biển tên đường này.
 
Ảnh: Internet
 
Sau mỗi kỳ lễ hội, người ta quen dần với sự xuất hiện của “người lạ” đồng thời cũng quen luôn với nếp thức khuya. Phố đêm Huế được mở ra như một sự đồng tình cho những bước chân ra khỏi nhà ban đêm của người Huế. Nếu trước đây, sự sống về đêm của thành phố chỉ tồn tại loanh quanh khu phố Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, đoạn trước khách sạn Century và chủ yếu dành cho khách du lịch nước ngoài thì bây giờ, không gian đêm mở rộng hơn nhiều lên đến dọc hai bờ sông Hương với khá nhiều điểm dừng chân hấp dẫn cho cả người nội thị. Huế có chỗ cho du khách ghé thăm và níu du khách qua đêm. Mỗi đêm một người khách ở lại thành phố cũng có nghĩa đem lại một công việc cho người dân nơi đây. Nghĩa là Huế đã biết đón nhận để nâng mình đi tới.
 
Đâu đó đọc trên báo, nghe trên đài người ta nói về sự thay đổi của thành phố qua mỗi kỳ lễ hội. Thỉnh thoảng qua phố thấy nhiều cửa hiệu sang trọng khai trương, nhiều khách sạn cao cấp mới mọc, biết được rằng thành phố đang ngày một nỗ lực làm mới mình, để trẻ lại từ nề nếp cũ. Đó là niềm vui của thành phố.
 
Còn với một người sống ở Huế bé nhỏ như mình, tôi mừng một nỗi mừng giản dị, rằng đến bây giờ, mỗi bận tiếp đón khách phương xa đã có thể ngồi thêm một đỗi vì cánh cổng cài then xưa cũ đã kịp đổi thành chiếc cổng tự động có thể mở khóa từ đằng xa.
 
Đông Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sách luôn là người bạn thân thiện

“Cho dù thế giới phát triển đến mức độ nào thì việc đọc sách vẫn có giá trị của riêng nó và khó mà thay thế. Bởi vì, đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng để định hình nhân cách và phát triển tư duy. Như lời Terfaut: "Một quyển sách có thể quyết định cuộc đời hay dở của một đứa trẻ’, ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam, người sáng lập Dự án “Làm bạn với sách” chia sẻ. Nói về ý tưởng hình thành dự án ý nghĩa này, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết:

Để sách luôn là người bạn thân thiện
Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top