ClockChủ Nhật, 20/11/2016 12:33

Cảnh cuối

TTH - Có gì đâu, người ta gặp nhau trong một đêm vượt rừng, người ta cùng nhau qua trận máy bay Mỹ oanh tạc. Chàng trai là bộ đội trinh sát, cô gái là thanh niên xung phong.

Ông đạo diễn tức giận ra mặt, giọng gay gắt:

- Thôi, cắt! Bỏ, bỏ hết!

- Cháu không diễn được. Tôi hờn dỗi. Cháu cũng không khóc nổi!

Vứt toẹt mấy cuốn truyện ngắn về chiến tranh xuống trước mặt tôi, đạo diễn nói như quát: Mai thứ bảy, ngày kia chủ nhật, thứ hai, thứ ba nữa, cô nghỉ, đọc thật kỹ mấy cuốn sách này đi. Cô nên nhớ cảnh ấy là chiến tranh, chiến tranh chứ không phải đi du lịch.

Tủi quá, hai hàng nước mắt cứ trào ra. Đã đành, “sinh nghề phải tử nghiệp”, nhưng với tôi “nghề” sao khắc nghiệt quá. Bình thường ông dịu dàng với tôi lắm cơ mà, lần này ông lại nổi nóng kinh khủng như vậy...

***

Thơ thẩn bước trên thảm cỏ, tôi tựa lưng vào gốc liễu già, thả mắt xa xăm. Mọi thứ sao cứ bỏ tôi mà đi? Giá như lúc này có anh bên cạnh, để tôi gục đầu lên vai anh mà thổn thức. Nhưng anh đang ở xa, anh đã đưa vợ anh đi TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh.  “Xa nhau nhé, anh....  Anh …”.

 Hôm ấy, nếu không oà khóc, chắc tôi đã quát lên: “Anh làm sao? Đồ hèn…”. Nhưng tôi đã không làm thế, bên anh, lúc nào tôi cũng như một bé gái ngoan, hiền và uỷ mị, có lẽ anh đã mềm lòng vì những điều ấy. Vậy là không để anh nói hết câu, tôi đã lấy tay mình bịt chặt miệng anh lại.

***

Đạo diễn đã nổi nóng vì những đúp phim quay đi, quay lại mà không đạt yêu cầu. Khốn khổ, nó là đoạn cuối của bộ phim mấy chục con người vất vả hàng tháng trời. Tệ thật, bao nhiêu cảnh lội suối, trèo đèo hay đau thương, khói lửa, thậm chí cả những cảnh phải khóc sướt mướt, tôi đều đã vượt qua, thế mà...

Có gì đâu, người ta gặp nhau trong một đêm vượt rừng, người ta cùng nhau qua trận máy bay Mỹ oanh tạc. Chàng trai là bộ đội trinh sát, cô gái là thanh niên xung phong. Chiến tranh khiến họ lạc mất nhau, lúc tìm lại được đã quá muộn... Có thế thôi, sao đến cái đoạn ấy, cái đoạn mà giây phút hạnh phúc nhất họ gặp lại ấy, lại không thể diễn được? Tại sao???. “Hay là khóc đi, nhưng phải bước lùi lại, nhìn cho kỹ vào, người đàn bà ấy đã lao ra ôm choàng lấy người yêu! Không thể như thế, người đàn bà ấy không thể lao ra được, người ấy bị thương tật, liệt hai chân cơ mà…”. Oà khóc ư? Không! Oan ức gì đâu mà oà khóc! Chị ta đã khóc bao nhiêu năm đến khô cạn cả nước mắt rồi!

Mọi lời động viện, giận dỗi, thậm chí cáu kỉnh của đạo diễn cứ trôi đi tuồn tuột. Không thể tiếp tục đến trường quay được nữa… Tôi nhớ anh cồn cào gan ruột. Xa anh hai tuần mà tôi cảm thấy như lâu lắm rồi.

***

 Hai mươi tuổi, tôi chưa bao giờ có cái cảm giác là lạ nào trước đàn ông. Vậy mà gặp anh, tôi đã không dám nhìn thẳng vào mặt anh nhưng thỉnh thoảng lại chớp mắt, thẹn thùng, lạ thế. Rõ ràng anh không đẹp trai, không giàu và cũng không còn trẻ. Anh là thầy của tôi.

Tiết học đầu tiên vào lớp, anh giới thiệu: “Tôi tên Vũ, được phân công dạy môn Lịch sử điện ảnh của lớp ta. Trong giờ của tôi, các anh chị phải thật thoải mái. Nếu thấy tiếp thu được thì ngồi nghe, còn nếu không muốn học cứ tự động đứng dậy xuống căng tin uống nước hoặc ra ngoài đọc sách, đi chơi tuỳ thích”.

Thầy dễ như vậy sao? Cả hai mươi đôi mắt nhìn thầy nghi hoặc. Dạo ấy trời rét, ai cũng đi giày mà thầy lại chân trần với xăng đan như mùa hè. (Mãi sau này tôi mới biết thầy không đi giày được vì gót chân bị thương). Một ông thầy cao ngất nghểu, cũ kỹ, thô kệch, suốt mùa đông chỉ có quần thô và áo khoác rộng thùng thình. Mới nhìn đã thấy “hắc xì dầu”.

- Ban cán sự, cho tôi danh sách lớp, tiết đầu tiên xin điểm danh để làm quen, chứ không có ý xúc phạm đến quyền tự do của mọi người.

Buổi học đầu tiên lớp chúng tôi đi học được hai phần ba. Cuối buổi nhìn lại không thấy thiếu ai trong số hai phần ba ấy. Buổi thứ hai có tiết của thầy, lớp chỉ vắng hai người vì bị ốm. Rồi đến buổi thứ ba trễ năm phút, hấp tấp, vội vàng thầy bước vào lớp trong khi cả lớp đang nhốn nháo hỏi nhau, dĩ nhiên không có ai mong thầy ốm để được nghỉ như các tiết học khác. Thầy vội phân trần: “Tôi xin lỗi cả lớp vì đến muộn mấy phút, chúng ta bắt đầu nhé”. Chúng tôi háo hức nuốt lấy từng lời của thầy.

 Kết thúc môn học, già nửa người đăng ký viết tiểu luận môn của thầy.

Thằng Hải “kều” ngồi bàn sau đặt trước mặt tôi một mảnh giấy bé bằng hai ngón tay: “Thầy nhìn Hương 21 lần”.  “Vớ vẩn, hỏi xem, thầy bao nhiêu tuổi?”. “No vấn đề”. Cả hai cái bút bi thi nhau “chát” trên giấy. Tôi viết: “Nhìn thầy như nông dân nổi dậy”. Mấy dãy bàn của bọn quỷ sứ chúng tôi chuyền tay nhau đọc và bịt miệng cười.

***

Sau này khi ngả đầu vào vai anh, tôi nũng nịu:

- Khiếp sao ngày ấy anh nhìn em ghê thế?

- Em có gương mặt giống cô gái cùng đơn vị với anh ngày xưa.

- Vậy là anh nhìn em vì thấy giống người khác.

“Thật mà, cô gái ấy có mái tóc dày và cũng để dài như em, nhưng cô ấy thường cặp gọn bằng chiếc cặp ba lá sáng lấp loáng. Những lúc ở lán hay ra đường cô ấy quấn lên đầu chiếc khăn mùi xoa tím sẫm, anh không để ý kỹ lắm.  Lán dã ngoại của anh cách lán của cô ấy một đoạn ngắn. Anh còn nhớ mãi, buổi chiều cuối mùa thu, trung đội của anh phải hành quân gấp. Anh đến để tạm biệt cô ấy. Gặp nhau ngay bên bờ suối, anh thấy cô ấy khóc. Không nỡ xâm phạm đến phút giây riêng tư hiếm hoi ấy, anh cũng đứng im nhìn xuống dòng suối. Một búi tóc đen nhánh bị mắc vào đám rễ cây chìa ra, búi tóc chập chờn dềnh lên, chìm xuống chỗ xoáy nước. Trũng xoáy ấy nuốt theo cả những chiếc lá cây úa vàng, những đoạn củi mục và những đám bọt vàng. Kỳ lạ vô cùng! Mọi thứ cứ cuốn đi mà cái búi tóc đen nhánh vẫn bồng bềnh, chợp chờn lên xuống không chịu cuốn theo… Nước dưới kia cứ thao thiết chảy. Anh nhìn  lên. Trời ơi! Không thể tin được, mới mấy tháng trước tóc cô ấy dài là thế, đen rậm là thế, giờ trơ cả da đầu. Đất, nước, khí hậu Trường Sơn khắc nghiệt quá. Cây lá um tùm còn con người lại tàn tạ, đầu tóc trọc lóc thế kia...”

***

Anh đi Sài Gòn. Những ngày ở trường quay, hình ảnh búi tóc đen nhánh mắc vào rễ cây rồi bồng bềnh trên xoáy nước và đôi mắt ngẩn ngơ của cô thanh niên xung phong luôn chập chờn trong đầu tôi. Có lúc tôi thấy mình trở thành người đàn bà ấy. Cũng có lúc, tôi lại thấy mình đang được gặp lại người tôi yêu ngày trở về.

Không thể chịu đựng nữa, tôi bấm máy và áp tai nghe, may mắn thay, sau mấy hồi chuông đổ là giọng của anh, trầm, khắc khoải nhưng kìm nén: “Hương! Vợ anh khoẻ nhiều rồi... Em vui chứ?”. Ôi  giời! Có gì mà vui? Trớ trêu quá, tôi đã nhớ anh muốn chết mà anh lại chỉ nói về sức khoẻ của vợ. Sao anh không nói là anh cũng nhớ tôi.  “Hải đâu?”. “Thôi! Đủ rồi”. Tôi dằn dỗi tắt máy và quyết định không thèm gặp anh nữa… Một tuần... Mười ngày… Không chịu nổi, tôi rủ Hải đến nhà anh. Cũng là lần đầu tiên tôi đến chốn này.

Hôm ấy là cuối thu, trời đã chớm lạnh, gió heo may thổi về từng đợt, những chùm hoa giấy  tím, đỏ, trắng,  hồng… loà xoà xuống lan can tầng hai che kín khung cửa sổ. Run rẩy, ngượng ngùng, tôi định bỏ chạy, nhưng Hải đã bấm chuông, phải mấy phút sau cánh cửa gỗ mới loạch xoạch mở:

- Thầy! Hải kêu lên.

Anh đấy ư? Suýt nữa tôi lao đến gục đầu vào vai anh. Nhưng tôi đã kịp kìm lòng, giữ cho cái tình cảm bồng bột của mình không bùng lên. Sau lưng anh một người đàn bà ngồi trên xe lăn ghì tay cố đẩy đẩy cái bánh xe, ngẩng đầu lên, mỉm cười. Mảnh mai, yếu ớt, những đường gân xanh mờ nổi lằn lên làn da trắng bợt. Nhưng khuôn mặt  rạng ngời và phúc hậu. Anh quay lại khẽ đẩy chiếc xe vào trong nhà, thì thầm: “Ngoài trời lạnh lắm em ạ!”.  Người đàn bà ngồi trên xe lăn lại mỉm cười e thẹn. Mọi cử chỉ của họ mới thân thương, gắn bó làm sao.

 - Ngồi xuống đi các em. Quay lại phía chiếc xe lăn, anh giới thiệu:

- Đây là vợ tôi. Hải biết rồi, còn Hương lần đầu đến nhỉ? Thế nào khoá luận đến đâu rồi?

Tôi nhìn anh mà nghẹn đắng cả lòng. Hải nói lấp liếm:

- Em đang cố gắng mấy buổi nữa, “tên” này cũng thế thầy ạ. Dạo này “hắn” bội thu lắm. Được mời diễn liên miên. À thầy, bao giờ thầy đến trường ạ?

- Tôi đi dậy từ đầu tuần, nhiều việc quá!

 Vậy là anh về từ tuần trước thế mà có thèm để ý đến mình tí nào đâu. Anh bảo, anh rất hạnh phúc. Hạnh phúc sao được khi bên cạnh anh là người vợ ốm yếu hai ống chân teo tóp thế này? Tôi cay cú nghĩ thầm và bấm Hải đứng dậy.

- Kìa Hương, uống nước đi em!

Anh đang nói ngay bên cạnh mà tôi thấy xa xôi như tự nơi nào vọng lại. Một tay anh túm lấy mớ tóc trên đỉnh đầu, tay kia anh xoa nhẹ lên một bên thành chiếc xe lăn. “Ngày trước anh bị một mảnh đạn sạt mất mảnh da đỉnh đầu, bây giờ những ngày trái gió trở trời chỗ ấy tê buốt. Anh cứ phải túm tóc gật mạnh mới đỡ, chắc học trò nó tưởng mình hay vuốt tóc làm điệu…”.

 Bất giác tôi lại nghĩ đến câu nói của anh và thấy lòng dịu lại chút ít. Nhưng ý nghĩ cay độc, trẻ con lại loé lên. Về thôi! Nếu Hải ngồi lỳ, tôi sẽ về một mình. Nhớ cái hôm ở quán cà phê, mặc cho tôi khóc lóc bắt anh phải trả lời thật lòng: “Tại sao anh luôn tránh mặt em?”. Lúc ấy anh cũng giơ hai tay lên ôm chặt đầu, nhìn đi nơi xa xăm nào đó, rồi im lặng, thở dài. Tôi đã bỏ anh ngồi lại. Chưa có một người đàn ông nào dám từ chối tình yêu của mình, vậy mà... Có chủ quan quá không Hương ơi? Không thể cắt nghĩa được tại sao tôi lại yêu một người đàn ông cũ kỹ, khắc khổ nhiều đến thế. Tiền? Không! Anh không có tiền. Tài năng ư? Chắc không phải, đã là thầy dưới con mắt của trò thì thầy nào mà chẳng tài. Danh vọng ư? Cũng không phải.  Vì cái gi? Chịu không thể hiểu nổi.

***

Tôi lại ra trường quay, phân cảnh “Ngày gặp lại” nếu không thành công chắc phải bỏ, hoặc là sửa kịch bản, hoặc thay người khác. Nỗi buồn đeo đẳng mấy ngày nay. Thôi cố một lần nữa rồi muốn ra sao thì ra.

- Chuẩn bị.

Ông đạo diễn hô thật to, quay lại, ông nói với Hương nho nhỏ:

- Bây giờ không theo kịch bản nữa. Cháu cứ diễn tự do theo cảm hứng.

Chỉ “dạ” một tiếng rất nhẹ khi đứng trước ống kính, tôi đang nhớ đến anh, nhớ cả người đàn bà trên xe lăn có hai ống chân buông thõng... Nước mắt tôi trào ra...

- Bắt đầu. Máy!

 Tiếng ông đạo diễn gần... xa ... chập chờn. Tôi thấy mình đang đứng trước anh. Không! Tôi đang ngồi bên người đàn bà liệt hai chân... Người đàn bà khóc... Trước mặt tôi là một người lính khoác ba lô đang chạy như bay về phía mình... Tôi không đứng dậy được, hai cánh tay chới với... Người đàn bà vẫn ngồi trên xe lăn, không hề nhúc nhích, người ấy nhìn người lính trở về trân trân như nhìn đi đâu xa lắm và từ từ ngả đầu ra phía sau. Người đàn bà liệt chân đã ngất lịm.

- Cắt! Tốt... Tốt lắm...- Tiếng ông đạo diễn khen, rồi tiếng mọi người ồ lên. “Tuyệt vời! Hay quá!”.

***

Cảnh quay đã xong từ lúc nào mà tôi vẫn gục đầu vào xe lăn nức nở.  Tôi vẫn diễn. Không! Không phải diễn. Tôi đang sống cuộc đời thực của người đàn bà bị liệt chân trở về sau chiến tranh.

VŨ MINH NGUYỆT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top