ClockThứ Tư, 23/01/2019 13:46

Canh gà Thọ Khương

TTH - Trong tương quan đẳng lập Tiếng chuông Thiên Mụ rất đỗi thiêng liêng thì canh gà Thọ Khương cũng phải bảo đảm giá trị tinh thần độc đáo tương tự. Từ đó, kiếm tìm trong nhiều nguồn tài liệu, chúng tôi nhận ra nhiều điều lý thú ở đồi Long Thọ - một vùng linh địa nằm cạnh Thành Lồi, đối diện chùa Thiên Mụ qua dòng Sông Hương. Đây là giá trị khởi nguồn, làm nền tảng quan trọng cho vấn đề phát triển du lịch tâm linh ở Huế từ trục thiêng Thiên Mụ - Long Thọ này.

Nhà máy vôi thủy Long Thọ năm 1927

Điểm đặc biệt bên dòng Sông Hương, đồi Long Thọ thực sự là một điểm thiêng nổi bật khi đóng vai trò Thiên quan địa trục (cửa trời trục đất) theo quan niệm phong thủy, tâm linh truyền thống, như ghi nhận của Đại Nam nhất thống chí. Từ đây qua gò Thiên Mụ, ngược lên trục Vọng Cảnh - Hòn Chén ở thượng nguồn là không gian nối kết, phân định miền Hương Ngự thành hai nửa: dương thịnh phía dưới và bên trên là một cõi đi về, gắn liền với những chùa chiền, lăng tẩm, mộ địa tự bao đời.

Trong một văn bản của bộ Lễ phúc cứu về Long Thọ cương ngày 13/3 năm Tự Đức thứ 23 đã khẳng định từ thời chúa Nguyễn, từng cho dựng trên gò một nhà thờ truyền thế, với 4 thần vị của các ngài Anh Tôn Hoàng Đế (Hiếu Nghĩa Hoàng đế Nguyễn Phúc Thái/Trăn), Hiển Tôn Hoàng Đế (Hiếu Minh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chu), Túc Tôn Hoàng Đế (Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chú) và Thế Tôn Hoàng Đế (Hiếu Vũ Hoàng đế Nguyễn Phúc Khoát). Ngoài ra, vài văn bản khác còn cho biết đây cũng là nơi quàn quan tài một số bậc tiên đế thời chúa Nguyễn, vua Nguyễn. Chính chất thiêng trọng yếu đó đã làm nên Thiên quan địa trục của hai gò linh địa, gắn liền tiếng chuông Thiên Mụ và canh gà Thọ Xương bởi tiếng gà gáy thông linh đêm - ngày, nối liền hai thế giới tục và thiêng, đời và đạo.

Một điều lạ là có lẽ trước đây, theo Đại Nam thực lục, đã từng có một xã Thọ Khương bởi theo lệ định năm Tân Dậu (1741) thì từ buổi quốc sơ, Đàng Trong cho thiết lập ở xứ Thuận Hóa 7 kho, tùy vào địa thế và được đặt theo tên của xã, để thu chứa tiền thóc và sản vật cho dân chở nộp được thuận tiện. Riêng vùng Huế có hai kho là kho Thọ Khương của huyện Phú Vang và kho Nguyệt Biều của huyện Hương Trà. Thậm chí đến năm Canh Ngọ (1810), triều đình còn cho lấy 48 người dân xã Nguyệt Biều để sung vào bốn đội Phú Thuận - lính coi kho Kinh (2002, tập 1, tr. 794).

Chính chức năng đó mà nơi này được gọi là Thọ Khương Thượng khố. Ở đây có thể liên tưởng tới chức vụ Đề lĩnh Thượng khố Đội trưởng của nhân vật Nguyễn Uyên - con trai Lãng Xuyên Hầu, Tả tướng quân Nguyễn Uông, con trai của Triệu tổ tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim (Liệt truyện). Sử sách ghi nhận ngày trước từng xây dựng nhà cửa làm chỗ cho các triều dạo chơi, sau bao cơn binh lửa thì trở nên hoang phế nên đến đầu thời Gia Long, đổi tên là Thọ Xương và thời Minh Mạng, lại đổi tên Long Thọ rồi dựng đình khắc bia ghi lại cảnh đẹp (tháng 7 nhuận/Giáp Thân - 1824) (Thực lục, 2006, tập 2, tr. 370).

 Bia Long Thọ cương

Đến đầu thời Gia Long, chức năng từ đường, miếu thờ các chúa Nguyễn ở chùa Thiên Mụ hay Long Thọ cương được tích hợp về Thái Tổ miếu, bên trong Kinh thành Huế nên ở khu vực này bắt đầu có sự biến chuyển. Cuối năm Canh Ngọ (1810), do nhu cầu kiến thiết Kinh đô, triều đình Huế cho lập tại Thọ Khương Thượng khố một xưởng gốm và gạch ngói, chuyên sản xuất ngói lưu ly các màu xanh vàng lục, theo phương thức chuyển giao công nghệ, kỹ thuật phương Bắc khi sai bang trưởng Quảng Đông là Hà Đạt Hòa thuê ba người thợ ngói ở Quảng Đông về dạy cho các cục thợ trong Nội theo đúng công thức, kỹ thuật, đến khi xong được hậu thưởng cho về (Thực lục, 2002, tập 1, tr. 801). Xưởng gốm Long Thọ đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng đương thời và về sau, hoạt động khó khăn dần, đến mức ngưng trệ. Mãi đến giữa năm Giáp Dần (1854), triều đình mới cho khởi động lại lò gạch ngói Long Thọ, cấp cho dân phu mỗi tháng 7 quan tiền, 1 phương gạo (2006, tập 7, tr. 322).

Theo Đại Nam thực lục đệ lục kỷ thì nhận thấy địa cuộc tốt đẹp đó mà từ năm Ất Hợi (1875), phía Pháp đã muốn xây dựng Tòa Khâm sứ tại gò Long Thọ nhưng vua Tự Đức bác bỏ bởi đó là cấm địa. Về sau, Tòa Khâm sứ gởi thư nói Bogaert (Bồ Kê, Bồ Ghè trong câu ca Nhất lúa Câu Khuyên, Nhì tiền Quản Lạc, Ba bạc Bồ Ghè - ba nhân vật nổi tiếng giàu có ở Huế đầu thế kỷ XX) xin nhận mua một khoảnh đất khoảng 25.000m2 ở gò Long Thọ, giáp xứ Lò Vôi, dựng nhà cửa để tránh tro bụi nhưng Cơ Mật viện vẫn không đồng ý bởi đó là thắng tích, cấm địa. Đến thời Thành Thái (1907), triều đình mới chuẩn cho Bogaert trưng thêm đất công ở dưới chân gò Long Thọ nhưng phải giữ nguyên vùng đã trồng tùng phía trên. Năm Duy Tân 3 (1909), Bogaert lại xin nhận thêm 19.888m2 đất, lập giao ước, chuẩn cho nhận trưng nhưng phải để trống 2m xung quanh tấm bia đá ở trên gò có khắc chữ “Long Thọ cương”, toàn bộ khu gò đồi cũng không được đào bới để giữ gìn thắng tích (Thực lục đệ lục kỷ phụ biên, Nxb. VHVN, 2011, tr. 474, 554).

Khảo sát hiện trạng, kiểm kê chi tiết các di tích, di vật và dấu tích nhằm từng bước tái hiện ngôi đình với bia đá Long Thọ cương, trong hệ sinh thái đặc trưng của nhiều cây thông, cây tùng, cũng như một bộ sưu tập, bảo tàng gốm, gạch, ngói Long Thọ từ thời Nguyễn cho tới thời Pháp... sẽ thiết thực khẳng định giá trị đặc biệt của một thắng tích, vùng cấm địa Long Thọ trong lịch sử. Từ đây, có thể xây dựng trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn cho Huế, gắn liền Thiên Mụ, Văn Thánh, Võ Thánh, Thành Lồi, Hàm Long, Nguyệt Biều, Vọng Cảnh, Hòn Chén, Cư Chánh...

Minh Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa -Kỳ 3: Xanh giữa trùng khơi

Quần đảo Trường Sa, vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc, trạm gác tiền tiêu bảo vệ đất nước. Trên những hòn đảo giữa trùng khơi ấy, màu xanh đang vươn lên, vững chắc yêu thương, niềm tin, sức mạnh.

Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa 
 -Kỳ 3 Xanh giữa trùng khơi
Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa - Kỳ 2: Điểm tựa nơi đầu sóng

Đồng hành, hỗ trợ ngư dân đi qua những tai ương, hiểm nguy, xây dựng niềm tin yêu, cán bộ chiến sĩ (CBCS) hải quân là điểm tựa vững chắc, để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế; chung tay làm “cột mốc sống” giữ gìn biển đảo Trường Sa, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa - Kỳ 2 Điểm tựa nơi đầu sóng
Thông tin doanh nghiệp
Mối tương quan giữa âm lịch và dương lịch

Hiện nay, mỗi khu vực trên thế giới đều có những cách tính thời gian khác nhau. Lịch âm, lịch dương và lịch âm dương là 3 loại lịch phổ biến được sử dụng trên mỗi quốc gia. Vậy âm lịch và dương lịch có sự tương quan như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cập nhật chi tiết cho bạn.

Mối tương quan giữa âm lịch và dương lịch
Nhiệm vụ thiêng liêng

Kỳ Đài - một trong những biểu tượng văn hóa của Cố đô Huế, một di tích kiến trúc thời Nguyễn, được xây dựng năm Gia Long thứ 6 (1807) ở vị trí chính giữa trên mặt nam của Kinh thành. Kỳ Đài gồm đài cờ và cột cờ, với tổng chiều cao khoảng 54m. Dưới triều Nguyễn, trong tất cả các dịp lễ tiết, chầu mừng, tuần du cho đến việc cấp báo đều có hiệu cờ. Ngày 23/8/1945, lần đầu tiên lá cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tung bay phấp phới trên đỉnh Kỳ Đài, báo hiệu sự chấm dứt của chế độ quân chủ.

Nhiệm vụ thiêng liêng
Return to top