ClockThứ Tư, 01/08/2018 08:20

Cảnh giác với cuộc "cách mạng màu”

TTH - Nói về vấn đề an ninh trật tự, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thực chất vụ việc vừa qua tại Bình Thuận là cuộc “cách mạng màu” ở Việt Nam.

“Cách mạng màu” là một biện pháp chiến lược thù địch, phản động nhằm áp đặt quan niệm, giá trị “dân chủ” kiểu phương Tây thông qua các thủ đoạn can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Đây là việc làm phản dân chủ, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của thời đại, xét trên mọi khía cạnh, nó chính là một bộ phận hợp thành của chiến lược “diễn biến hòa bình” của thời kỳ hậu “Chiến tranh lạnh”.

Cùng với “Diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu” là phương thức tiến hành các hoạt động, chủ yếu là phi vũ trang, phi quân sự, nhằm xóa bỏ chế độ XHCN trên phạm vi toàn thế giới, đưa các nước XHCN đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa; chống phá nền độc lập của các quốc gia, dân tộc, thiết lập một trật tự thế giới dưới sự chi phối của Mỹ và phương Tây.

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, làn sóng “cách mạng màu” diễn ra rầm rộ hơn, trở thành một trong những công cụ hữu hiệu của phương Tây, tác động lớn đối với ổn định chính trị của nhiều quốc gia. Một loạt các cuộc biểu tình đường phố nhằm lật đổ chế độ “tham nhũng” và “phi dân chủ” ở Gruzia, Ukraine và Kyrgyzstan, Liban, Belarus và mở ra cuộc bầu cử tổng thống mới.

“Cách mạng màu” đã được coi là đột phá dân chủ, làm thay đổi triệt để vai trò địa - chính trị của Liên Xô cũ. Gần đây, các cuộc “cách mạng sắc màu” vẫn tiếp tục được châm ngòi ở nhiều nơi trên thế giới, như khủng hoảng Ucraina (2014), Macedonia (2016), và bất ổn tại các nước Trung Đông, Bắc Phi và Venezuela hiện nay...

Trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch coi Việt Nam là trọng điểm thực hiện “cách mạng màu” nhằm xóa bỏ chế độ XHCN mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, hướng Việt Nam vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Chúng luôn tìm cách xuyên tạc, chống phá, bôi nhọ chế độ ta “mất dân chủ” và kêu gọi muốn có “dân chủ thực sự” cần thực hiện một cuộc “cách mạng sắc màu”. Đây là một luận điệu hết sức nguy hiểm. Bởi vậy, các cuộc “cách mạng màu” trong thời gian gần đây đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến chính trị, kinh tế, văn hóa - tư tưởng ở nước ta.

Đại hội XII của Đảng ta xác định, cần “chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”.

Để ngăn chặn những nguy cơ của “cách mạng màu”, cần phải nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh chống thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, và tệ nạn tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên. Chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, khắc phục kịp thời nguy cơ phân hóa, mâu thuẫn nội bộ, các biểu hiện suy thoái, phai nhạt lý tưởng. Đấu tranh và xử lý nghiêm minh các hành vi sai trái, lạm dụng chức quyền, tham nhũng, đi ngược lại lợi ích của Nhân dân. Phát hiện, vô hiệu hóa các phần tử cơ hội, phản bội trong tổ chức; bóc gỡ, vô hiệu hóa cơ sở nội gián trong nội bộ.

Mặt khác, cần kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội. Thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cần ngăn ngừa, giải quyết tình trạng “lợi ích nhóm” chi phối, hưởng lợi trong quá trình phát triển, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, Nhân dân.

Cùng với đó, cần tăng cường quản lý nhà nước với các dự án có nội dung nhạy cảm như tăng cường năng lực, dân chủ cơ sở, xây dựng và cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, “nâng cao năng lực đại biểu Quốc hội”, “nâng cao năng lực cán bộ địa phương”, “hỗ trợ Quy chế dân chủ cơ sở”, “chống tham nhũng”... Các cơ quan chức năng liên quan cần nâng cao năng lực tham mưu, dự báo, kịp thời phát hiện ý đồ triển khai hoạt động của các tổ chức tại Việt Nam có liên quan đến “cách mạng màu” để hạn chế mở rộng, tiếp nhận viện trợ, dự án của các tổ chức này. Đây là một vấn đề nhạy cảm, bởi không dễ dàng phân hóa các tổ chức này một cách rõ ràng, trong khi nó lan tỏa trong Nhân dân thông qua nhiều hình thức truyền thông và mạng xã hội.

Hiện nay, mạng xã hội, Internet là một trong những công cụ đắc lực cho các thế lực thù địch truyền bá, tập hợp lực lượng thông qua các nguồn tài trợ "đen". Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành chức năng và người dân để thường xuyên rà soát những hoạt động tuyên truyền, lũng đoạn thông tin của các thế lực thù địch.

Ở Thừa Thiên Huế, với đặc thù của vùng đất Cố đô các thế lực thù địch luôn tìm cách kích động, nhen nhóm cuộc "cách mạng màu”. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường công tác vận động quần chúng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, thanh niên, học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Với việc cài cắm, mua chuộc, nuôi dưỡng tầng lớp thanh niên, trí thức các thế lực thù địch và những phần tử đội lốt tôn giáo mong muốn sẽ “lợi dụng lòng yêu nước” của Nhân dân để tác động vào mọi cơ chế của hệ thống xã hội Việt Nam trên tất cả mọi mặt; nhằm dần thay đổi chế độ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước cũng như làm chệch hướng con đường phát triển của quê hương, đất nước.

Thuận Hóa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh giác lừa đảo bằng hình thức hoạt động trại hè

Chỉ thời gian ngắn nữa là đến kỳ nghỉ hè của các em học sinh. Lợi dụng dịp này, các đối tượng xấu đã “tung chiêu” lừa đảo mới bằng hình thức “tổ chức” đăng ký các hoạt động trại hè. Lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh lưu ý, các bậc phụ huynh cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh bị lừa.

Cảnh giác lừa đảo bằng hình thức hoạt động trại hè
Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Chiều tối 6/4, làm việc tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác tham quan cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế; thăm, tặng quà hai ca ghép tạng xuyên Việt mới đây đang được theo dõi sau phẫu thuật.

Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Return to top