ClockThứ Năm, 09/08/2018 06:15

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo xin việc làm

TTH - Liên tiếp thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh nhận được đơn tố cáo của hàng chục người dân liên quan đến các đối tượng có hành vi lừa đảo hứa xin việc làm để chiếm đoạt tài sản với số tiền vài trăm triệu đồng, thậm chí lên đến vài tỷ đồng. Đây là hồi chuông cảnh báo đến tất cả mọi người, đừng vì nhẹ dạ, cả tin dẫn đến hệ lụy “tiền mất, tật mang”.

Lừa xin việc làm rồi cưỡng hiếp, cướp tài sảnLừa xin việc làm của nhiều người chiếm đoạt nửa tỷ đồngLừa xin việcNhiều nạn nhân tiếp tục sập bẫy lừa xin việcNhiều nạn nhân sập bẫy lừa xin việc hơn tỉ đồng

Công an đọc lệnh bắt đối tượng Phan Thị Thùy Trang vì hành vi lừa đảo xin việc

Đi tù về cũng lừa

Lợi dụng mối quan hệ quen biết và nói dối là mình có khả năng xin được cho người khác vào làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế, Hoàng Trọng Huy (sinh năm 1984, trú tại phường Phước Vĩnh, TP. Huế) đã lừa, chiếm đoạt 200 triệu đồng của một gia đình ở vùng cao A Lưới để sử dụng vào mục đích cá nhân. 

Trước đó, Hoàng Trọng Huy từng bị pháp luật xử lý 30 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng cho hưởng án treo. Sau đó, Huy tiếp tục phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, nên cộng cả hai hình phạt chung là 10 năm, 6 tháng tù. Huy còn bị phạt hành chính vì hành vi xâm hại sức khỏe người khác và sử dụng trái phép chất ma túy. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, Huy lại tiếp tục phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” từ xin việc làm. 

Không có nghề nghiệp, nhưng với thủ đoạn gian dối và lợi dụng mối quan hệ quen biết của người thân, Phan Thị Thùy Trang (sinh năm 1982, trú tại phường Thuận Thành, TP. Huế) đã tung tin với mọi người rằng, mình có khả năng và điều kiện có thể nhận người vào làm việc tại một số cơ quan, đơn vị như: bệnh viện, trường học, kho bạc… trên địa bàn tỉnh để lừa đảo xin việc cho hàng chục người, với tổng số tiền lên đến hơn 2,5 tỷ đồng.

Tương tự, với Nguyễn Chiến Thắng (sinh năm 1982, cư trú tại đường Chi Lăng, phường Phú Cát, TP. Huế) không có nghề nghiệp, nhưng cũng đã lừa đảo xin việc cho nhiều người. Do muốn có tiền để trả nợ, đánh bạc cũng như tiêu xài cá nhân, Thắng đã dùng thủ đoạn gian dối giả vờ xin việc, đưa người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh. Tổng cộng Nguyễn Chiến Thắng đã chiếm đoạt của 22 người với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Đào Thị Mai Hường cho biết: “Đó là những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn với tang số phạm tội rất lớn, gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân, làm cho nhiều gia đình bị khánh kiệt, lâm vào cảnh khốn đốn, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Hành vi của Phan Thị Thùy Trang, Hoàng Trọng Huy, Nguyễn Chiến Thắng là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu về tài sản của người khác. Tùy theo tính chất, mức độ, những đối tượng này đã bị TAND tỉnh xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Đừng nhẹ dạ cả tin

Hầu hết các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng cách xin việc đều có tuổi đời khá trẻ. Tất cả đều lợi dụng mối quan hệ người thân hoặc tự bịa ra khi cho rằng có mối quen biết với những người có uy tín để tạo lòng tin với các bị hại. Tâm lý của những bị hại là muốn con em, người thân mình có việc làm ổn định trong các cơ quan Nhà nước, nên rất dễ bị mắc bẫy trước những lời ngon ngọt của các đối tượng.

Mới đây, tại hội nghị giao ban các cơ quan khối nội chính 6 tháng đầu năm 2018, vấn đề lừa đảo xin việc để chiếm đoạt tài sản đã được lãnh đạo TAND tỉnh báo cáo với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà cùng các sở, ngành liên quan.

Phó Chánh án TAND tỉnh La Minh Tường thông tin: “Lừa đảo xin việc làm là vấn đề báo động hiện nay. Từ đầu năm 2018 đến nay, TAND tỉnh đã thụ lý 9 vụ với 104 bị hại, tổng số tiền lên đến 24,6 tỷ đồng. Vấn đề này, chúng tôi cũng đã kiến nghị, đề xuất tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa rồi”.

Trước thông tin này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà chỉ đạo các ngành liên quan trong khối nội chính tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để tiếp tục bám, nắm, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng lòng tin, sự nhẹ dạ cả tin của người dân để lừa xin việc. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe những lời hứa ảo của các đối tượng, dẫn đến “tiền mất, tật mang”.

“Hiện TAND tỉnh đã và đang lĩnh hội thêm ý kiến của Hội đồng TAND Tối cao về một số vụ việc lừa đảo xin việc với số lượng bị hại đông, tang số phạm tội rất lớn. Mục đích nhằm làm rõ đồng phạm, người trung gian dẫn đến những vụ lừa đảo xin việc để tiếp tục đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật”, Chánh án TAND tỉnh Đào Thị Mai Hường cho biết.

Từ những “thương vụ” lừa đảo xin việc làm cho thấy, tùy theo ngành, vị trí công việc mà các đối tượng lừa đảo đẩy mức giá lên cao. Ít nhất là từ 70 triệu đồng đến 140 triệu đồng, 250 triệu đồng, cao nhất lên đến 480 triệu đồng/trường hợp.

Bài, ảnh: Phong Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cẩn trọng với nhiều chiêu thức lừa đảo hiện nay

Nhiều chiêu thức lừa đảo của các đối tượng xấu đã được lực lượng chức năng cảnh báo đến người dân. Thế nhưng, vẫn có không ít người “sập bẫy” lừa đảo vì nhiều lý do khác nhau.

Cẩn trọng với nhiều chiêu thức lừa đảo hiện nay
Cảnh giác lừa đảo bằng hình thức hoạt động trại hè

Chỉ thời gian ngắn nữa là đến kỳ nghỉ hè của các em học sinh. Lợi dụng dịp này, các đối tượng xấu đã “tung chiêu” lừa đảo mới bằng hình thức “tổ chức” đăng ký các hoạt động trại hè. Lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh lưu ý, các bậc phụ huynh cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh bị lừa.

Cảnh giác lừa đảo bằng hình thức hoạt động trại hè

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top