ClockThứ Ba, 04/12/2018 14:29

Cao học - thi đâu đậu đó

TTH - Lâu nay, thỉnh thoảng nghe địa phương này, địa phương kia ra quyết định không nhận bằng đại học tại chức thi tuyển vào các vị trí của chính quyền. Cứ mỗi lần như vậy là khơi lên những luồng tranh luận khác nhau, ai cũng nêu ra những cái lý của mình.

Công khai rao... học thuêĐại biểu quốc hội chỉ ra nhiều bất cập của mô hình Đại học 2 cấp

Lần này thì không cần tranh cãi nữa, vì đã được luật định. Với 84,12% số phiếu, Quốc hội trong kỳ họp mới đây đã bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo đó, tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra... của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau.

Thực ra, có sự phân biệt bằng cấp, là do cách nhìn nhận, đánh giá và phương thức tuyển dụng chứ không phải do bằng cấp. Nói đến tuyển dụng, có vẻ như ở hai khu vực công và tư có cách nhìn nhận trong cách tuyển dụng khác nhau. Khu vực công thì có vẻ “chuộng” bằng cấp.

Còn khu vực tư thì thiên về chất lượng làm việc thực tế.

Nhưng nguồn lao động luôn luôn có xu hướng chuyển dịch, không đứng yên và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao hơn, bất luận đó là khu vực công hay tư. Chính vì vậy, bằng cấp chỉ là một “tấm vé” để đi qua “cửa việc làm” còn chất lượng hoạt động thực tế mới là điều quan trọng. Xu hướng chuộng bằng cấp bây giờ cũng chuyển đổi, có vẻ như người học cũng đã nhận ra điều này.

Nếu có đủ điều kiện, có đủ năng lực thì họ có thể chọn học đại học, còn không thì họ chọn cách khác để vào đời, ví dụ như học nghề… thậm chí là tham gia ngay thị trường lao động. Cả trăm ngàn sinh viên ra trường không tìm nổi được việc làm đã cho người học có một cách nhìn nhận về tấm bằng đại học khác chăng?

Ở Huế, đợt tuyển sinh năm học vừa rồi, nhiều ngành đã “kêu” khó tuyển được người học. Điều này cũng đúng thôi vì nhu cầu của thị trường lao động đã có nhiều thay đổi. Có không ít khoa, số lượng sinh viên tương đương với số lượng giáo viên.

Theo thống kê, năm học 2018 - 2019, Đại học Huế tuyển được 8.643 sinh viên, chiếm tỷ lệ 68,52% so với chỉ tiêu đề ra. Và, người học bây giờ cũng trở nên “khó tính”, họ chọn nhiều nhất là những ngành mà thị trường lao động mở rộng, có nhiều cơ hội việc làm, chứ không phải học để cho có bằng. Điều này chúng ta có thể nhận thấy những ngành nào có cơ hội việc làm cả khu vực công và tư đều có nhiều người lựa chọn. Ví dụ như các trường thành viên có tỉ lệ thí sinh nhập học cao là: Đại học Ngoại ngữ đạt 102,34%; Đại học Kinh tế đạt 98,41%; Đại học Y Dược đạt 91,85%; Khoa Du lịch đạt 80,73% và Đại học Luật đạt 79,18% (theo Cục Thống kê Thừa Thiên Huế).

Trong khi hệ đại học tuyển sinh không được thuận lợi như những năm trước thì tuyển sinh cao học lại diễn ra hết sức thuận lợi. Có thể nói là “thi đâu đậu đó”. Nếu so với số lượng tuyển đại học thì số lượng cao học tuyển sinh được phải nói là rất cao. Con số của hai bậc học đó là: Đại học là hơn 8.600, còn cao học là hơn 2.120. Năm 2018, Đại học Huế mở 2 đợt tuyển sinh cao học ở 7 điểm trong cả nước. Giữa số học viên đăng ký và dự thi đạt gần 90%. Số thí sinh dự thi và thi đậu còn cao hơn nhiều. Con số thống kê cho biết, số thí sinh đăng ký dự thi là 2.411 thí sinh; số thí sinh đến dự thi là 2.159, đạt 89,5%. Số thí sinh học cao học tuyển được đợt 1 là 976, đạt tỷ lệ 98,8% và đợt 2 có 1.145 thí sinh trúng tuyển, đạt tỷ lệ 97,8%.

​Có vẻ như, thi cao học còn dễ hơn đại học rất nhiều. Nếu học thật, kiến thức là thật, hiệu suất lao động là thật… thì đây là một xu hướng đáng mừng về chất lượng nguồn nhân lực. Bằng không, tính “sính bằng cấp” được nâng lên ở tầm mức cao hơn. Hy vọng, chuyện thực chất nằm ở vế đầu.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top