ClockThứ Hai, 27/06/2016 13:45

Cắt giảm điều kiện kinh doanh trước giờ G: Nhận thức và hành động

Cải cách thể chế, cải cách hành chính đóng vai trò như mũi đột phá dẫn đường để vừa tạo thuận lợi, giảm chi phí và cũng là công cụ hữu hiệu nhất để phục hồi, phát triển trong tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp đang có nhiều dấu hiệu “xuống sức” những năm gần đây.

May sản phẩm túi xách xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận gần như tuyệt đối vì mục tiêu tạo xung lực mới cho doanh nghiệp chuyển mình, song để triển khai thi hành Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ phải ban hành hàng loạt Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trước thời điểm 1/7.

Để đưa hai đạo luật này thực sự đi vào cuộc sống, một đợt tổng rà xét các quy định pháp luật về kinh doanh, các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh đang diễn ra trong sự quan tâm đặc biệt không chỉ của các cơ quan quản lý mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp và xã hội trước giờ G.

Đổi mới tư duy để cứu doanh nghiệp

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật doanh nghiệp, ở Việt Nam đã có 941.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập.

Tính đến 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm hơn 54%), 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau (chiếm gần 46%). Điều đáng nói là khoảng một nửa số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể này diễn ra chỉ trong giai đoạn ba năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Quý 1 năm nay tiếp tục có gần 23.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước.

 

Là người đồng hành với các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhìn nhận: “Điểm đột phá lớn nhất trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này là đã ghi nhận quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực không cấm theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang rất cần động lực mới cho sự phát triển."

Luật Đầu tư lần này đã tổng hợp, thu gọn và quy định rõ danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện để doanh nghiệp, người dân chủ động lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh theo tiềm năng và lợi thế cạnh tranh sẵn có. Tất cả những ngành nghề luật không cấm, không hạn chế, doanh nghiệp, người dân được tự do đầu tư, kinh doanh.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - một trong những nhà kiến tạo của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, với tinh thần tạo thuận lợi nhất cho công cuộc đầu tư, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội, hai đạo luật mới được thiết lập trên nền tảng tiếp cận hoàn toàn mới thay vì phương pháp “chọn cho” như trước đây - nghĩa là cái gì “cho” thì ghi trong luật, thì phương pháp tiếp cận của luật lần này là “chọn bỏ” - nghĩa là cái gì cấm, hoặc hạn chế thì ghi trong luật.

Không chỉ đánh dấu một cầm cao mới trong công tác lập pháp, sự ra đời của hai đạo luật này thể hiện những sự thay đổi nhận thức rất mạnh mẽ của Chính phủ, Quốc hội, hay ở một góc nhìn rộng hơn, đây thực sự là một cuộc cách mạng về tư duy quản lý Nhà nước theo hướng tiến bộ và cởi mở hơn.

Tổng rà xét các quy định pháp luật về kinh doanh

Theo quy định của Luật Đầu tư, các bộ ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh và từ 1/7, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư của cấp Bộ sẽ hết hiệu lực thi hành. Như vậy, phải xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh để thay thế các thông tư hết hiệu lực. Một sức ép nặng nề trong công tác xây dựng thể chế đã lập tức xuất hiện đi kèm với những tư duy mới trong quản lý, điều hành.

Vận dụng tinh thần của Luật, các thủ tục hành chính gây cản trở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được nhận diện và từng bước loại bỏ. Theo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật có hiệu lực từ 1/7 và các văn bản thi hành Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp thì tổng số văn bản cần ban hành là 51 văn bản, số văn bản đã ban hành là 21, số văn bản còn phải ban hành là 30 văn bản.

Với gần 6.000 điều kiện kinh doanh, trong đó có tới một nửa sẽ không còn căn cứ pháp lý để tồn tại sau ngày 1/7 tới, đã có những ý kiến đề nghị Chính phủ xin lùi thời hạn đến sau 1/7, tiếp tục áp dụng các thông tư để có thêm thời gian xây dựng nghị định.

Tuy nhiên, với tinh thần quy chuẩn hóa một Chính phủ kiến tạo, phát triển và phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bằng mọi biện pháp phải hoàn thành công việc này trước ngày 1/7, đúng thời hạn giờ G, luật định.

Mặc dù khối lượng công việc rất lớn, song, chỉ đạo công tác này, Thủ tướng vẫn đặt yêu cầu cao nhất cho mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đã định hướng việc ban hành các văn bản hướng dẫn này phải gỡ bỏ được “rào cản” đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kiên quyết không để tình trạng lợi ích nhóm chi phối chính sách.

Đón bắt được nguy cơ hiện hữu do quá tải về hoàn thiện thể chế, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành phải đảm bảo chất lượng các văn bản luật, không chạy theo số lượng.

“Văn bản nào sau này ban hành mà có sai sót, phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị.

Doanh nghiệp là động lực tạo sức cạnh tranh của nền kinh tế

Quan điểm của Chính phủ sau khi được kiện toàn là phải tiếp tục tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, dựa trên đổi mới sáng tạo, nền tảng tri thức và công nghệ mà khu vực doanh nghiệp là cốt lõi; phải coi doanh nghiệp là nền tảng, là động lực tạo sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nghị quyết 19/CP của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, hay thường được gọi là Nghị quyết 19+ bởi tình thường xuyên, liên tục của chủ trương này đã xác định kỳ vọng của cải cách thể chế phải hướng tới mục tiêu: chất lượng thể chế của Việt Nam không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt, phải xếp vào nhóm bốn nước tiên tiến đứng đầu ASEAN (ASEAN4). Với kỳ vọng ấy, việc ban hành các nghị định hướng dẫn phục vụ cho thời điểm 1/7 cần được thực thi nghiêm túc, không thể chậm trễ, bởi chậm trễ ngày nào là cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân, cản trở sự phát triển của đất nước ngày đó. Đáng lo ngại hơn, nếu không ban hành kịp thời sẽ tạo “khoảng trống pháp lý” tác động rất lớn đến công tác quản lý điều hành, thực hiện các quyền con người, quyền công dân và môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông - Tổ phó Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư do Thủ tướng Chính phủ thành lập, trong kinh tế thị trường, phải đặt vấn đề thượng tôn pháp luật lên hàng đầu, quyền kinh doanh của doanh nghiệp phải được đảm bảo. Nếu pháp luật vẫn có những khoảng trống thì khi xảy ra sự cố thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành nào thì Bộ, ngành đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quan điểm của việc xây dựng các văn bản hướng dẫn lần này cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển giao các dịch vụ công từ cơ quan quản lý nhà nước sang cho các tổ chức xã hội và thị trường, để tập trung sức mạnh của nhà nước vào thực hiện chức năng nhà nước kiến tạo, nhà nước vận hành thể chế, nhà nước trọng tài để bảo đảm thị trường hoạt động một cách công bằng. Nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp bằng thể chế chứ không ôm việc, bao việc làm thay.

Tư tưởng lớn của Hiến pháp 2013 là quyền của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật, chứ không phải là pháp luật. Trên cơ sở đó, Luật Đầu tư kiên quyết bãi bỏ các điều kiện kinh doanh trái luật do chỉ được ban hành trong thông tư. Tuy nhiên, cần nhìn nhận mấu chốt của tiến trình thanh lọc văn bản này là không chỉ là làm cho đúng luật về thẩm quyền, mà cần phải mạnh dạn xóa bỏ bớt những ngành, nghề kinh doanh kèm theo yêu cầu về điều kiện kinh doanh đã được luật hóa, nhưng vi hiến, cản trở quyền tự do kinh doanh. Cần phải mở rộng quyền tự do kinh doanh theo đúng quy định của Hiến pháp thay vì khép kín thẩm quyền ban hành quy định quản lý đúng luật, mà bản chất là trói buộc kinh doanh chặt hơn.

Nên chăng, ngay cả sau khi ban hành các nghị định hướng dẫn, Chính phủ cần có cơ chế để cộng đồng các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan, tổ chức và nhân dân tăng cường giám sát, phản biện quá trình thực hiện các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, kịp thời phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, loại bỏ các quy định bất hợp lý, không phù hợp về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Và cuối cùng, vấn đề tất yếu và cũng là điều kiện không thể thiếu để thể chế tốt đem lại hiệu quả tốt, phát huy được tiềm năng chính là vấn đề con người, chất lượng cán bộ. Sẽ là rất lãng phí cho Nhà nước, thiệt thòi cho doanh nghiệp và xã hội nếu một thể chế tốt không thể phát huy chỉ bởi rào cản là trình độ năng lực, ý thức trách nhiệm kéo chậm sự phát triển của đất nước, đó cũng chính là ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp, lợi ích của quốc gia.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

TIN MỚI

Return to top