ClockThứ Sáu, 31/07/2015 14:54

Câu chuyện của những bàn tay, khối óc…

TTH - Tiết kiệm điện nhưng vẫn đảm bảo ánh sáng cho đường phố hay làm ra những sản phẩm để tiết kiệm chi phí, giúp công nhân vơi bớt nhọc nhằn… là “điểm nhấn” trong phong trào thi đua yêu nước của cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế (Hepco).

Xe gom rác có sức chứa lớn, vận hành nhẹ nhàng bằng bánh hơi do anh Lào cải tiến

Dám làm

Khi thành phố vào đêm, thay vì đèn vàng như trước, rất nhiều ngõ kiệt được chiếu sáng bởi ánh sáng trắng từ đèn led. Nhiều người dân cho biết, họ thích đèn led vì ánh sáng ấy “như ban ngày”. Nhưng với “lăng kính” của công ty, công dụng của đèn led còn tuyệt vời hơn bởi tiết kiệm điện năng, tiết kiệm chi phí cho ngân sách. Từ năm 2013 tại các đường kiệt, đèn led 30 oát, được đưa vào sử dụng thay đèn 70 oát, 100 oát (đèn vàng), tiết kiệm hơn 50% điện năng, nhưng cường độ ánh sáng vẫn đảm bảo.

Phó Tổng giám đốc Hepco Trần Trung Khánh cho biết, công ty là đơn vị đầu tiên trong cả nước đưa đèn led vào chiếu sáng công cộng, thay thế đèn có công suất cao, tiêu thụ nhiều điện năng. Nhưng làm người tiên phong nhất thiết phải có sự mạnh dạn, tìm hiểu để nghiên cứu áp dụng vào thực tế. Đó cũng chính là “câu chuyện” của quá trình chủ động tìm hiểu, ứng dụng lắp đặt các tủ điều khiển chiếu sáng tiết giảm điện năng.

Năm 2010, công ty lắp đặt trung tâm điều khiển và giám sát điện chiếu sáng (ĐCS), cho phép điều khiển, vận hành hệ thống ĐCS thành phố qua internet tại văn phòng công ty. Từ trung tâm, có thể đóng cắt điện nhanh chóng, kịp thời; giám sát liên tục hoạt động của hệ thống…, giúp nâng cao năng lực quản lý của công ty, công tác quy hoạch, đầu tư ĐCS trên địa bàn được thuận lợi… 

Theo ông Hùng Hữu Danh, Trưởng phòng Kỹ thuật công ty, trụ này có ưu điểm giống các bộ đim đèn (giảm sáng), tự động như biến áp. Thường từ 11 giờ đêm, mật độ đi lại lưu thông trên đường giảm. Để tiết kiệm điện, trước đây công ty sử dụng biện pháp tắt bớt bóng điện với hình thức cách quãng (do đó có chỗ sáng chỗ tối trên đường). Nay có tủ điều khiển, cường độ ánh sáng của đèn giảm xuống khoảng 30%, (theo giờ cài đặt tự động), giảm công suất tiêu thụ điện, nhưng vẫn đảm bảo sự đồng đều ánh sáng trên đường.

“Để có thể mạnh dạn ứng dụng nhiều công nghệ chiếu sáng công cộng mới như vậy, trước đó vào năm 2008, sau khi lãnh đạo công ty sang Malaysia “mục sở thị”, tìm hiểu và mang một số thiết bị về nước, cán bộ, công nhân kỹ thuật công ty đã thực hiện quá trình thử nghiệm, theo dõi, tính toán chặt chẽ, làm cơ sở để ban lãnh đạo quyết định đúng đắn. Điều đó thể hiện sự tập trung trí óc, tinh thần của cả một tập thể”, ông Khánh chia sẻ.

Điển hình

Hepco là đơn vị hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước, vỉa hè, hệ thống ĐCS và trang trí đường phố; thực hiện chức năng chủ đầu tư và quản lý dự án các công trình hạ tầng về vệ sinh môi trường, thoát nước, ĐCS…

Công ty thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua trong cán bộ, công nhân viên gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Nhiều sáng kiến, đề tài khoa học, việc làm hay được ứng dụng thành công vào thực tiễn sản xuất của đơn vị.

Điển hình của phong trào thi đua là những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Tổ trưởng Tổ cơ khí Xí nghiệp Cơ khí- Xây lắp Lê Quang Lào. Cái tên của người thợ cơ khí gò hàn bậc 7/7 gắn với các sáng kiến nâng cao năng suất, giảm thiểu sức lao động cho người công nhân, như: chuyển đổi thiết kế xe gom rác thủ công để xe chuyên dùng cuốn ép rác, cẩu đổ trực tiếp lên xe; chế tạo bộ cuốn thủy lực sản xuất khung xe gom rác, thay thế cách làm thủ công từ năng suất 2 khung/ngày lên 15 khung/ngày...

Từ những sáng kiến đó, các xe gom rác làm bằng thùng kẽm, vận hành nhẹ nhàng, tiết kiệm chi phí, tiện ích cho người lao động ra đời thay thế loại xe composit vận hành nặng, sức chứa thấp. Hay sau khi anh Lào chuyển đổi thiết kế, từ xe gom rác thủ công, rác được xe cơ giới chuyên dùng trực tiếp cẩu lên, “khai tử” việc xúc rác bằng tay công đoạn này. Công nhân thu gom rác vơi bớt nhọc nhằn. Nhiều năm trước, anh Lào đã có sáng kiến thay thế bánh đặc của xe thu gom rác thủ công bằng loại bánh hơi. Nhờ thiết kế mới nên dù loại xe này ở Huế có thể tích lớn gấp đôi so với những địa phương khác trên toàn quốc, nhưng vận hành nhẹ nhàng, tăng năng suất, giảm công sức cho người lao động. “Năm 2014 anh Lào và tập thể xí nghiệp đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy thủy lực dập thép tấm định hình để gia công các chi tiết cơ khí phục vụ sản xuất, sửa chữa xe máy của công ty, với chất lượng và năng suất cao hơn nhiều so với cách làm thủ công trước đây. Máy dập thép tấm định hình hiện nay trên thị trường thường phải nhập khẩu, giá thành cao, nay công ty tự nghiên cứu, chế tạo, có tính linh hoạt trong sản xuất cao hơn so với máy nhập, giảm chi phí đầu tư trên 400 triệu đồng” - ông Khánh đánh giá. Và những bước chân nhẹ hơn, vơi bớt nhọc nhằn của người công nhân chính là “lời đánh giá” đẹp nhất… 

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vé máy bay, tàu lửa “nóng dần” vào dịp lễ

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần nên nhu cầu đặt vé tàu lửa, máy bay để đi du lịch hay về quê hiện nay khá chộn rộn. Dịp lễ năm nay được nghỉ liên tục 5 ngày nên nhiều người có kế hoạch đặt mua vé sớm với hy vọng để “săn” vé giá rẻ.

Vé máy bay, tàu lửa “nóng dần” vào dịp lễ
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Return to top