ClockThứ Bảy, 22/07/2017 12:49

Câu chuyện đầu tư mối tương tác giữa chính quyền - doanh nghiệp

TTH - Để có môi trường đầu tư tốt, thuận lợi, thu hút được những nhà đầu tư lớn, ngoài điều kiện cần và đủ về tài nguyên, lợi thế, thái độ, chủ trương chính sách của cơ quan công quyền còn cần vai trò kết nối, hỗ trợ của doanh nghiệp (DN). Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Phan Thiên Định xung quanh vấn đề này:

Ông Phan Thiên Định. Ảnh: Phan Thành

Những nhà đầu tư đến Huế đánh giá vùng đất này có nhiều tiềm năng, lợi thế để kêu gọi đầu tư. Đó là điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư. Song, cũng cần nói thêm về điều kiện đủ, là cơ chế chính sách khi mà gần đây, tỉnh đã triển khai rất nhiều hoạt động để làm lành mạnh môi trường đầu tư, trong đó chú trọng đến cải cách hành chính và các công tác hỗ trợ DN.

Ông có thể nói rõ hơn?

Bất cứ DN nào, cần gặp để trao đổi, kiến nghị hoặc phản ánh tình hình đều được lãnh đạo tỉnh ưu tiên bố trí thời gian lắng nghe và chỉ đạo xử lý một cách kịp thời. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là hỗ trợ DN tối đa, tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN. Bên cạnh tổ công tác liên ngành hỗ trợ đầu tư vận hành khá năng động, giúp nhà đầu tư lo các thủ tục khi đến Huế, nhiều sở, ngành, địa phương cũng sẵn sàng vào cuộc nếu DN có yêu cầu…

Thế nhưng qua đánh giá PCI năm 2016, chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” lại xếp thứ 60/64 tỉnh, thành...

Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” năm 2016, bên cạnh những chỉ tiêu tăng điểm số như: cảm nhận của DN về thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân (tăng 4,6 điểm %), cảm nhận về việc có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành, tăng 1,48 điểm %, có những chỉ tiêu giảm như trì hoãn thực thi và xin ý kiến chỉ đạo và “không làm gì”: giảm 11,04 điểm %; lãnh đạo tỉnh có chủ trương chính sách đúng đắn nhưng chưa được thực thi tốt ở cấp huyện: giảm 6,47 điểm %.

“Cảm nhận” này của cộng đồng doanh nghiệp không mâu thuẫn với những điểm tôi đã trình bày. Nó phản ảnh rõ thêm những khó khăn, tồn tại mà chính quyền cần phải nỗ lực tháo gỡ, khắc phục.

Do đặc điểm địa chính trị, văn hóa, lịch sử, quá trình phát triển của Thừa Thiên Huế luôn gắn liền với việc cân nhắc giữa bảo tồn và phát triển. Rất nhiều chính sách phát triển chung của Trung ương khi áp dụng vào Thừa Thiên Huế lại bộc lộ những điểm chưa phù hợp, do đó phải mất rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết vướng mắc.

Có những việc liên quan đến quy hoạch đô thị, bảo tồn cảnh quan, di tích… hết sức nhạy cảm nên phải lấy ý kiến Nhân dân, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương hoặc phải tranh luận, thảo luận để tìm ra phương án hợp lòng dân nhất nên mất khá nhiều thời gian, dẫn đến “trì hoãn thực thi”.

Nhiều vướng mắc trong chính sách liên quan đến đặc thù của Thừa Thiên Huế đã được tỉnh kiến nghị nhiều lần với Trung ương nhưng vẫn chưa có giải pháp do liên quan đến quy định trong các luật, nghị định làm cho tiến trình đầu tư, kinh doanh của DN bị ảnh hưởng.

Công tác chấp hành, điều hành thực hiện các chủ trương, chính sách do tỉnh đề ra vẫn còn một số bất cập. Sự chủ động, sáng tạo của các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách lớn của UBND tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Tinh thần “Năm DN” vẫn còn chưa được triển khai thấm nhuần đến đều khắp các bộ phận của sở, ngành, địa phương.

Có cách nào để khắc phục vấn đề ông vừa nêu?

Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh xây dựng đề án về chính sách phát triển đô thị di sản Huế. Hy vọng đây sẽ là cơ hội để Trung ương cho phép tỉnh được hưởng một số cơ chế chính sách đặc thù nhằm thuận lợi hơn trong quá trình quản lý bảo tồn và phát triển Thừa Thiên Huế; đồng thời, cùng tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng DN.

Thắt chặt kỷ cương hành chính, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường thay đổi tinh thần thái độ phục vụ DN của đội ngũ cán bộ công chức các cấp, các ngành cũng là việc cần làm ngay để thay đổi “cảm nhận” của cộng đồng DN.

Liệu chừng đó đã đủ để có môi trường đầu tư tốt?

Tất nhiên là còn nhiều việc phải làm. Làm thế nào để có môi trường đầu tư tốt không phải là câu chuyện có thể thực thi trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, nếu có sự quyết tâm, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính quyền thì điều đó không có gì là không thể.

Chúng ta cần tiếp tục hoạch định những định hướng phát triển rõ ràng hơn, phân định các mục tiêu bảo tồn, phát triển cụ thể hơn để làm cơ sở cho việc kêu gọi đầu tư, thúc đẩy DN phát triển.

Điều ông nói có thể hiểu là liên quan đến vấn đề đầu tư sản phẩm du lịch trước hay đầu tư vào lữ hành để thu hút khách trước trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua?

Đúng thế! Với lĩnh vực du lịch xác định được thị trường, loại khách hàng tiềm năng và định hướng phát triển rõ ràng, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh riêng có của Huế là điều hết sức cần thiết để phát triển du lịch. Chính quyền không thể làm công việc thu hút khách hay đầu tư sản phẩm du lịch. Nhưng bằng một cam kết và định hướng phát triển đúng đắn, rõ ràng, các DN sẽ có niềm tin để cùng tham gia vào một sân chơi chung. Lúc đó, khách hay sản phẩm có trước hay sau đều không quan trọng; chính các DN sẽ kết nối để quyết định và chủ động cân đối điều đó. Ngược lại, nếu định hướng không rõ ràng, cam kết không mạnh mẽ thì các DN cũng không dám mạnh dạn đầu tư và chúng ta cũng không thể phát triển du lịch một cách bền vững như mong đợi.

Có người nói môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là việc của chính quyền. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Có nhiều người nhầm lẫn đánh giá của PCI với môi trường này. PCI hướng đến mục tiêu cụ thể là đánh giá năng lực quản trị, điều hành của chính quyền. Nhưng nếu đọc sâu vào phân tích các chỉ số thành phần, hướng đến chất lượng của môi trường đầu tư, kinh doanh ta sẽ thấy thấp thoáng trong đó bóng dáng của DN và các hiệp hội DN.

Rõ ràng là trong câu chuyện này, chính quyền đóng vai trò chủ động, có trách nhiệm định hướng và tạo ra hệ sinh thái cần thiết. Song, nếu DN không chung tay cùng chính quyền tạo ra áp lực để cải cách hành chính, DN không chung tay xây dựng các thiết chế hạ tầng cần thiết thì cho dù định hướng, chính sách của chính quyền có hay đến mấy cũng không tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh tốt.

DN ngày nay đang trong xu hướng đầu tư chuyên sâu và sử dụng chuỗi dịch vụ của nhau. Nếu địa phương không có những DN để làm đối tác cung cấp các dịch vụ tốt thì một nhà đầu tư mới sẽ rất khó khăn trong việc quyết định vào nơi đó.

Vậy cộng đồng DN đã thể hiện điều này như thế nào, thưa ông?

Thời gian gần đây, các hiệp hội DN, gồm cả DN trẻ và các hội nghề nghiệp khác đã khá mạnh dạn trong việc góp ý với cơ quan công quyền, lãnh đạo tỉnh về những điều tồn tại trong quá trình thực thi công vụ, như việc giải quyết các vấn đề liên quan, phát sinh cho DN còn chậm hay một số nơi cán bộ còn làm việc kiểu “hành chính”, chưa linh động… Nhờ những phản ánh này, tỉnh có cơ sở xử lý, nhắc nhở những cơ quan, cá nhân vi phạm để DN được hỗ trợ nhiều hơn.

Nhiều DN đã chủ động mời gọi DN từ các nơi khác đến Huế để cùng hợp tác đầu tư kinh doanh. Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, đây là dấu hiệu thay đổi rất đáng mừng cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Thừa Thiên Huế.

Có giải pháp nào khác để làm môi trường đầu tư tốt hơn và hạn chế những phàn nàn của DN về bộ máy công quyền?

Một số DN còn ngại phản ánh với cơ quan Nhà nước về những tồn tại đang có; thậm chí còn thỏa hiệp với những sai phạm nên chưa được phát hiện xử lý kịp thời.

Để khắc phục những tồn tại này, chúng tôi đang xây dựng hệ thống khảo sát mức độ hài lòng của DN đối với một số sở, ngành, bộ phận một cửa mà DN thường xuyên tiếp xúc. Từ kết quả này, đối chiếu với kết quả của VCCI, chúng tôi sẽ đề xuất tỉnh có giải pháp xử lý với những cơ quan làm chưa tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, gây khó cho DN nhằm giúp DN thuận lợi hơn khi tiếp cận với cơ quan Nhà nước cũng như nâng cao trách nhiệm của cán bộ các cơ quan liên quan.

Việc khảo sát mức độ hài lòng của DN có đem lại kết quả thực chất, khi mà DN chúng ta đa phần ngại “va chạm” với cơ quan công quyền?

Như đã nói ở trên, nếu gặp DN bị thu hồi dự án hoặc dự án triển khai gặp trục trặc chắc chắn sẽ không được đánh giá cao và ngược lại, với những DN triển khai dự án tốt, có thể sẽ đạt được mức điểm cao. Song, tôi cho rằng dù kết quả thế nào khi thực hiện khảo sát DN cũng đã hoàn toàn được tôn trọng và chủ động trong việc đánh giá, cho điểm mà không phải gặp bất cứ tác động nào.

Chúng tôi cũng không kỳ vọng sự đánh giá cao của DN dành cho bộ máy chính quyền, nếu bộ máy này chưa hoạt động tốt. Điều chúng tôi mong muốn là được lắng nghe, chia sẻ về những khó khăn, đánh giá đúng thực chất hoạt động của bộ máy để tìm cách khắc phục những tồn tại (nếu có) để phục vụ DN tốt hơn.

Ông vừa nói đến việc DN bị thu hồi dự án, nhất là mới đây HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương xem xét thu hồi 23 dự án trên địa bàn, liệu điều đó có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư?

Nếu nói không ảnh hưởng thì không đúng, chắc chắn là ít nhiều có ảnh hưởng, song với những dự án bị thu hồi đợt này tỉnh đã rà soát tất cả các căn cứ pháp lý, hoàn thiện đầy đủ các thủ tục và nhận thấy cần thiết phải thu hồi để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác có cơ hội đầu tư dự án mới.

Phải chăng những dự án thu hồi đó đa phần nguyên nhân xuất phát từ DN?

Hầu hết là do phía DN không triển khai dự án hoặc nhận thấy nếu triển khai sẽ không đem lại lợi ích như mong đợi nên dừng dự án quá thời hạn cho phép. Đối với các dự án này, tỉnh đã nhiều lần đốc thúc, gia hạn kể cả trừ thời gian phát sinh do vướng giải phóng mặt bằng, đền bù…, song nhà đầu tư vẫn không triển khai dự án nên buộc phải thu hồi. Biện pháp này là cần thiết để vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới như đã nói và còn thể hiện rõ thái độ cương quyết của chính quyền để loại trừ một số nhà đầu tư muốn chiếm dụng đất…

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tâm Huệ (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng
ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Return to top