ClockThứ Năm, 10/03/2011 04:53

Cây bạch tạng - Sắc lá thay màu hoa

TTH - Để tôn tạo cảnh quan, trang trí không gian sân vườn, công viên, dải phân cách đường lộ… ngoài việc chọn những loài cây có hình thái đẹp, người ta còn quan tâm đến sắc màu của nó. Ngoài việc chọn trồng nhiều loài cây trổ hoa với những gam màu khác nhau, người ta còn quan tâm đến gam màu của tán lá.

Trong tự nhiên, đa số cây xanh đều có lá màu xanh lục. màu này có thể thay đổi nhiều ít theo thời gian sinh trưởng và tùy loài cây. Bên cạnh màu lá phổ biến như thế, còn có một số loài mang lá trổ màu đặc trưng, từ vàng đến đỏ, thậm chí một số loài có lá nhiều màu. Với những loài có lá trổ màu thường thích ánh sáng toàn phần với cường độ chiếu sáng mạnh, thời gian chiếu sáng trong ngày dài, thích hợp với điều kiện nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Ở Việt Nam nói chung, Huế nói riêng, lâu nay những giống khác nhau của loài cô tòng, còn được gọi là lá nổ, tên khoa học là Codiaeum variegatum được trồng phổ biến từ lâu khắp các tiểu vùng sinh thái, từ núi cao đến đồng bằng, từ đồng bằng nội địa đến đồng bằng duyên hải, từ thành thị đến nông thôn. Trong khi những cây cô tòng khoe lá đủ màu thì một loài cây cảnh khác lại gây ấn tượng cho mọi người vì toàn bộ lá cùa nó có màu vàng trắng độc đáo, cây càng được chiếu sáng chừng nào, lá càng vàng chừng ấy, vàng đến nỗi như bạc trắng, do vậy người đời đã đặt cho nó cái tên “bạch tạng” hoặc “lá trắng”.

Bạch tạng là loài cây gỗ nhỏ phân cành nhiều, tán lá rộng; lá có phiến hình xoan thuôn dài đến 20 cm, mỏng, đỉnh thuôn nhọn, đáy hình nêm; hoa nhỏ, màu vàng trắng, mọc thành hoa tự chùm tụ tán ở đầu cành. Cây thuộc họ Vòi voi – Boraginaceae, với tên khoa học là Cordia latifolia, tên tiếng Anh là sebesten fruit.
Cây được trồng làm cảnh ngoài đất hay trong chậu, có thể cắt tỉa và uốn thế để tạo hình theo ý muốn khá dễ dàng. Nhiều nơi cây trồng thành hàng dày đặc để làm đường viền trang trí, làm hàng rào, làm điểm nhấn hay tạo cảnh cho không gian mở. Điều thú vị là, nếu chúng ta trồng bất kỳ một loài hoa nào đó thì nó cũng chỉ khoe sắc ở một vài thời điểm ngắn trong năm, nhưng trồng cây bạch tạng chúng ta sẽ có được một mảng màu vàng sáng để trang trí, để ngắm nhìn suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Cây có nguồn gốc ở miến Tây Ấn Độ với tên gọi theo tiếng Sankrit là selu hoặc bahuvara, dần dần được trồng rộng rãi ở vùng Nam Á và Trung Đông. Ở Việt Nam cây xuất hiện đầu tiên ở miền Nam, dần dần được giới thiệu trồng ở nhiều tỉnh miền Trung. Chúng tôi quan sát thấy, ở vùng đất khô nóng như Bình Thuận, Ninh Thuận… cây có lá rất vàng, nhưng ở các tỉnh từ Quảng Ngãi trở ra, lá cây có xu hướng ngã qua màu xanh nhiều hơn. Cây cũng chịu được gió biển, nhưng cành nhánh thường uốn theo chiều gió khiến cho tán cây bị lệch, trông như kiểu dáng thế bạt phong nhân tạo của một cây bonsai (ví dụ cây ở đường Trần Phú, Nha Trang chẳng hạn).
Ở Huế, có lẽ cây đầu tiên được trồng là cây ở tư thất ông Nguyễn Hữu Châu Phan, 18 Nguyễn Huệ, được Cụ Nguyễn Hữu Đính trồng từ khoảng năm 1963 với tên gọi là cây lá xanh, hiện nay cây vẫn còn nằm trước tiền sảnh với dáng thế uốn lượn hướng sáng đẹp mắt, nhưng màu lá không vàng trắng mà chỉ xanh vàng vì cây bị rợp bóng. Mãi cho tới năm bảy năm trở lại đây, cây mới được nhân rộng dần lên để trồng ở nhiều điểm công cộng, trang trí công viên, khách sạn. Một vài nghệ nhân trồng cây cảnh ở Huế cũng bắt đầu nhân giống bạch tạng bằng cách cắt cành để giâm tung ra thị trường.
Tôi nghĩ rằng, đây là một nguồn gen kỳ diệu thiên nhiên ban tặng cho chúng ta, biết tận dụng nó sẽ làm cho cảnh quan thêm sinh động, góp phần cải thiện đời sống tinh thần.
Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top