ClockChủ Nhật, 15/01/2017 06:38

Cây cảnh dạo phố

TTH - Mới những ngày đầu tháng Chạp, trên các đường phố, mọi người đã bắt gặp những người bán dạo bonsai, cây cảnh…

Cây cảnh bán dạo trên đường Bùi Thị Xuân

Mai Huế vẫn có chỗ

Ông Lê Văn H. ở xã Vinh Thanh (Phú Vang), người bán cây cảnh dạo trên đường Bùi Thị Xuân (TP. Huế) cho biết, nhu cầu chơi cây cảnh dịp Tết tăng lên so với trước. Khách hàng cũng kén chọn nên người bán phải bỏ công đi “săn” những cây cảnh có thế đẹp và độc từ Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa... sau đó về cắt tỉa, chăm sóc ở vườn nhà rồi đến dịp Tết là đưa lên phố bán.

Gần đây, người chơi cây cảnh có xu hướng thích những gốc ổi, khế, me, dương liễu, linh sam, cần thăng...với dáng bon sai có lớp vỏ bên ngoài xù xì, rêu phong và bộ rễ hình thù lạ, khi đặt ở phòng khách bắt sáng từ đèn điện rất đẹp.

Dẫu vậy, mai Huế vẫn là loại cây luôn được ưa chuộng. “Nhiều người bán lộc vừng, khế, ổi, sung, sam…nhưng tôi chỉ bán một loại là mai Huế. “Hàng” của tôi “săn” từ các vùng quê ven phá Tam Giang, sau đó cắt, tỉa, tạo dáng qua nhiều năm mới đưa ra thị trường”, anh Lê Văn C. (đường Hồ Đắc Di, TP. Huế) thổ lộ. Theo anh C, người Huế thích mai, đặc biệt mai Huế có hoa vào dịp tết. Ngày nay, dù thị trường cây cảnh đa dạng nhưng mai Huế vẫn giữ được chỗ đứng của mình. Vườn nhà anh C. nhỏ, nhưng năm nào cũng có từ 15-20 chậu mai để bán. Mỗi chậu mai của anh C. là một tác phẩm nghệ thuật được cắt, tỉa, uốn đủ các kiểu dáng, như bay, trực, thác đổ...với tuổi từ 10-15 năm; có nhiều chậu gần 20 năm nhưng chỉ cao không quá hai gang tay với giá từ 2-15 triệu đồng.

Cẩn thận khi chọn mua cây cảnh chưng tết

Nhớ lại việc mình bị lừa khi mua cây cảnh chưng Tết năm ngoái, chị Nguyễn Hồng Loan (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) cho hay, thấy người bán nhiều cây sung có trái rất đẹp nên mua 2 cây với giá 1,8 triệu đồng. Mua đúng ngày ông Táo chầu trời, đến sáng 30 Tết đã thấy lá và cuống trái khô teo. Khi chị lay nhẹ thân cây thì bật ra cái gốc to đùng được ghép dính với những cành sung nhỏ và những chùm trái rất tinh vi. Còn ông Lê Quang Vinh (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy), một người chơi cây cảnh thâm niên cho biết “tay nghề” của những người làm cây cảnh giả rất tinh vi, nếu quan sát không kỹ rất khó phát hiện. Cây đẹp mà giá rẻ chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 cây cùng loại thì người mua nên cảnh giác.

Theo những người chơi cây cảnh có kinh nghiệm, để nhận biết cây “không qua chỉnh sửa”, người mua nên ấn vào phần gốc cây, đồng thời nhìn lá non ở ngọn. Nếu lá héo từ trên xuống, ngọn không thẳng mà nghiêng ngả, chứng tỏ cây thiếu nước từ gốc. Đó chính là cây ghép từ cành thật với gốc giả. Đối với cây ghép, cần xem vết ghép đã liền hay chưa; nếu vết ghép chưa liền, cây khó sống. Một cây cảnh dù thuộc giống gì thì phải mất nhiều năm mới cho ra dáng đẹp, thế độc và cũng vì thế mà giá bán không hề thấp. Nếu người trồng không bán được giá trong dịp Tết này, họ sẽ để lại cho năm sau, không ai dại mà bán rẻ.

Theo ông Vinh, bây giờ nhiều người lạm dụng các loại phân bón, thuốc kích thích, tạo nhiều kỹ xảo làm hoa lá, thân cây tươi xanh, đẹp mắt nhưng khi mang về khoảng một hai tuần sau là có  vấn đề ngay. Khách hàng cần chọn những địa chỉ, những nhà vườn kinh doanh hoa, cây cảnh lâu năm, có uy tín để chọn mua cây cảnh có thể sử dụng dài lâu.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người thanh niên đưa “Chậu Huế đắp tay” vươn tầm cả nước

Với suy nghĩ “Cây quý phải đứng trong chậu đẹp”, Hoàng Công Toàn (SN 1992, trú thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) - một thanh niên sau khi tốt nghiệp ngành mỹ thuật và nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực cây cảnh nghệ thuật đã quyết tâm lập nghiệp bằng dự án “Chậu Huế đắp tay thủ công”.

Người thanh niên đưa “Chậu Huế đắp tay” vươn tầm cả nước

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top