ClockThứ Bảy, 20/07/2019 12:33

Cây phượng huyền thoại

TTH - Hè năm nay, các bạn cùng khóa hẹn nhau cùng về hội trường. Ra trường cách đây gần 30 năm, mỗi đứa lập nghiệp mỗi nơi. Đứa ở Vũng Tàu, đứa Sài Gòn, có đứa tận Đức…

Cầu Trường Tiền – 120 năm thăng trầm

Chuẩn bị cho ngày gặp mặt, điện thoại rung liên hồi. Bao nhiêu tin nhắn tới tấp ùa về cùng những kỷ niệm, những dự định.

Một món không thể thiếu trong ngày gặp mặt là áo dài. Bạn thì ưng màu tím, bạn thích màu hồng, bạn lại đề xuất màu đỏ. Cuối cùng, sau một tuần thảo luận, cô bạn lớp trưởng chốt: Áo chi cũng được, nhưng đã về Huế thì phải làm vài bộ ảnh áo dài.

Rồi cái ngày chờ đợi ấy cũng đến. Cô bạn lớp trưởng năng động ngày nào chọn cho cả lớp chỗ nghỉ homestay ở phố đi bộ Võ Thị Sáu. Ngôi nhà trọ ấm cúng nép mình trong con hẻm nhỏ có mấy cái giường tầng trông gần gũi như những chiếc giường tầng hồi chúng tôi trọ học ở cư xá Quốc Học.

Đêm ấy, cả bọn không ngủ. Các bạn ở Huế cũng “cắt cơm” nhà, vào ở chung cùng cả lớp. Tuổi học trò cứ thế ùa về, như thể hôm qua, dù ai nấy đã đi một quãng đường rất xa, từ những bàn chân quê lấm lem bùn ruộng, qua những phố xá, rồi về với mái tóc lốm đốm bạc… Mới hay, thế hệ những đứa trẻ vào chuyên văn thuở ấy đã giửi lại thành phố mơ mộng này cả tuổi thanh xuân.

Thức dậy lúc 4 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu “ show”  áo dài, cùng một tay máy chuyên nghiệp. Cầu Trường Tiền, đường đi bộ gỗ lim, Đại Nội, chùa Thiên Mụ… Một loạt những địa danh được lên chương trình. “Chi thì chi nhưng trước hết phải tới cầu Trường Tiền để chụp ảnh với cây  phượng huyền thoại”, người bạn về từ Đức đề xuất. Rời lớp khi chúng tôi vào lớp 9, bạn đi một mạch, bằng chiều dài hơn 35  năm, nay mới lần đầu về Huế.

Sao bạn biết ở cầu Trường Tiền có cây phượng huyền thoại? Bạn cười bảo: Thì nó đã quá nổi tiếng trên facebook rồi còn gì. Đến nỗi ai về Huế cũng phải đến đây chụp bằng được một bức ảnh. Nghe đâu, cây phượng có một nhánh dài sà xuống sông Hương đã bị cụt, vì ai đó vô tâm vặt đi…Bạn rành rẽ.

Sớm mai như thể cầu Trường Tiền đang ngái ngủ trong làn sương sớm mát lạnh. Bên chân cầu, cây phượng huyền thoại không biết đã đứng đó từ bao giờ, mảnh dẻ nghiêng những lá cành mảnh khảnh, dịu dàng xuống dòng Hương. Mùa này, cây phượng rực đỏ. Những chùm hoa rưng rức…Từ trên cầu, tôi hình dung, cây phượng như một thiếu nữ đang vươn mình vốc từ sông Hương một ngụm trong xanh. Và vết thương đã lành trên nhành cây khiếm khuyết đã được xoa dịu.  

Ai cũng trở nên thật hiền dịu, khi kéo tà áo, nghiêng chiếc nón bài thơ bên cây phượng ấy, để giữ lại  khoảnh khắc bồi hồi, cháy đỏ cùng sự trở về của thanh xuân.

Tôi chợt nhận ra, ngày ngày, rất nhiều khi, đã thờ ơ đi qua những năm tháng, đi qua những nhịp cầu, đi qua cây phượng già không tuổi in mình vào khoảng trời xanh của Huế.  

Hóa ra, ở thành phố xanh này, một cây phượng cũng đã là huyền thoại…

TIỂU MUỘI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh
Bộ hồ sơ quý “biểu tượng xứ Huế” hồi hương

Một bộ hồ sơ thiết kế cầu Trường Tiền vô cùng quý giá được một người phụ nữ Việt kiều Mỹ gốc Huế - bà Trương Thị Thanh Hương, “đấu giá” thành công và đưa về Huế. Những trang giấy dù đã úa màu thời gian nhưng những nét chữ, trang vẽ trên đó ít nhiều cho hậu thế biết thêm hình hài chiếc cầu làm nên biểu tượng cho xứ Huế.

Bộ hồ sơ quý “biểu tượng xứ Huế” hồi hương
Để tâm hồn nhẹ nhàng như sông Hương

Nhiều du khách một lần đến Huế rồi trót thương Huế bởi Cố đô giờ “thay da nhưng không đổi thịt”. Giữa sự phát triển của một mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, cái bình yên của miền Hương Ngự còn đó đang chữa lành hoặc ít nhất làm gác lại những lo âu, trăn trở mà cuộc sống lỡ dúi vào tay người.

Để tâm hồn nhẹ nhàng như sông Hương
Return to top