ClockThứ Hai, 26/07/2010 17:52

Cây Thông ở Huế

TTH - Thông là một tên gọi rất quen thuộc với người Huế. Qua quá trình xây dựng và phát triển đô thị, có quá nhiều hoạt động cộng đồng gắn liền với cây thông. Mỗi khi giới thiệu lịch sử triều Nguyễn, nói đến những di tích văn hóa - lịch sử của quần thể di tích cố đô Huế, người ta không quên câu "Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng, Ngó về Xã Tắc hai hàng mù u".

Nhắc đến cảnh quan du lịch, điểm qua các danh lam thắng cảnh của Huế, ít ai mà không nhớ rừng thông Thiên An, đồi thông Minh Mạng... Trong công cuộc phủ xanh đất trống đồi núi trọc cho đến trồng rừng kinh tế ở Thừa Thiên Huế, cây thông là một đối tượng đồng hành với một số loài cây nhập nội trong tập đoàn bạch đàn (Eucalyptus spp.), keo (Acacia spp.). Nhìn một cách tổng quát, thông hiện diện ở đất Thừa Thiên Huế hầu như khắp các nẻo địa hình, từ núi cao trên dưới ngàn mét đến vùng cát ven biển, nội đồng; từ huyện cực Bắc Phong Điền đến huyện cực Nam Phú Lộc; từ những xã ven biển thuộc các huyện đồng bằng đến huyện miền núi A Lưới, Nam Đông... hầu như đâu đâu cũng có bóng thông ẩn hiện.

Thông đã đi vào lòng người xứ Huế không chỉ bằng những cánh rừng thông bát ngát, vườn thông Đàn Nam Giao, cũng không chỉ là những hình ảnh cây thông trong lễ Giáng sinh hàng năm, dầu thông trong trang trí nội thất, mỹ thuật, nhựa thông trong y học... mà còn bằng hình ảnh cây thông cổ thụ uốn mình đẹp mắt ở Thế Miếu được trồng từ thời Minh Mạng, hoặc bằng những bức tranh thủy mặc quen thuộc, bằng những truyện cổ, tác phẩm văn học, bằng những câu thơ bất hủ. Chẳng hạn như "Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo" của Nguyễn Công Trứ, tác phẩm "Phấn thông vàng" của Thế Lữ...
 
Cây thông ở Huế
 
Thông cũng đã từng đi vào cuộc sống dân gian xứ Huế qua nhiều tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ thông được trưng bày đây đó, qua nhiều bao bì vận chuyển hàng hóa, nhiều đồ gia dụng bằng gỗ thông... cho đến hình ảnh nhiều người con dân xứ Huế ngày ngày đi cào, quét, thu gom lá thông làm nhiên liệu vào những năm tháng khó khăn sau ngày thống nhất đất nước.
 
Và ngày nay, khi bộ mặt thành phố ngày thêm khởi sắc, cảnh quan đô thị ngày càng xanh đẹp thì cây thông lại dự phần mình như một tác nhân góp gió cho Huế đẹp thêm. Hình ảnh cây thông trong công viên, điển hình là công viên Phú Xuân ở đầu đường Lê Duẩn, trong vườn cảnh tư gia, công sở, trường học đang đóng vai trò tôn tạo đầy ý nghĩa.
 
Cũng cần biết thêm rằng, thông là một loài thực vật thân gỗ độc đáo, không những về ngoại hình mà còn là một loài đa tác dụng đối với đời sống con người. Cây thông có thân hình trụ, thẳng, có thể cao hàng chục mét, cho gỗ nhẹ chứa nhựa thơm (bao gồm tinh dầu thông và tùng hương) có thể dùng cho xây dựng, đóng tàu xe, làm đồ trang trí, làm bột giấy... Gỗ thông cũng thường được tẩm nhựa đường để làm trụ điện, cầu dã chiến. Nhựa thông được tách thành tinh dầu thông và tùng hương (colophan), cả hai được dùng cho y học, công nghiệp sơn, xà phòng, nước hoa, giấy, điện...
 


Chỉ riêng y học, người ta đã dùng tinh dầu thông để chữa ho, tiêu đờm, chữa viêm phế quản, chảy máu răng, đau lưng, khớp, dây thần kinh. Tùng hương được dùng chữa mụn nhọt, ghẻ lỡ, lỗ rò mủ... Lá thông sắc với lá khế, thanh hao, long não xoa chữa vết thâm tím. Phấn thông chữa đau đầu choáng váng, chóng mặt. Quả thông chữa ho, Vỏ thông chữa vết lở loét...
 
Trên thế giới có trên 100 loài thông thuộc chi (giống) Pinus, với khoảng trên dưới 30 loài cho nhựa. Ở Việt Nam, cũng có nhiều loài, có thể chia thành 2 nhóm nguồn gốc: nhóm bản địa và nhóm ngoại lai. Những loài quen thuộc trong nhóm bản địa gồm Thông nhựa, còn gọi là thông 2 lá hay Thông ta (Pinus merkusii), Thông ba lá (Pinus kesiya), Thông 5 lá Pà Cò (Pinus kwantungensis), Thông 5 lá Đà lạt (Pinus dalatensis)... Những loài quen thuộc trong nhóm ngoại lai gồm Thông mã vĩ, còn được gọi là Thông Tàu hay Thông đuôi ngựa (Pinus massoniana), Thông Caribe (Pinus caribaea)...
 
Ở Huế, loài thông phổ biến nhất là Thông nhựa. Thông 3 lá là loài thích nghi độ cao trên 1000 mét so với mực nước biển, nên khi trồng ở vùng thấp, cây sinh trưởng kém, cành nhánh không thẳng, đỉnh sinh trưởng thoái hóa sớm, khiến cây không cao, tuổi thọ thấp, nhân giống cũng không dễ, nên ít được trồng rộng rãi. Trước đây ở vườn thông Đàn Nam Giao co khá nhiều cây Thông ba lá, nhưng dần dần do không biết cách bảo tồn, chúng đã mất dần số lượng, đến nay chỉ còn dăm ba cây, còn hầu hết là Thông nhựa. Rừng thông Thiên An cũng chỉ toàn là cây Thông nhựa. Ngày trước ở các vườn ngự của cung điện Triều Nguyễn cũng có trồng thông và có lẽ cũng chỉ là Thông nhựa, lúc đó các vị vua Minh Mạng, Thiệu Trị ghi lại qua thơ văn bằng một từ Hán Việt là Tùng.
 
Đỗ Xuân Cẩm
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top