ClockChủ Nhật, 18/09/2016 06:16
GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN:

Chậm do chủ đầu tư không đảm bảo khối lượng

TTH - “Đến 30/9 năm nay, nếu các dự án đầu tư công có số vốn giải ngân dưới 30%, tỉnh sẽ không bố trí vốn cho năm tiếp theo”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã khẳng định tại buổi làm việc với các ban ngành liên quan đến tiến độ các dự án và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản mới đây.

Nhiều dự án chậm giải ngân vốn do tiến độ vướng công tác giải phóng mặt bằng (Đường La Sơn - Túy Loan)

Lý do muôn thuở

Theo tìm hiểu, nguyên nhân chủ yếu trong nhiều dự án chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, phần lớn là do công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc. Lý do này không mới nhưng cứ tồn tại hết năm này qua năm khác và đến nay vẫn chưa có phương án khả thi. Có dự án, khối lượng công việc hoàn thành gần như 80%, song vì vướng một, hai hộ dân, đành “mắc” cả “nhiệm kỳ”, như đường vào khu quy hoạch Bàu Vá là ví dụ điển hình.

Hay như dự án giải phóng mặt bằng khu đất xây dựng khu đô thị hành chính tỉnh, kế hoạch giải ngân vốn năm 2016 là 16,5 tỷ, nhưng đến nay, khối lượng giải ngân là... 0%, do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế mới chỉ tiến hành kiểm đếm, áp giá đền bù, song “gạo chưa kịp nấu” dân đã đâm đơn kiện. Lý do là giá đền bù thấp hơn trước khá nhiều, từ mét vuông 40  ngàn đồng năm 2011, nay chỉ 19.500 đồng. Vậy là tiếp tục “vướng” và “mắc”, vẫn chưa có cách nào để gỡ. Khả năng đạt mức giải ngân tối thiểu 30% như quy định để được bố trí vốn năm 2017 đối với dự án này e khó đạt.

Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế được bố trí 45 tỷ đồng trong năm nay, nhưng vốn giải ngân đến cuối tháng 8/2016 chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Và lý do cũng không gì khác là vướng công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh và TP. Huế, các ngành liên quan tốn không ít thời gian, công sức và tiền bạc để tìm phương án. đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chủ trì nghe báo cáo công tác giải phóng mặt bằng và cho chủ trương đối với từng hộ cụ thể, nhưng từ thời điểm tổ chức cuộc họp đến nay chừng nửa năm, nhưng cả với những hộ đã cho chủ trương cưỡng chế vẫn chưa thấy động tĩnh, như trường hợp chủ nhà “Nhạc Hoa Viên” ở đường Ông Ích Khiêm (TP. Huế).

Dự án trọng điểm đường La Sơn-Nam Đông do Ban Đầu tư và xây dựng giao thông tỉnh làm chủ đầu tư có kế hoạch vốn hơn 252 tỷ đồng, tuy nhiên, đến 31/8, chỉ giải ngân được gần 60 tỷ đồng, đạt 23,5% kế hoạch. Cũng như các dự án vừa nêu, nguyên nhân chính vẫn do vướng công tác giải phóng mặt bằng.

“Tại anh, tại ả”?

Dù khối lượng chưa đạt hay đạt thấp, song xem ra, chủ đầu tư các dự án vừa nêu vẫn còn hy vọng, nếu công tác giải phóng mặt bằng “xuôi chèo, mát mái”. Với một số dự án, chủ đầu tư còn không còn chút hy vọng, như dự án xây dựng bệnh viện phục hồi chức năng, trung tâm y tế do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Cả hai dự án này, mỗi dự án được bố trí 7 tỷ đồng, tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư cho hay khả năng không thể đề xuất thanh toán, giải ngân đồng nào do thay đổi địa điểm xây dựng, kéo theo phải điều chỉnh thiết kế và hàng loạt các vấn đề phát sinh. Chỉ lo thủ tục thôi đã hết thời gian, nói gì đến triển khai ra hiện trường để có khối lượng thanh toán. Chủ đầu tư xem như đã cầm chắc “tấm vé” không được bố trí vốn cho năm tiếp theo nếu không có cơ chế từ lãnh đạo tỉnh.

Trước thực trạng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa như mong đợi, lãnh đạo tỉnh, mà cụ thể là người đứng đầu UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Cao đã triệu tập cuộc họp với các ngành liên quan để rà soát những tồn tại và “chốt” đến 30/9, nếu dự án nào số vốn giải ngân chưa đến 30% sẽ không cấp vốn cho năm tiếp theo, đồng thời điều chuyển vốn với các dự án tiến độ giải ngân chưa tới 50%.

Năm 2016, toàn tỉnh được bố trí hơn 3.330 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó, nguồn vốn cân đối Trung ương hơn 1.120 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương hơn 2.112 tỷ đồng, còn lại là vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Đến 31/8, đã giải ngân hơn 1.434 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch, trong đó, khối lượng thanh toán hạ tầng hơn 1.102 tỷ đồng và hơn 331 tỷ đồng vốn tạm ứng theo chế độ chưa thu hồi. Hiện còn 44 dự án khối lượng giải ngân chưa tới 10%, trong đó, có 26 dự án khối lượng giải ngân chỉ 0%.

Biện pháp đó được cho là khá cứng rắn, nếu thực thi đúng, chắc chắn một số chủ đầu tư sẽ hết “nhờn mặt”. Tuy nhiên, thực tế việc chậm giải ngân vốn không phải là câu chuyện mới và năm nào, để đạt tiến độ như mong muốn, lãnh đạo tỉnh cũng phải tổ chức nhiều phiên họp để rà soát, đốc thúc. Điều đó là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ công trình, gắn trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý, giám sát dự án. Có điều, giải pháp cần được thực thi và cương quyết hơn nữa, đó là nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án đúng tiến độ, kéo dài năm này qua năm khác nên thay chủ đầu tư và xử phạt bằng việc không cho làm chủ đầu tư trong một thời gian, chắc chắn, sẽ làm gương cho nhiều chủ đầu tư khác, trong bối cảnh đầu tư công đang thắt chặt và ngày càng bó hẹp như hiện nay.

Trong một diễn biến liên quan, khi trao đổi vấn đề chậm giải ngân vốn với Kho bạc Nhà nước tỉnh để biết có hay không việc cơ quan này chậm giải ngân vốn, ách tắc hồ sơ thanh toán khối lượng của chủ đầu tư, ông Nguyễn Sông Bến Hải, Trưởng phòng Kiểm soát chi khẳng định: “Tất cả các thủ tục đều giải quyết trong ngày, chỉ một vài trường hợp do thiếu giấy tờ liên quan chúng tôi hướng dẫn bổ sung và muộn nhất là đến hôm sau sẽ chuyển tiền vào tài khoản, trong khi quy định của Bộ Tài chính là 7 ngày”.

Với vai trò là đơn vị xây dựng kế hoạch và giám sát quá trình thực hiện, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát tiến độ là việc làm thường xuyên và liên tục chứ không phải định kỳ hay đợi có ý kiến chỉ đạo rồi mới thực hiện. Thế nhưng, nhiều dự án không đảm bảo tiến độ như mong muốn, nguyên nhân trực tiếp là do phía chủ đầu tư.

Sở Tài chính cho rằng, họ chỉ là đơn vị tham gia, phối hợp. Khi có thông báo kế hoạch vốn từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò trung gian, cơ quan này chuyển qua Kho bạc Nhà nước để làm cơ sở thực hiện. Định kỳ kho bạc có báo cáo về tiến độ giải ngân và qua theo dõi, tiến độ giải ngân tại kho bạc khá tốt và chưa có bất kỳ vướng mắc, phát sinh nào.

Theo Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông tỉnh, để đảm bảo đạt 50% tiến độ giải ngân vốn, đơn vị đang ráo riết chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương thi công những khu vực đã bàn giao mặt bằng, đồng thời phối hợp với địa phương liên quan tìm mọi giải pháp để vận động, di dời dân. Và, công tác giải phóng mặt bằng do các trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện. Thế nhưng, các trung tâm phát triển quỹ đất cho hay, họ chỉ thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quy định của pháp luật. Nhiều hộ kiện cáo đòi tăng tiền đền bù, hỗ trợ đất…, nhưng cơ quan này khó có thể làm khác.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Huế thăm, tặng qùa người có công

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), ngày 25/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng lãnh đạo Thị ủy Hương Trà đã đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu tại các phường Hương Chữ, Hương Xuân, Hương Vân của thị xã Hương Trà.

Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Huế thăm, tặng qùa người có công
Đối ngoại nâng cao vị thế, hình ảnh Huế đến bạn bè quốc tế

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định như vậy tại buổi gặp gỡ, chúc tết các cơ quan ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, công ty liên doanh, nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia, tình nguyện viên nước ngoài đang làm việc trên địa bàn tỉnh nhân Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tối 10/1.

Đối ngoại nâng cao vị thế, hình ảnh Huế đến bạn bè quốc tế

TIN MỚI

Return to top