ClockChủ Nhật, 13/03/2016 07:28

Chấm dứt giải ngân gói 30.000 tỷ đồng: Đẩy người thu nhập thấp đến tín dụng đen

“Nếu vay theo phương thức thương mại thì người thu nhập thấp không có tài sản đảm bảo, cũng không thể chứng minh thu nhập. Giả định được vay thương mại thì với lãi suất khoảng 10%/năm là gánh nặng khó kham nổi. Nếu vay ngoài xã hội, thậm chí vay tín dụng đen thì hệ quả khó lường”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.

Liên quan đến gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 28.884 tỷ đồng, đạt 96,28% và đã giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng, đạt 66,6%. Gần 43.000 hộ gia đình đã tạo lập được nhà ở mới, trong đó khoảng 70% là đối tượng mua căn hộ nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng, chỉ có khoảng 30% mua nhà ở xã hội.


Tín dụng đen đang bủa vây người tiêu dùng

Theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/05/2013 thì gói 30.000 tỷ đồng có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2013 và hết thời hạn sau 36 tháng, tức ngày 31/5/2016. Việc gói 30.000 tỷ đồng sắp hết thời hạn trong khi chưa giải ngân hết tiền và nhu cầu vay ưu đãi mua nhà từ gói hỗ trợ này còn rất cao khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) và người dân như đang “ngồi trên đống lửa”.

Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho rằng, mục tiêu giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng trong 3 năm là do NHNN ấn định. Trong khi đó, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ đã không quy định thời hạn này. Nghị quyết 02/NQ-CP đặt ra 3 mục tiêu: Giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu trên thị trường BĐS (thực chất là hỗ trợ các chủ đầu tư, các ngân hàng thương mại) và hỗ trợ người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở.

Nhiều ý kiến cho rằng, gói 30.000 tỷ đồng nhằm để hỗ trợ thị trường BĐS trong giai đoạn khó khăn bị khủng hoảng đóng băng, nay thị trường đã phục hồi thì không cần thiết kéo dài sự hỗ trợ nay nữa.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, đối chiếu với 3 mục tiêu của Nghị quyết 02/NQ-CP nêu trên thì trong giai đoạn thị trường BĐS đã phục hồi và tăng trưởng hiện nay thì không cần thiết tiếp tục chính sách ưu đãi để hỗ trợ chủ đầu tư và tổ chức tín dụng trong việc giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu. Nhưng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị luôn luôn là đối tượng cần thiết có sự hỗ trợ của Nhà nước để tiếp cận nhà ở.

Không những thế, nhiều người thu nhập thấp đô thị rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, mà trước mắt, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là cứu cánh hiện nay để tạo lập nhà ở.

“Theo tôi, NHNN nên cho giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mà không ấn định thời hạn để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở”, ông Châu nói.

Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, trước khi ký hợp đồng tín dụng vay gói ưu đãi, người thu nhập thấp đô thị đã phải ký hợp đồng mua nhà ở thương mại (dưới 1,05 tỷ đồng/căn hộ) với chủ đầu tư và đã phải trả trước 20% giá trị hợp đồng.

Nếu đến ngày 31/5/2016 mà người vay chưa được giải ngân hoặc mới chỉ được giải ngân một phần và nếu chấm dứt giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng này, thì người thu nhập thấp đô thị sẽ lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, không biết xoay sở như thế nào để có tiền mua nhà.

Nếu vay theo phương thức thương mại thì người thu nhập thấp không có tài sản đảm bảo, cũng không thể chứng minh thu nhập theo điều kiện của ngân hàng thương mại quy định. Giả định được vay thương mại thì với lãi suất khoảng trên dưới 10%/năm là gánh nặng khó kham nổi. Nếu vay ngoài xã hội, thậm chí vay tín dụng đen thì hệ quả khó lường.

“Hiệp hội đề nghị NHNN chỉ đạo cơ chế chuyển tiếp để xử lý các trường hợp này, cho phép ngân hàng thương mại được tiếp tục giải ngân các trường hợp đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhưng chưa được giải ngân, hoặc chỉ mới được giải ngân một phần, được giải ngân đến hết hợp đồng”, Chủ tịch HoREA kiến nghị.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tỷ lệ văn phòng trống tại Mỹ lập mức kỷ lục mới

Tỷ lệ văn phòng trống tại Mỹ vừa đạt đỉnh mới trong quý đầu tiên của năm nay, trong bối cảnh nhu cầu tiếp tục phát triển đối với các hình thức làm việc kết hợp giữa làm việc tại nhà và tại văn phòng.

Tỷ lệ văn phòng trống tại Mỹ lập mức kỷ lục mới
Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tránh bẫy tín dụng đen

Thực tế hiện nay khung pháp lý của pháp luật đã đủ để răn đe các đối tượng cho vay tín dụng đen, nhưng điều quan trọng là cần thực hiện song song công tác tuyên truyền để làm sao cho người dân hiểu về bẫy “tín dụng đen”, vì một khi đã dính vào thì khó thoát. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có những quy định rõ hơn về việc cho vay trong lĩnh vực dân sự; vận động những người có liên quan khi vay tiền phải thông qua công chứng để ràng buộc chặt chẽ hơn...

Tránh bẫy tín dụng đen
Return to top