ClockThứ Ba, 23/02/2016 15:01

Chậm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

TTH - Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2016, tất cả xe kinh doanh vận tải (KDVT) hàng hóa có tải trọng từ 10 tấn trở lên bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT), đăng ký kinh doanh, gắn phù hiệu xe. Tuy quy định đã có hiệu lực gần 2 tháng, nhưng số lượng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh thực hiện còn thấp…

50% số xe thực hiện     

Theo thống kê từ Phòng Quản lý vận tải và Phương tiện, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.500 xe tải có tải trọng từ 10 tấn trở lên đang còn hạn lưu hành, nhưng đến nay chỉ khoảng 750 xe đã đăng ký kinh doanh, cấp phù hiệu và lắp đặt thiết bị GSHT, đạt 50% so với tổng số xe.

Kiểm tra lắp đặt thiết bị GSHT tại Trung tâm đăng kiểm

Lý giải về vấn đề trên, ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và Phương tiện (Sở Giao thông Vận tải) cho biết, đến giờ G sợ kiểm tra, xử phạt không ít DN đến làm thủ tục để đăng ký KDVT, cấp phù hiệu, lắp thiết bị GSHT. Do một lúc nhiều DN đến đăng ký, cán bộ ít nên có thể chậm hơn so với ngày thường, nhưng các hồ sơ gửi đến đều được giải quyết.

Khi được hỏi, nhiều lái xe vẫn chưa biết quy định này. Anh Trần Văn Hưng, lái xe tải cho DN chuyên chở vật liệu xây dựng cho biết: “Chúng tôi chưa biết đến quy định này. Việc thực hiện các giấy tờ kinh doanh cũng như lắp đặt thiết bị GSHT là do công ty làm”.

Hiện nay, KDVT có 2 hình thức là KDVT hàng hóa trực tiếp (các xe chở thuê cho đơn vị khác, có thu phí) và kinh doanh gián tiếp (chở hàng hóa của đơn vị mình không thu phí, không chở thuê nhưng việc vận chuyển đó vẫn đem lại doanh thu cho DN). Trước đây, quy định chưa rõ, nhiều DN cho rằng họ không KDVT nên việc xử phạt rất khó khăn. Thanh tra muốn xử phạt phải chứng minh được hoạt động của họ có thu phí hoặc mang lại lợi nhuận cho DN. Nhưng với quy định mới này, các phương tiện vận tải có tải trọng từ 10 tấn trở lên tham gia chở đất đá, vật tư thiết bị cho công trình xây dựng cũng phải có giấy phép kinh doanh, gắn phù hiệu và lắp đặt thiết bị GSHT, nếu không sẽ bị xử phạt.

Trên địa bàn tỉnh có 11 đơn vị cung cấp thiết bị GSHT nên cơ bản đáp ứng nhu cầu của các chủ xe, như Công ty Bình Anh, VNPT Thừa Thiên Huế, Viettel Thừa Thiên Huế… Tuy mỗi thiết bị GSHT có giá từ 2,5 – 4 triệu đồng/bộ, nhưng với các DN có nhiều đầu xe thì đây cũng là khoản không nhỏ.

Tăng cường truyền thông

Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh, những ngày qua, một số đơn vị đã thực hiện lắp đặt thiết bị GSHT và đến trung tâm để kiểm tra. Một lãnh đạo DN kinh doanh vận tải cho biết: “Ban đầu chúng tôi chỉ biết mập mờ về quy định của Nhà nước bắt buộc những xe có tải trọng trên 10 tấn phải lắp đặt thiết bị GSHT. Mới đây, khi xe đang tham gia giao thông bị cơ quan chức năng nhắc nhở phải lắp thiết bị GSHT, phù hiệu theo quy định mới. Lúc đó, chúng tôi mới biết để thực hiện”.

Ông Đào Hữu Long, Phụ trách cơ sở 2 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên Huế cho biết, việc lắp đặt thiết bị GSHT đối với xe KDVT hàng hóa có tải trọng trên 10 tấn đã được một số chủ xe và DN lớn chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn có một số DN vừa và nhỏ, chưa biết về quy định này, nên nhiều xe đến đăng kiểm chưa lắp thiết bị GSHT. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp các chủ xe biết rõ về quy định mới để thực hiện.

Ông Lê Thế Bính, Chánh Thanh tra Giao thông cho biết, do quy định mới, nên trước mắt Thanh tra Giao thông chủ yếu nhắc nhở và cảnh báo đối với những DN chưa lắp đặt thiết bị GSHT và phù hiệu. Thời gian tới, đơn vị sẽ xử phạt đối với những DN và lái xe vi phạm.

Theo quy định, thiết bị GSHT được phân nhiều cấp quản lý, trước hết mỗi DN phải tự quản lý thiết bị GSHT của xe mình. Đơn vị lắp đặt thường xuyên kiểm tra quá trình hoạt động của thiết bị. Sở Giao thông Vận tải quản lý tất cả các phương tiện có mặt trên địa bàn tỉnh. Tổng cục Đường bộ quản lý, giám sát tất cả các phương tiện lưu thông trên toàn quốc.

Vì vậy, để phát huy hiệu quả việc lắp đặt các thiết bị GSHT, trước hết các DN vận tải cần nâng cao ý thức, thường xuyên kiểm tra hoạt động của thiết bị lắp đặt để nâng cao hiệu quả quản lý. Đồng thời, các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý đối với những phương tiện lắp đặt để đối phó, không phát huy tác dụng.                                                         

Bài, ảnh: Thanh Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Tiếp nhận thiết bị 3 thư viện thân thiện và trao 165 tủ sách lớp học tại TP. Huế

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, ngày 8/4, tại Trường THCS Duy Tân, Tổ chức Zhi Shan Foundation phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế tổ chức lễ tiếp nhận đưa vào sử dụng 3 thư viện thân thiện và bàn giao 165 tủ sách lớp học cho 10 trường học tại TP. Huế.

Tiếp nhận thiết bị 3 thư viện thân thiện và trao 165 tủ sách lớp học tại TP Huế

TIN MỚI

Return to top